Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp do hắt hơi, tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa tay lên mắt mũi miệng. Trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột, tiêu chảy...
Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với dị ứng, viêm đường hô hấp. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp dinh dưỡng.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn, hiệu quả cao, có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Vaccine phòng bệnh sởi có bốn loại gồm mũi đơn MVVAC, mũi phối hợp phòng sởi - rubella MRVAC của Việt Nam, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II của Mỹ và mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella Priorix của Bỉ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Trong đó, mũi sởi - quai bị - rubella chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ.
Trường hợp bạn là người lớn, chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm ngừa, bạn nên chủ động tiêm đầy đủ từ 2 mũi vaccine, cách nhau 1 tháng nhằm tạo miễn dịch chủ động với sởi, ngăn chặn sự lây lan gây dịch bệnh trong cộng đồng. Vaccine sởi tại VNVC có giá dao động từ 265.000 - 495.000 tùy loại vaccine.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bác!
Vaccine Pneumovax 23 do hãng dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất, có hiệu quả phòng các bệnh nhiễm trùng xâm lấn do vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây ra như viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, vaccine còn phòng viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
Vaccine đặc biệt hiệu quả cao từ 75-86% đối với người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Vaccine chỉ định cho trẻ em từ 2 tuổi đến người lớn, nhắm mục tiêu vào 23 loại kháng nguyên khác nhau của vi khuẩn phế cầu, chiếm phần lớn trong số những tác nhân gây bệnh phế cầu xâm lấn, bao gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9N, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19A, 19F, 20, 22F, 23F, 33F. Khi vào cơ thể, vaccine kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể đặc hiệu, giúp nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn phế cầu khi chúng xâm nhập.
Người đã tiêm vaccine phế cầu 13 vẫn rất cần tiêm thêm vaccine phế cầu 23 để củng cố hiệu quả và tăng mức độ bảo vệ khỏi các chủng phế cầu khuẩn nguy hiểm không có trong vaccine phế cầu phế cầu 13, đặc biệt đối với người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu xâm lấn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng có khuyến nghị tiêm vaccine phế cầu 23 cho những người đã tiêm phế cầu 10 hoặc 13, đặc biệt nếu họ thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc phế cầu xâm lấn hoặc đã tiêm phòng từ lâu.
Để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa bệnh lý phế cầu tốt nhất cho trẻ em và người lớn, tất cả trẻ em cần hoàn thành lịch tiêm vaccine phế cầu 10 và 13 trước sau đó tiêm bổ sung thêm vaccine phế cầu 23. Với người lớn đã tiêm vaccine phế cầu 13 như bác, cần bổ sung thêm vaccine phế cầu 23. Thông thường, khoảng cách tối thiểu giữa vaccine phế cầu 13 và phế cầu 23 là 1 năm đối với người không có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu xâm lấn và 2 tháng, tối thiểu 8 tuần đối với người có nguy cơ cao.
Cảm ơn câu hỏi của bác.
Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine não mô cầu gồm vaccine Bexsero (Italy) thế hệ mới phòng nhóm não mô cầu B, tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi.
Loại thứ hai là Mengoc BC (CuBa) phòng hai nhóm vi khuẩn não mô cầu B và C tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi.
Còn vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 nhóm vi khuẩn não mô cầu A, C, Y, W-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.
Mỗi loại vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa đúng nhóm huyết thanh vi khuẩn gây ra bệnh, không có tác dụng phòng ngừa nhóm còn lại. Bạn năm nay 45 tuổi, chưa tiêm vaccine não mô cầu lần nào, cần tiêm ít nhất hai loại vaccine để phòng ngừa được đầy đủ 5 nhóm huyết thanh vi khuẩn gây bệnh là A, B, C, Y, W-135. Bạn có thể chọn loại não mô cầu B thế hệ mới và ACYW-135 để tiêm. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được thăm khám sức khỏe và tư vấn tiêm chủng phù hợp.
Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người, người lành mang trùng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus. Tại Việt Nam, não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất với các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi...
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Zona thần kinh vẫn có thể tái phát do tình trạng suy giảm miễn dịch, tiền sử gia đình và các bệnh lý mạn tính đi kèm. Tỷ lệ bệnh tái phát cao hơn 30% ở người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... Bệnh nhân đau thần kinh kéo dài sau đợt zona đầu tiên và có zona xuất hiện ở vùng mắt cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.
Vì vậy, đã mắc zona thần kinh trong quá khứ vẫn cần tiêm vaccine để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát, giảm các biến chứng. Hiện Việt Nam có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất, hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh do hệ miễn dịch suy yếu, sử dụng các liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch. Vaccine giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng nguy hiểm khác hơn 90%.
