Trong 16 ngày Kim Jong-un vắng bóng, truyền thông nhà nước Triều Tiên 9 lần đưa tin ông gửi thư cho lãnh đạo nước ngoài và người dân. Ông đã gửi thư cho Chủ tịch Cuba, Tổng thống Zimbabwe, Tổng thống Syria và Tổng thống Nam Phi để chúc mừng các ngày lễ quan trọng. Ông còn gửi lời cảm ơn những công nhân đã giúp xây dựng thành phố Samjiyon và chúc mừng sinh nhật một cụ bà 100 tuổi.
Những lá thư này gây chú ý vì nhiều đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un đang được lan truyền sau khi ông vắng mặt trong dịp kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành hôm 15/4. Trang Daily NK chuyên đưa tin về Triều Tiên dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Kim Jong-un đã trải qua ca phẫu thuật tim hôm 12/4 tại khu nghỉ dưỡng Hyangsan, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
CNN đầu tuần trước dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng Washington đang xác minh tin tình báo Kim Jong-un "trong tình trạng nghiêm trọng sau một ca phẫu thuật". Trong khi đó, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 26/4 khẳng định Kim Jong-un "vẫn sống và khỏe mạnh". Trung Quốc hôm 23/4 được cho là đã điều phái đoàn gồm các chuyên gia y tế đến Triều Tiên để hỗ trợ.
Nhà phân tích Will Ripley của CNN cho rằng những lá thư này chỉ đơn giản là vấn đề xã giao và không phải là bằng chứng cho thấy Kim Jong-un vẫn làm việc bình thường. Hầu hết lãnh đạo thế giới không tự soạn thư. Họ giao trách nhiệm cho cấp dưới và chỉ giám sát một số nội dung cụ thể.
Minyoung Lee, chuyên gia về truyền thông nhà nước Triều Tiên, cũng nhận định lãnh đạo Triều Tiên nhiều khả năng không tự ký duyệt các lá thư đề tên ông. Những lá thư xã giao cơ bản với các nước khác hay thư khen ngợi công dân có thể không cần lãnh đạo phải chú ý đến và được giao cho các quan chức đảng khác lo liệu. "Tuy nhiên, ông Kim có thể đích thân xử lý những lá thư cực kỳ quan trọng", bà nói thêm.
Là lãnh đạo của một nhà nước vũ trang hạt nhân với quyền lực lớn tập trung vào mình, ông Kim không có thời gian để ký duyệt tất cả thư từ. "Có thể có những vấn định được ấn định từ trước là không cần trình lên ông ấy vì không đủ quan trọng", Peter Ward, nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế Triều Tiên, cho biết. "Trong khi đó, một số thư về các vấn đề quan trọng của đảng hay hoạt động quân sự chắc chắn sẽ được xem xét và do lãnh đạo đích thân ký. Nhưng nếu ông ấy đọc tất cả thư đề tên mình, ông ấy có lẽ không còn thời gian để làm việc khác".
Các chuyên gia khác không đồng ý với cách lập luận này. Do hệ thống quyền lực tập trung của Triều Tiên, các quan chức ít khả năng tự gửi thư mà không thông qua Kim Jong-un vì làm vậy có thể bị coi là tiếm quyền. "Tôi nghĩ rằng mọi thư từ đều cần có sự chấp thuận của lãnh đạo", Wang Son-taek, phóng viên kỳ cựu về Triều Tiên của đài truyền hình Hàn Quốc YTN, nói.
"Các quan chức cấp dưới có thể soạn bản thảo, nhưng gửi thư dưới danh nghĩa lãnh đạo tối cao là một điều hoàn toàn khác", ông nói thêm. "Hẳn là phải có đấu đá nội bộ trong số những phụ tá nòng cốt. Nếu một trong số họ phát hiện ai đó gửi thư đề tên lãnh đạo tối cao mà không có sự chấp thuận của ông, người đó sẽ tố cáo vấn đề này để hạ bệ đối thủ".
Đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un gây liên tưởng đến hai sự kiện tương tự: Kim Jong-un vắng bóng 5 tuần năm 2014 và cha của ông, Kim Jong-il không xuất hiện trong 40 ngày sau một cơn đột quỵ năm 2008. Cả hai lần vắng bóng đều làm bùng lên tin đồn về sức khỏe và thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng. Những nghi vấn này bị xóa tan khi họ tái xuất, mặc dù ông Kim Jong-il có vẻ yếu đi rõ ràng sau cơn đột quỵ.
"Khi Kim Jong-il không xuất hiện tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm quốc khánh ngày 9/9/2008, ông vẫn tiếp tục gửi thư", Martin Weiser, nhà nghiên cứu truyền thông nhà nước Triều Tiên, cho biết. "Một lá thư gửi lời chúc mừng sinh nhật Tổng thống Nga ngày 14/9, thư còn lại là chúc mừng ngày quốc khánh Trung Quốc 30/9. Những lá thư đó khá ngắn và ít nội dung, có thể chỉ cần ông Kim Jong-il gật đầu đồng ý".
"Vào mùa thu 2014, truyền thông Triều Tiên cũng không đưa tin Kim Jong-un tham dự bất kỳ sự kiện nào trong hơn một tháng. Nhưng khác với hiện tại, họ không đưa nhiều tin về việc ông gửi thư trong nước hay ngoài nước", Weiser nói thêm. Tình báo Hàn Quốc cho rằng ông Kim vắng bóng năm 2014 là do vấn đề sức khỏe.
Khi những tin đồn về Kim Jong-un đang ngày càng tăng nhiệt, các quan chức truyền thông nhà nước Triều Tiên nhiều khả năng hiểu rằng mọi thư hay công văn đề tên lãnh đạo đều được coi là bằng chứng cho thấy ông Kim vẫn ổn và hoạt động của nhà nước không bị ảnh hưởng.
Nhưng với chuyên gia Lee, những lá thư này cho thấy chúng ta không thể dễ dàng đưa ra bất kỳ phán đoán nào. "Những lá thư này không nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe của ông Kim bởi vì chúng có thể không do chính ông Kim viết", bà lập luận.
"Chúng cũng xuất hiện thường xuyên trên truyền thông nhà nước, có nghĩa là chúng ta không nên suy diễn quá nhiều về dụng ý của chính quyền Triều Tiên khi họ đăng vào thời điểm này", bà nói thêm.
Những người khác thì khẳng định các lá thư cho thấy ông Kim vẫn khỏe mạnh, không giống như một số tin đồn đang được lan truyền. Ít khả năng có quan chức gửi thư đề tên lãnh đạo khi lãnh đạo đã gặp bất trắc.
Fyodor Tertitskiy, nhà nghiên cứu tại Đại học Seoul Kookmin, nhận xét cách giải thích hợp lý nhất là ông Kim "có thể đang dưỡng bệnh và truyền thông nhà nước muốn chứng minh rằng ông vẫn kiểm soát đất nước".
Phương Vũ (Theo NKNews)