1. Nước sấu đá
Cứ mỗi độ hè tới, món ăn từ sấu trở thành một phần ẩm thực dân dã của người Hà Nội. Trong đó, nước sấu đá từng gắn bó với ký ức tuổi học trò nhiều người. Một ly nước sấu đá mát lạnh với vị chua ngọt dịu thơm, quả sấu giòn róc hạt, thoảng chút the cay từng gừng nhanh chóng xua tan nhưng mệt mỏi trong thời tiết oi bức.
Để sấu ngâm đường không bị lên men thì tiệt trùng từ sấu tới hũ đựng. Ngay cả khi mỗi lần lấy ra thưởng thức cũng dùng thìa khô ráo múc lượng đủ. Nên chọn sấu bánh tẻ (không non quá hay già quá), màu xanh nhạt, cùi dày, vỏ hơi rám sần, cuống tươi ngâm đường là ngon nhất.
Xem cách làm: Nước sấu đá
2. Nước bột sắn dây
Theo Đông y, bột sắn dây có vị ngọt, tính mát, giúp giải nhiệt, chữa đau đầu, sốt cao, tiêu chảy, kiết lỵ, giải rượu... luôn được ưu tiên trong những ngày hè.
Tùy theo khẩu vị và mục đích sử dụng, có hai cách pha nước sắn dây: pha sống hoặc pha chín. Cách uống nước sắn dây sống giữ được nhiều hàm lượng dinh dưỡng, sử dụng khi sốt, cảm nắng, giải nhiệt, giải rượu. Tuy nhiên, do bột sắn dây chế biến thủ công nên không tránh khỏi tạp chất, nhiễm khuẩn, trẻ em, phụ nữ mang thai bụng yếu không nên uống sống.
Cách uống chín thì nấu lên sền sệt như súp. Kiểu nấu này làm bột sắn dây bị giảm dược tính cũng như hàm lượng dinh dưỡng nhưng bù lại an toàn cho sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt, kiện tì, dưỡng vị.
Xem cách làm: Nước bột sắn dây
3. Nước tía tô
Tía tô không chỉ là rau gia vị phổ biến cho nhiều món ngon mà còn là vị thuốc quý trong Đông y giúp giải cảm, thanh nhiệt, trị ho. Ngoài ra, tía tô còn vị thuốc làm đẹp da, trị nám, mụn, chống lão hóa...
Nấu nước lá tía tô khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch cho vào đun sôi vài phút rồi thêm đường phèn, để nguội vắt chút nước cốt chanh để biến đổi màu đẹp, tăng thêm vitamin C. Chú ý: Không đun lâu quá vì làm tinh dầu trong tía tô bốc hơi hao hụt đi, giảm tác dụng cho sức khỏe.
Nước lá tía tô sử dụng trong 1-2 ngày (để ở ngăn mát), không nên để lâu quá làm mất mùi vị. Chia ra cách tuần, tháng uống lượng vừa đủ. Không nên uống quá nhiều và thời gian dài gây chướng bụng, ảnh hưởng huyết áp.
Xem cách làm: Nước tía tô
4. Trà mận vải
Tận dụng vải thiều và mận vào mùa, bạn tự làm những ly trà mận vải giải khát hấp dẫn tại nhà.
Cách làm trà mận vải khá đơn giản: Ủ 1 gói trà túi lọc với 100 ml nước sôi, lọc lấy nước. Thêm 15 ml syrup từ vải ngâm, 15 ml syrup từ mận, thêm đường theo khẩu vị, 1 thìa cà phê nước cốt chanh, đá rồi lắc đều. Trang trí thêm vài lát mận và quả vải ngâm. Trà có màu sắc bắt mắt, vị ngọt dịu thoang thoảng hương thơm từ vải rất thu hút.
5. Nước đậu xanh rau má
Rau má được ví là ''vitamin trẻ trung'' giúp làm đẹp và thanh nhiệt cơ thể. Khi kết hợp với đậu xanh, nước cốt dừa thì thức uống này vừa thanh mát lại bùi bùi, béo ngậy.
Chú ý rau má nên cắt nhỏ khi cho vào máy xanh để giúp xay mịn dễ dàng hơn. Tùy theo khẩu vị điều chỉnh vị ngọt cho phù hợp. Nếu không có rau má tươi thì dùng bột rau má thay thế cũng được.
Xem cách làm: Nước đậu xanh rau má
6. Trà tắc
Trà tắc là thứ nước giải khát được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi hương vị tươi mát, nguyên liệu sẵn có và cách làm đơn giản. Để trà tắc không bị đắng, nên ngâm đá tắc rồi cắt, vắt lấy nước cốt sau vì như vậy tinh dầu ở vỏ không bị ra nhiều.
=>> Xem cách làm: Trà tắc
Bùi Thủy