Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy rồi chuyển lên Bệnh viện sản nhi tỉnh. Cháu bé được chẩn đoán suy hô hấp cấp tiến triển nặng (ARDS), viêm phổi.
Bác sĩ Bùi Thị Hồng Nhung, khoa Hồi sức cấp cứu, ngày 11/7 cho biết, trong thời gian điều trị, bệnh diễn biến phức tạp: có lúc bệnh nhân sốt cao liên tục, tình trạng nhiễm trùng tăng cao, đáp ứng với điều trị kém, X-quang phổi tiến triển xấu. Bệnh nhân phải thay kháng sinh, thực hiện các thủ thuật huy động phế nang.
Sau 8 ngày thở máy và hồi sức tích cực, bệnh nhân được cai máy thở.
Theo bác sĩ Nhung, bệnh nhi may mắn do được sơ cứu tại tuyến dưới và chuyển đến viện kịp thời nên phục hồi khá nhanh và không có biến chứng. Hiện, bệnh nhi đã điều trị được 15 ngày, sức khỏe ổn định, có thể xuất viện trong tuần tới.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, gần 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển, chiếm trên 45% số ca trẻ tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước. Đặc biệt, vào mùa hè trời nóng, trẻ được nghỉ học thì số ca bị đuối nước thường tăng.
Để hạn chế tình trạng đuối nước, phụ huynh cần nhắc trẻ không chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch... Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi tắm biển hay tắm sông, dù biết bơi hay không biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ.
Phụ huynh nên cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi an toàn. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp. Trường hợp bệnh nhân đuối không không được sơ cứu trước khi chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian vàng điều trị, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.
Do đó, khi phát hiện có người đuối nước bạn cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ và hét to gọi mọi người xung quanh cùng đến hỗ trợ.
Sau đó, thổi ngạt người bệnh bằng cách hít một hơi thật sâu rồi ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại hai lần. Việc này cần phải tiến hành ngay khi có thể, khi nạn nhân đã được kéo đến chỗ nông hơn, ít nguy hiểm hơn, khi chân người cứu chạm đất. Nhanh chóng cởi bỏ quần áo ướt, làm ấm cơ thể nạn nhân.
Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau hai lần thổi ngạt đủ mạnh làm ngực phồng lên thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt. Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bờ, đặt cườm tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tốc độ nhanh 120 lần/phút; cứ sau 30 lần ép tim như thế, thổi ngạt hai lần. Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất. Phải làm liên tục cho đến khi có đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ. Tuyệt đối không làm nghiệm pháp, không dốc ngược nạn nhân để nước tống ra từ phổi.
Mọi người nên tập trung cấp cứu nạn nhân liên tục, kiên trì hàng giờ và chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý nếu trẻ bị đuối nước khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ khuyến cáo điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ con, em mình.
"Một phút sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của các em, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai", bác sĩ Nhung nói.
Thùy An