Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, phương Tây đã nhanh chóng áp hàng loạt biện pháp trừng phạt với quốc gia này. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về hiệu quả trừng phạt của phương Tây. Các chính trị gia cực hữu và cực tả cho rằng chúng không hiệu quả và chỉ làm tổn thương người dân châu Âu.
Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen gọi các lệnh trừng phạt là "hoàn toàn vô dụng, chỉ khiến người châu Âu phải hứng chịu hậu quả". Tại Đức, quan điểm của bà không chỉ được đồng tình bởi phe cánh hữu, mà còn được các chính trị gia nổi tiếng của cánh tả như Sahra Wagenknecht ủng hộ.
"Các biện pháp trừng phạt không làm tổn hại Nga, mà chỉ gây hại cho chính chúng ta", bà Wagenknecht nói.
Đối với những tiếng nói thân thiện với Moskva, các biện pháp trừng phạt hầu như không tác động tới nền kinh tế Nga, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt. Ngay cả những người không thân thiện với Moskva cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga là thất bại, bởi chúng không thể ngăn xung đột ở Ukraine leo thang.
Song các dữ liệu dường như cho thấy quan điểm loạt lệnh trừng phạt của phương Tây không hiệu quả là sai lầm, theo giới quan sát. Dữ liệu sơ bộ được Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 16/11 cho thấy GDP nước này trong quý III giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm 4,1% trong quý II. Với GDP giảm trong hai quý liên tiếp, kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Phát biểu tại Moskva ngày 2/12, Natalia Orlova, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Alfa-Bank Nga, nói rằng ngay cả khi suy thoái không lớn như dự đoán ban đầu, "điều đó không có nghĩa chúng tôi có thể bước sang năm 2023 một cách yên bình".
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng kinh tế giảm sâu hơn vào năm tới so với 2022, có thể ở mức 5-6%", bà Orlova nói.
Nhiều nhà phân tích cũng dự báo lạm phát ở Nga sẽ tăng lên mức 12,1%, cao hơn gần 4% so với năm 2021, theo Reuters.
"Đây mới chỉ là khởi đầu. Các biện pháp trừng phạt Nga giống như cuộc chạy marathon và hiệu quả của chúng sẽ tăng dần theo thời gian", Agathe Demarais, nhà phân tích của Foreign Policy, nhận định.
Giới quan sát cho biết mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt không phải là buộc Tổng thống Valadimir Putin chấp nhận nhượng bộ và rút quân khỏi Ukraine, bởi họ biết lãnh đạo Nga đang tiến hành cuộc chiến để chống lại phương Tây.
Họ cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga về quyết tâm và sự đoàn kết của phương Tây, đồng thời làm suy giảm khả năng tiến hành chiến dịch của Nga ở Ukraine. Các nước phương Tây cũng đặt cược rằng các lệnh trừng phạt sẽ dần dần tăng sức ép lâu dài với nền kinh tế Nga, đặc biệt là ngành năng lượng.
"Khi được đánh giá trên các tiêu chí này, những biện pháp trừng phạt của phương Tây rõ ràng đang hiệu quả", Demarais cho hay.
Nhiệm vụ phát thông điệp rõ ràng đã hoàn thành. Hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các lệnh trừng phạt vẫn tỏ ra mạnh mẽ trong 9 tháng qua, dù xuất hiện một vài bất đồng giữa Mỹ và các nước châu Âu. Điều này khiến Nga tan dần kỳ vọng rằng liên minh phương Tây sẽ trở nên suy yếu và chia rẽ.
Tốc độ và quy mô của các biện pháp trừng phạt cũng gây bất ngờ. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ mất vài tuần để thống nhất áp các biện pháp trừng phạt với hàng nghìn cá nhân và công ty Nga, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cũng như đóng băng nửa dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga.
