Thứ hai, 18/11/2024

Bột sắn dây

Công dụng của bột sắn dây

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt, chữa đau cổ gáy, khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ. Sắn dây điều trị cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, có mồ hôi, nóng ruột, mệt mỏi. Người bị sốt ho, viêm họng, bị sởi viêm phổi hoặc phụ nữ nóng ruột, chán cơm cũng có thể uống. Hoa sắn dây giải rượu hiệu quả.

Hầu hết bộ phận của cây sắn dây như rễ, hoa, lá đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng tốt nhất là rễ (hoặc củ sắn dây).

Nên uống bột sắn dây sống hay chín để giải nhiệt?

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sắn dây là thức uống giải nhiệt, có thể uống sống hoặc chín đều có hiệu quả. Tuy nhiên, sắn dây thường được chế biến thủ công nên trong quá trình lọc tinh bột có thể không lọc hết tạp chất, nguy cơ nhiễm khuẩn.

Để phòng nguy cơ đau bụng hoặc tiêu chảy, bạn nên pha bột sắn với nước sôi để làm chín bột sắn, không nên pha với nước nguội. Khi uống, bạn cần khuấy đều để không bị vón cục. Cách này phù hợp với tất cả mọi người.

Khi uống sống, hàm lượng dinh dưỡng sẵn có trong sắn dây được giữ nguyên nên rất bổ dưỡng. Cách này cũng dễ làm. Riêng trẻ em, phụ nữ mang thai bị lạnh hay người bụng dạ yếu không nên uống sống để tránh bị bệnh tiêu hóa.

Content bột sắn dây

Do đó, tùy từng thể trạng và sở thích để lựa chọn.

Có nên uống nước sắn dây thay nước mỗi ngày?

Nước sắn dây rất tốt song không nên uống liên tục mỗi ngày. Khi nấu chín, lượng dinh dưỡng giảm. Trường hợp uống sống, sắn dây không tốt cho trẻ và phụ nữ mang thai, dễ gây lạnh bụng.

Cách đơn giản nhất là bạn chỉ cần uống nước đun sôi để nguội, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Để tăng hương vị, bạn có thể thêm vài lát chanh, dâu tây, dưa chuột, lá bạc hà vào bình nước.

Bạn có thể luân phiên thay đổi bằng các nước hoa quả khác nhau như cam, ổi, chanh leo, dưa hấu. Khi uống, bạn có thể cho một chút muối vào đồ uống sẽ giúp tăng hương vị và bổ sung chất điện giải bị mất qua đổ mồ hôi.

Nên uống sắn dây bao nhiêu lần một ngày?

Theo bác sĩ, bạn chỉ nên uống một cốc bột sắn dây mỗi ngày vào buổi sáng hoặc trước khi ăn 20 phút. Tùy chỉnh lượng đường phù hợp hoặc thêm nước cốt chanh tăng hương vị dễ uống hơn. Khi nấu chín thì cần hòa tan với nước nguội trước mới cho nước nóng, chú ý khuấy đều để không bị vón cục.

Cách pha nước sắn dây giải nhiệt

1. Pha bột sắn dây sống

Cho hai thìa canh bột sắn dây vào cốc, thêm đường theo khẩu vị. Đổ 150 ml nước sôi để nguội vào khuấy đều cho tan đường và bột sắn dây, thêm một thìa nước cốt chan, cho đá viên, trang trí lát chanh thêm phần bắt mắt là được.

Cách này phù hợp với người bị sốt, cảm nắng, giải nhiệt, giải rượu. Tuy nhiên, bột sắn dây chế biến thủ công nên nguy cơ nhiễm khuẩn. Trẻ em, phụ nữ mang thai bụng yếu không nên uống sống.

Content bột sắn dây - 1

2. Nấu chín lên như chè hoặc súp

Cho vài thìa thìa canh bột sắn dây vào cốc, thêm đường, rồi cho 10 ml nước lọc vào khuấy tan bột sắn và đường. Sau đó, cho nước sôi già (vừa đun sôi) vào khuấy đều thành dạng sền sệt là được. Nếu pha nhiều bột sắn dây thì nên cho vào nồi khuấy ở lửa nhỏ cho tới khi sánh sệt như súp. Trẻ em và phụ nữ mang thai nên sử dụng cách này.

Ngoài ra, bạn có khoảng một nắm hoa sắn dây tươi hoặc khô, tráng một lần qua nước sau đó hãm với khoảng 200 ml nước. Bạn nên uống ngay sau khi uống rượu say sẽ giải rượu, giảm say nhanh.

Xem thêm: Hai cách pha bột sắn dây đơn giản giải nhiệt

Nên uống sắn dây sống hay chín?