Nửa cuối năm, marathon Việt sôi động với hàng loạt giải đấu lớn. Trong đó, riêng hệ thống VnExpress Marathon có bốn giải tại Nha Trang (13/8), Hạ Long (10/9), Hà Nội (26/11) và Hải Phòng (17/12). Việc tập luyện theo giáo án để đạt thể trạng, phong độ cao trước giải rất quan trọng. Nếu lặp đi lặp lại các bài tập hàng ngày trên đường trường, đường nhựa dễ gây nhàm chán, không có sự đa dạng. Về lâu dài, lịch trình này có thể khiến tinh thần đi xuống.
Các chuyên gia từ Canadian Running Magazine khuyên runner nên thay thế một buổi chạy nhẹ nhàng (easy run) trong tuần thành một buổi tập trên đường mòn, đường núi. Đây là giải pháp mang đến sự mới mẻ và nhiều lợi ích.
Tăng sức mạnh và sự ổn định
Chạy trên đường đồi, đất đá, địa hình không bằng phẳng đòi hỏi runner vận dụng nhiều nhóm cơ hơn, bao gồm cơ hông, cơ mông và nhóm cơ lõi (core) - những nhóm cơ ít khi được làm việc hết công suất khi chạy đường trường. Trong đó, cơ lõi là nhóm quan trọng để giữ sự ổn định, thăng bằng và sức mạnh của cơ thể. Bổ sung chạy đường mòn giúp các nhóm cơ này chắc và khỏe hơn.
Cơ lõi như trung tâm liên kết phần trên và phần dưới của cơ thể, giúp chuyển động linh hoạt và duy trì tư thế chuẩn khi vận động. Nhóm cơ lõi khỏe mạnh sẽ giúp tăng sức bền và hạn chế chấn thương trong vận động. Ngoài chạy đường mòn, runner có thể tập bổ trợ nhóm cơ này bằng các bài gym, cardio tại nhà.
Giảm tác động lên các khớp
Đường mòn thường có bề mặt mềm hơn, chẳng hạn như đất hoặc cỏ, giúp giảm tác động lên các khớp, ít gây căng thẳng cho cẳng chân và có thể giúp ngăn ngừa các chấn thương như dây chẳng, đầu gối,... Các nghiên cứu cũng khẳng định VĐV chạy địa hình có nguy cơ chấn thương liên quan đến chạy thấp hơn so với runner đường trường.
Nguyên nhân là bởi khi chạy đường trường, nhịp độ lặp đi lặp lại khiến áp lực chỉ tập trung vào một số nhóm cơ, gân và dây chẳng. Khi chạy đường mòn, địa hình thay đổi liên tục, lúc lên, lúc xuống. Hướng tác động lên các cơ vì thế cũng khác nhau và biến đổi theo từng dạng địa hình. Khi này, các nhóm cơ luân phiên chịu tác động, không có vùng nào bị quá tải nên hạn chế chấn thương.
Cải thiện khả năng hiếu khí
Chạy đường mòn giúp cải thiện khả năng hiếu khí (quá trình dùng oxy để trao đổi chất tạo ra năng lượng). Tập luyện trong vùng hiếu khí có thể giúp tăng khả năng hấp thụ, vận chuyển và sử dụng oxy của cơ thể, dẫn đến hiệu suất chạy được cải thiện và khả năng chịu đựng cao hơn. Bài tập hiếu khí cũng tăng sức bền và khả năng chịu đựng.
Làm mới trải nghiệm
Cảnh vật liên tục thay đổi, địa hình biến chuyển liên tục giúp runner thoát khỏi cảm giác đơn điệu khi chạy đường trường. Chạy đường mòn cũng là cách khám phá những khu vực mới, hòa mình vào thiên nhiên.
Không những vậy, chạy trail còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo nghiên cứu của Đại học Edge Hill, chạy hòa mình với núi rừng, thiên nhiên có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng, đồng thời tăng cường sức khỏe tinh thần, cải thiện tâm trạng. Đối với những người muốn giảm cân, chạy địa hình có thể giúp đốt cháy thêm từ 60 đến 90 calo mỗi giờ, theo dữ liệu từ tạp chí Y học và Khoa học Thể dục thể thao.
Tại Việt Nam, rất nhiều runner chọn chạy trail như cách bổ trợ để chuẩn bị cho các giải marathon. Hà Thị Hậu là điển hình của việc thành công nhờ chạy trail. Lịch tập của Hậu hầu như chỉ có chạy trên những con dốc, đường mòn, vách núi hiểm trở. Nhờ quen với địa hình phức tạp, khi xuống đường trường cô chinh phục những giải đua rất nhàn, gần như không có đối thủ. Hà Thị Hậu đã hai lần vô địch các giải đấu của VnExpress Marathon - trong đó có VM Nha Trang 2022.
VM Nha Trang có địa hình thi đấu kết hợp giữa đường trường và hơn 10km là đường đèo, dốc. Những runner tập quen với đường mòn, đường dốc sẽ có nhiều lợi thể để đạt thành tích cao.
Hoài Phương