Bác sĩ bệnh viện địa phương đặt nội khí quản giúp thở, chống co giật, sau đó chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố TP HCM, ngày 20/5.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé nhập viện với tình trạng hôn mê, tím tái, co gồng từng cơn, hình ảnh chụp X-quang ngực cho thấy phổi bé tổn thương nặng.
Các bác sĩ cấp cứu xử trí thở máy thông số thích hợp, chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan và cho kháng sinh phổ rộng điều trị viêm phổi hít. Bé được chuyển vào điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, hiện tình trạng còn khá nặng.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, nếu chẳng may trẻ ngạt nước ngưng tim ngưng thở, phụ huynh cần sơ cứu bằng cách ấn tim vùng nửa dưới xương ức xen kẽ thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và hai lần thổi ngạt. Nếu có thêm một người hỗ trợ thì ấn tim 15 lần, thổi ngạt hai lần.
"Các biện pháp dân gian như xốc nước, lăn lu, ấn bụng... đều không có tác dụng mà còn trì hoãn quá trình cấp cứu ngưng thở ngưng tim, dẫn đến tử vong hoặc cứu sống được trẻ nhưng để lại di chứng não nặng nề về sau", bác sĩ Tiến nói.
Cuối năm ngoái, một bé trai 4 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngã vào xô nước tại nhà không rõ từ lúc nào, khi được phát hiện thì đã tím tái, ngưng tim ngưng thở. Bé được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) nhưng tình trạng quá nặng, không thể điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng, cảnh giác các nguy cơ tai nạn ở trẻ. Đuối nước có thể xảy ra trong khi bơi, đi thuyền, hoặc tại nhà như bồn nước, chum vại, rãnh nước...
Tại Việt Nam, mỗi năm đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 16 tuổi. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Hướng dẫn thao tác sơ cứu ép tim lồng ngực
Hướng dẫn thao tác hà hơi thổi ngạt