Bạn cần đợi cho đến khi phát ban zona đã biến mất trước khi chủng ngừa. Người 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Một người đã mắc thủy đậu, có chẩn đoán của bác sĩ hoặc có xét nghiệm xác định thì không cần tiêm vaccine thủy đậu. Trường hợp của bạn chưa mắc thủy đậu thì nên tiêm vaccine thủy đậu trước, sau đó tiêm vaccine zona thần kinh. Lý do, thủy đậu và zona thần kinh đều do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Sau khi mắc thủy đậu, virus VZV sẽ "ngủ đông" tại rễ thần kinh cảm giác, khi gặp điều kiện thuận lợi như lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh mạn tính, căng thẳng, stress... virus sẽ bất hoạt, gây bệnh zona thần kinh.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm ngừa cho người lớn gồm hai mũi cách nhau ba tháng, giúp phòng bệnh lên đến 97%.
Với zona thần kinh, hiện Việt Nam có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý.
Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và biến chứng khác hơn 90%. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 1-2 tháng tùy đối tượng tiêm.
Ngoài vaccine, bạn cần nâng cao thể trạng tổng thể bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Một người đã mắc thủy đậu khi có chẩn đoán của bác sĩ hoặc xét nghiệm xác định thì không cần tiêm vaccine thủy đậu. Trường hợp của bạn không nhớ đã từng mắc bệnh chưa, nên tiêm vaccine để phòng các biến chứng nguy hiểm của thủy đậu, chuẩn bị tốt cho thai kỳ khỏe mạnh.
Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu, virus có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh như bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân... Trong khoảng thai 13 - 20 tuần có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi như: thiểu sản tiểu não, chứng đầu nhỏ, bất thường nhãn cầu, dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.
Khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển trạng thái viêm phổi, trong đó, 40% trường hợp sẽ tử vong. Trẻ dễ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh với tỷ lệ tử vong lên đến 30% nếu mẹ bị nhiễm ở giai đoạn cuối thai kỳ, đặc biệt nếu mẹ nổi ban thủy đậu trước 5 ngày và đến 2 ngày sau sinh.
Do đó, việc tiêm vaccine sẽ giúp mẹ phòng bệnh và tạo miễn dịch thụ động cho trẻ ngay từ lúc chào đời. Bạn có kế hoạch mang thai trong năm nay thì tốt nhất nên hoàn tất phác đồ tiêm trước khi có thai 3 tháng, tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ lây bệnh trong thời gian chưa hoàn tất lịch tiêm chủng để vaccine phát huy hiệu quả tốt nhất.
Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine phòng thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) với lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau một tháng cho người lớn. Hiệu quả bảo vệ lên đến 98%.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
HPV là virus gây u nhú ở người, có hơn 200 chủng khác nhau. Khoảng 20% virus không tự đào thải mà gây nhiễm dai dẳng, biến đổi các tế bào dẫn đến sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) và ung thư ở vùng kín như cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, dương vật, vòm họng...
Tổn thương sùi mào gà có thể được điều trị triệt để nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Virus có thể duy trì ở "trạng thái ngủ" trong nhiều năm và tái hoạt động khi hệ thống miễn dịch suy giảm. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình điều trị kết thúc. Bên cạnh đó, việc từng quan hệ tình dục hay từng nhiễm HPV không đồng nghĩa đã nhiễm tất cả chủng HPV. Kháng thể có được từ lần nhiễm các chủng HPV đã được đào thải không tồn tại lâu dài.
Việc tiêm vaccine phòng HPV vẫn có hiệu quả cho bạn dù đã từng quan hệ tình dục và chữa sùi mào gà, vì vaccine giúp bảo vệ khỏi các chủng HPV chưa nhiễm, phòng tái nhiễm. Bạn không cần xét nghiệm trước khi tiêm vaccine HPV.
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV. Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho cả nam và nữ trong độ tuổi 9-45. Hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Bệnh dại là tình trạng nhiễm trùng virus dại cấp tính, tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương. Virus dại có thể xâm nhập khi chó mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, dù là nhỏ hay lớn. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, tùy thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ và vị trí của vết cắn.
Khi triệu chứng bệnh dại bệnh dại xuất hiện, 100% người bệnh sẽ tử vong trong đau đớn và hoảng loạn. Bệnh dại không có thuốc điều trị. Vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng ngừa dại duy nhất.
Trong trường hợp của bạn, dù vết thương nông và chỉ rướm máu, bạn vẫn cần tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh. Trước đó bạn đã tiêm vaccine HPV, vẫn có thể tiêm dại vì hai vaccine này không tương tác với nhau. Bạn nên đến gặp bác sĩ để tư vấn cụ thể về phác đồ tiêm vaccine dại hiệu quả.
Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh, nên an toàn khi tiêm chủng.