Không chỉ gửi thông điệp, các biện pháp cũng đang làm suy giảm khả năng tiến hành chiến dịch của Moskva, khi đẩy kinh tế Nga vào suy thoái, theo các nhà phân tích.
Các dữ liệu cho thấy bức tranh ảm đạm trong nền kinh tế Nga. Số liệu được Nga công bố hồi tháng 10 cho thấy sản xuất công nghiệp, trong đó có khai thác dầu khí, giảm gần 3% so với năm 2021. Thương mại bán lẻ giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty sản xuất ôtô Nga cũng chứng kiến mức sụt giảm 64% do thiếu nhu cầu và linh kiện nhập khẩu.
Giới phân tích cho rằng Nga hiện tại chống đỡ được các lệnh trừng phạt là nhờ vào nguồn tiền dự trữ. Nhưng họ cảnh báo chúng sẽ cạn kiệt nếu không được bổ sung.
Phạm vi trừng phạt của phương Tây còn chạm tới lĩnh vực công nghệ. Trong lĩnh vực này, Mỹ nắm trong tay con át chủ bài: hầu hết các chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng cho thiết bị điện tử và quân sự đều được sản xuất bởi các công ty Mỹ. Kể từ khi xung đột bắt đầu, Washington đã áp hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Đối với Moskva, đây là vấn đề, vì tên lửa Nga cần tới các chất bán dẫn mà nước này không thể tự chế tạo.
Đối mặt với sự sụt giảm 90% vi mạch nhập khẩu, Nga đang chạy đua tìm kiếm mạng lưới cung cấp thay thế. Dù các lệnh trừng phạt luôn tồn tại những lổ hổng, giới quan sát cho rằng nó không đủ để giúp Nga bổ sung kho dự trữ tên lửa, đặc biệt nếu giao tranh không giảm nhiệt trong những tháng tới.
Để gây tổn hại cho nền kinh tế Nga về dài hạn, Washington và các nước châu Âu cũng tìm cách tước đi nguồn tài chính và công nghệ phương Tây của các công ty dầu khí Nga. Đối với Nga, đây là mối đe dọa hiện hữu, khi các mỏ dầu khí của Nga dần cạn và trữ lượng khai thác mới phụ thuộc vào các địa điểm ở Biển Bắc Cực. Quá trình này đòi hỏi công nghệ phương Tây tinh vi và nguồn đầu tư lớn.
"Có thể nói rằng mọi thứ sẽ ngày càng tồi tệ hơn với Moskva", Demarais dự đoán.
Giá năng lượng đã giảm và năm 2023 có thể chứng kiến mức giảm sâu hơn khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Bắt đầu từ năm tới, EU cũng ngừng nhập khẩu dầu Nga.
Các nhà phân tích cho rằng Nga "tự lấy đá ghè chân" khi cắt dòng chảy dầu khí sang châu Âu và việc chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian và tiền của, bởi hầu hết các đường ống của Nga đều dẫn sang châu Âu.
"Điều tồi tệ hơn với Nga là các nước phương Tây chưa cạn hoàn toàn kho vũ khí trừng phạt", Demarais cảnh báo.
Washington và EU có thể loại tất cả các ngân hàng Nga khỏi SWIFT, đẩy đất nước này rơi vào tình trạng cô lập tài chính. Mỹ cũng có thể cấm hoàn toàn Nga sử dụng đồng USD, khiến xuất khẩu năng lượng trở nên khó khăn hơn.
Kịch bản tệ hơn là Washington có thể sẽ buộc các công ty, dù là trong nước hay nước ngoài, phải chọn giữa thị trường Mỹ và Nga, thông qua các lệnh trừng phạt thứ cấp. "Không chỉ các lệnh trừng phạt với Nga đang dần có hiệu quả, mà điều tồi tệ nhất với Điện Kremlin có thể còn chưa tới", nhà phân tích Demarais nhận định.
Thanh Tâm (Theo Foreign Policy, Newsweek)