Những tin đồn về sức khoẻ của Kim Jong-un dấy lên từ khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời, dịp lễ trọng đại kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành hôm 15/4. Lần xuất hiện gần nhất của Kim Jong-un trên truyền thông là khi ông chủ trì một cuộc họp hôm 11/4. Trung Quốc hôm 23/4 được cho là đã điều phái đoàn gồm các chuyên gia y tế đến Triều Tiên để hỗ trợ lãnh đạo nước này. Đoàn tàu đặc biệt được cho là của Kim Jong-un xuất hiện tại thị trấn nghỉ dưỡng Wonsan hồi tuần trước.
Việc Kim Jong-un vắng bóng suốt gần hai tuần khiến truyền thông phương Tây đặt ra nhiều giả thuyết về sức khỏe và khả năng lãnh đạo của ông. Trong lúc CNN dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng ông Kim có thể đang "nguy kịch" sau một cuộc phẫu thuật, chính phủ Hàn Quốc hôm qua khẳng định lãnh đạo Triều Tiên vẫn "khỏe mạnh" và chưa "phát hiện diễn biến đáng ngờ nào".
Dù tình trạng sức khỏe của Kim Jong-un chưa rõ ràng, giới quan sát cho rằng sự vắng bóng bí ẩn của ông lần này làm nổi bật một vấn đề ở Triều Tiên vốn rất được dư luận quốc tế quan tâm, đó là người sẽ thay thế Kim Jong-un lãnh đạo đất nước trong tình huống khẩn cấp.
Một số người cho rằng Kim Yo-jong, em gái đã tháp tùng Kim Jong-un trong các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, là ứng viên sáng giá để thay ông lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá giới tinh anh ở Bình Nhưỡng sẽ khó chấp nhận một nữ lãnh đạo trẻ thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, nhiều sự chú ý đang tập trung vào chú của Kim Jong-un là Kim Pyong-il, con trai duy nhất còn sống của cố chủ tịch Kim Nhật Thành.
Kim Pyong-il, sinh năm 1954, là con của Kim Song-ae, vợ thứ hai của Kim Nhật Thành. Ông là em trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-il, sinh năm 1941, bố của Kim Jong-un. Theo những quan chức cấp cao đào tẩu khỏi Triều Tiên, Kim Pyong-il có ngoại hình rất giống Kim Nhật Thành và Kim Jong-il từng cảm thấy cha dành nhiều quan tâm cho người em trai nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều.
Kim Pyong-il học tiếng Anh ở quốc gia Nam Âu Malta vào cuối những năm 1960, sau đó theo học tại học viện quân sự Triều Tiên và có bằng lái máy bay dân sự hạng nhẹ ở Đông Đức. Một cựu quan chức Đông Đức mô tả ông là "người thông minh, có học thức". Ông cũng được cho là từng học tại Moskva. Kim Pyong-il nói tiếng Nga trôi chảy, cựu quan chức Đông Đức cho biết.
Ông trở thành thành viên cấp cao trong lực lượng cận vệ của cha mình giống như Kim Jong-il. Ông nhanh chóng được thăng cấp lên đại tá và được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm ban chiến lược của lực lượng cận vệ.
Bạn thân của Kim Pyong-il là những người có vai vế như Kim Chang-ha, con của Bộ trưởng An ninh Nhà nước Kim Byong-ha, và Chon Wi, con của người đứng đầu lực lượng cận vệ. Họ thường tổ chức tiệc tại nhà Kim Byong-ha. Kim Pyong-il hay tặng đồng hồ khắc tên Kim Nhật Thành cho các vị khách.
"Ông ấy khá khoa trương và rất hào phóng, nhiều người tâng bốc ông ấy bằng cách tung hô 'Kim Pyong-il muôn năm!", Kang Myong Do, người đào tẩu nhận là con rể của cố thủ tướng Triều Tiên Kang Song-san, kể. "Đó là điều cấm kỵ, không nên dùng câu đó để nói về bất cứ ai ở Triều Tiên trừ Kim Nhật Thành".
Khi biết tin, ông Kim Nhật Thành rất tức giận, Kim Pyong-il bị "thất sủng" trong khi vị thế của Kim Jong-il được củng cố. Kim Pyong-il sau đó được cử ra nước ngoài công tác trong lĩnh vực ngoại giao.
Từ năm 1979, ông giữ nhiều vị trí ngoại giao, trong đó có làm đại sứ ở các nước Hungary, Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan và Cộng hòa Czech. Hai con của ông học đại học tại Ba Lan.
Vào giai đoạn cuối đời, ông Kim Nhật Thành được cho là bất đồng ý kiến với con trai Kim Jong-il về nhiều chính sách. Theo nhà phân tích Nhật Bản Katsumi Sato, khi vợ của một cố thủ tướng Nhật Bản đến thăm Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, ông nói Kim Pyong-il đã giúp ông duy trì sức khỏe tốt.
Trong khi đó, Kim Pyong-il sống lặng lẽ ở châu Âu, gần như không giao tiếp với công chúng, không bao giờ lên tiếng chống lại Kim Jong-il hay chỉ trích Triều Tiên. Điều này khiến ông khác biệt với Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, người thường trả lời truyền thông Nhật trước khi được cho là bị ám sát tại Malaysia năm 2017. Kim Pyong-il cũng ít tiếp xúc với cộng đồng ngoại giao, thường chỉ dự sự kiện của sứ quán các nước Algeria, Nga và Syria.
Năm 1994, Kim Pyong-il và mẹ tham dự lễ tang của Kim Nhật Thành, nhưng hình ảnh của họ không xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên, theo Yonhap. Tháng 12/2011, khi Kim Jong-il qua đời, các quan chức Hàn Quốc cho biết Kim Pyong-il vẫn ở Ba Lan và không dự đám tang.
Tháng 11/2019, Kim Pyong-il trở về Triều Tiên, từ giã sự nghiệp ngoại giao ở nước ngoài, đánh dấu lần đầu tiên ông trở lại làm cư dân Triều Tiên sau 40 năm.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, đánh giá tuổi tác là yếu tố khiến Kim Pyong-il là ứng viên phù hợp để lãnh đạo đất nước khi Kim Jong-un vắng bóng. Tuy nhiên, việc ông sống ở châu Âu hàng chục năm, cách xa chính quyền trung ương Triều Tiên có thể khiến giới tinh hoa nước này không ủng hộ ông.
Thực tế, không ai biết tình trạng sức khỏe thật sự của Kim Jong-un vì Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất thế giới và kiểm soát thông tin chặt chẽ. Khi được hỏi về vấn đề ai có thể thay ông Kim, cố vấn tổng thống Mỹ Robert O'Brien tuần trước nói: "Theo suy đoán cơ bản thì đó có thể là một người nào đó trong gia đình họ Kim cầm quyền. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng còn quá sớm để nói về vấn đề này".
Phương Vũ (Theo Asia Times/Yonhap)