Người chưa từng tiêm vaccine cần tiêm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28), có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại và huyết thanh, vaccine uốn ván. Bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm tùy theo mức độ của vết thương và quan sát được tình trạng của con vật sau 10 ngày.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Trong thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine sốt xuất huyết không có khuyến cáo với các trường hợp dị ứng thực phẩm, trong đó có tôm. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm vaccine. Trước tiêm, bạn cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ. Tuy nhiên, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin tình trạng sức khỏe, cơ địa dị ứng với tôm ra sao, đang uống thuốc gì... để bác sĩ chỉ định mũi tiêm phù hợp.
Bạn cần lưu ý, trước và sau tiêm vaccine sốt xuất huyết không ăn các thực phẩm dễ gây ra dị ứng như ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ. Bởi vì, các triệu chứng này khó phân biệt nguyên nhân từ thức ăn hay phản ứng của vaccine. Bạn cũng cần theo dõi sức khỏe sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng 30 phút và 24 - 48 giờ tại nhà. Thời gian này nếu thấy có các biểu hiện như sốt cao 39 độ C, mệt mỏi, khó chịu, khó thở... cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây nên. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi vằn, chủ yếu là muỗi Aegypti Aedes mang virus. Bệnh có thể gây ra các biến chứng tràn dịch màng phổi, tích tụ dịch trong ổ bụng, giảm protein máu hoặc cô đặc máu, suy đa tạng, xuất huyết não, nguy cơ tử vong cao.
Để phòng sốt xuất huyết, tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất hiện nay. Hiện Việt Nam có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.
Ngoài vaccine, bạn và người nhà cần phòng bệnh bằng cách loại bỏ nơi ở của muỗi, dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt gây bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine phòng ngừa HPV. Trong đó, vaccine Gardasil phòng 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái, phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm cho nam, nữ từ 9-45 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.
Bạn không cần xét nghiệm tìm virus HPV trước khi tiêm vaccine phòng bệnh. Lý do, vaccine giúp phòng ngừa nhiều chủng HPV và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Người nhiễm HPV có thể tự đào thải virus, tuy nhiên miễn dịch phòng ngừa không duy trì lâu dài nên vẫn có khả năng tái nhiễm chủng virus cũ và nhiễm thêm các chủng mới. Có khoảng 20% người nhiễm HPV không đào thải được virus và phát triển thành mụn cóc sinh dục sau vài tháng và vài chục năm gây ra các bệnh ung thư. Hiện vaccine đều tiêm được cho người đã quan hệ tình dục, sinh con và từng nhiễm hoặc đang nhiễm HPV. Người trong độ tuổi chỉ định, không dị ứng với thành phần của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính, phụ nữ không mang thai... đều đủ điều kiện tiêm vaccine HPV.
Trường hợp của bạn là nam 40 tuổi, vẫn ở trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng thì hoàn toàn tiêm được vaccine Gardasil 9. Bạn có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa đầy đủ hơn.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Virus sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh sởi ở người lớn khó phát hiện hơn so với trẻ em. Triệu chứng bệnh không điển hình, không bị sốt cao và mệt mỏi, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi và sốt phát ban thông thường nên nhiều người thường bỏ qua. Người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... khi mắc sởi rất dễ trở nặng, gặp những biến chứng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột...
Ngoài ra, sởi ủ bệnh khoảng 12-21 ngày, sau đó phát ban và lây vào thời gian trước 4 ngày và 4 ngày sau khi phát ban. Người lớn thường xuyên đi học, đi làm, tham gia các hoạt động giao lưu, tập trung đông người, dễ trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ, thai phụ.
Tiêm chủng là cách hiệu quả giúp phòng ngừa và giảm các biến chứng nặng do sởi. Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn. Mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam) tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi. Các mũi tiêm phối hợp như sởi - rubella (MRVAC), 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ), sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ). Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn tiêm hai mũi phối hợp cách nhau tối thiểu một tháng. Hiện trong tình hình dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương, vaccine được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng tuổi.
Trong trường hợp bạn không nhớ lịch sử chủng ngừa hay tiền sử mắc sởi, bạn có thể tiêm mũi sởi đơn hoặc các mũi phối hợp để phòng được nhiều bệnh cùng lúc. Hiệu quả vaccine lên đến 98% khi tiêm đủ hai mũi.
Ngoài ra, bạn cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; sát khuẩn họng, miệng; ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục để cải thiện sức khỏe cơ thể. Gia đình nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; đi khám và cách ly ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất vaccine sốt xuất huyết, người đã mắc sốt xuất huyết phải cần đủ 6 tháng mới được tiêm vaccine này. Lý do, trong khoảng thời gian này, cơ thể vẫn còn miễn dịch tự nhiên, có thể làm giảm hiệu quả đáp ứng miễn dịch của vaccine. Bạn mới khỏi bệnh 2 tháng thì không nên tiêm vaccine sốt xuất huyết. Bạn nên chờ đủ 6 tháng hãy nên tiêm để thuốc phát huy tác dụng bảo vệ hiệu quả nhất.
Sốt xuất huyết là do virus Dengue gây nên, với trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Có 4 type huyết thanh khác nhau gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Một người có thể nhiễm cả 4 type huyết thanh này. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả hiện nay.
Hiện Việt Nam có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật bị bệnh sang người qua vết cắn, cào, liếm... Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn hoặc kéo dài trên một năm, tùy mức độ tổn thương, vị trí vết thương và tải lượng virus xâm nhập cơ thể.
Trong trường hợp bạn không bị rách da, chảy máu, chỉ bị bầm tím, vẫn có khả năng nhiễm virus dại. Lý do, virus lan truyền không phân biệt vết thương lớn hay nhỏ, chảy máu hay không. Con vật cũng có thể gây ra vết thương nhỏ ở vị trí mà bạn không chú ý.
Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển, gây tử vong với tỷ lệ 100%. Bệnh hiện không có thuốc điều trị. Biện pháp điều trị dự phòng duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó cắn, cào.
Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ, sức khỏe của người tiêm.
Người chưa từng tiêm vaccine cần tiêm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28), có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại và huyết thanh, vaccine uốn ván. Bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm tùy theo mức độ của vết thương và quan sát được tình trạng của con vật sau 10 ngày.
Do đó, bạn có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ thăm khám vết thương và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Ngoài ra, vaccine dại còn được sử dụng tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào, phù hợp với các trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo, động vật hoang dã, đi đến những nơi lưu hành dịch nhưng khó tiếp cận vaccine và huyết thanh kháng dại. Phác đồ tiêm dự phòng gồm 3 mũi, giúp giảm số mũi tiêm sau khi có vết thương và không cần tiêm huyết thanh dù vết thương nặng. Bạn thường xuyên tiếp xúc với chó, có thể đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn thêm về cách dự phòng dại này.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Trong trường hợp bố mẹ bạn mắc ung thư, được chẩn đoán do virus viêm gan B, bạn có nguy cơ cao mắc virus này.
Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển thành viêm gan cấp và suy gan, xơ gan, ung thư gan. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn.
Trước tiêm vaccine, bạn cần xét nghiệm máu xem cơ thể đã có kháng thể hay chưa hoặc có đang nhiễm viêm gan B hay không. Nếu đang mắc bệnh viêm gan B, bệnh nhân không cần tiêm vaccine. Trường hợp không có kháng thể với viêm gan B hoặc mức kháng thể dưới mức bảo vệ cần tiêm phòng vaccine viêm gan B.
Các loại vaccine phòng bệnh viêm gan B hiệu quả đang được sử dụng tại Việt Nam là Engerix B (Bỉ), Euvax B (Hàn Quốc) và Gene Hbvax (Việt Nam). Phác đồ tiêm 3 mũi trong 6 tháng. Đặc biệt, vaccine Twinrix (Bỉ) là vaccine duy nhất phòng được cả 2 bệnh viêm gan A và B chỉ trong 1 mũi tiêm, miễn dịch bảo vệ vượt trội và lâu dài. Phác đồ tiêm Twinrix là 3 mũi trong 6 tháng. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 4 loại trên để chủng ngừa.
Ngoài tiêm vaccine, bạn nên kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra lượng kháng thể sinh ra sau tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ để tiêm bổ sung nếu kháng thể xuống thấp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Bệnh uốn ván do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn sinh sống trong môi trường đất cát, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở dù rất nhỏ. Bệnh có nguy cơ tử vong 10-90% hoặc để lại nhiều di chứng như rối loạn thần kinh thực vật, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi, teo cơ, cứng khớp...
Vaccine có thể tiêm chủ động hoặc tiêm khi có vết thương để chống phơi nhiễm. Vaccine uốn ván có lịch tiêm 3 mũi trong vòng 7 tháng. Trong trường hợp bạn đã tiêm đủ 3 mũi uốn ván cách đây 1 năm, vẫn còn trong thời gian bảo vệ, bạn cần tiêm nhắc lại một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT).
Vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 95% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Tuy nhiên, mũi tiêm không cung cấp kháng thể miễn dịch trọn đời, bạn cần tiêm nhắc sau 10 năm để đủ kháng thể phòng bệnh.
Còn với những người có vết thương nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm, ngoài vaccine uốn ván còn cần sử dụng thêm Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT). Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là càng sớm càng tốt sau khi xảy ra vết thương, tốt nhất là trong vòng 24 giờ.
Trước tiêm bạn cần được khám sàng lọc kỹ để bác sĩ đánh giá tình hình vết thương cũng như có mũi tiêm, sử dụng thuốc phù hợp để tránh nhiễm trùng vết thương. Bạn cũng cần chia sẻ rõ lịch trình tiêm, loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đánh giá tình hình và chỉ định mũi tiêm phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress