Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Thưa bác sĩ, em bị mèo cào nhẹ, có vết xước và chảy máu ở tay, vậy em có nguy cơ mắc bệnh dại không? Mèo cắn có nguy hiểm như chó cắn không? Em có cần tiêm vaccine phòng bệnh không?
Huỳnh Ngọc Chi, 26 tuổi, TP HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng mèo hoặc các động vật nhỏ, được nuôi nhốt từ khi còn bé, sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại. Song đây là quan niệm sai lầm vì mèo cũng có nguy cơ gây bệnh dại như chó.

Ở trường hợp của bạn, mèo cào xước và gây chảy máu rất cần tiêm chủng vaccine. Nếu trước đây chưa chủng ngừa, bạn cần hoàn thành phác đồ tiêm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28. Nếu trước đó đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vào ngày 0 và ngày 3. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để xem xét vết thương và chỉ định tiêm ngừa và huyết thanh kháng dại nếu cần.

Thống kê của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, trong đó số ca tử vong do mèo cào, cắn khoảng 10%, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 27 ca bệnh dại tử vong và 100.00 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng.

Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ghi nhận ngoài chó gây thương tích 74,8% thì mèo cũng chiếm tỷ lệ 20,5%, tiếp theo là dơi, và các loài động vật khác. Đa số hơn 60% là vết thương ở mức độ III (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, 100% tử vong khi phát bệnh dại. Bệnh thường tăng cao vào mùa nóng, nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Do đó, việc chủ động dự phòng trước phơi nhiễm rất quan trọng. Người bị cắn phải tiêm vaccine sớm và đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, xử trí đúng cách vết thương do con vật gây ra.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ ơi em không nhớ mình đã bị thuỷ đậu hay đã từng tiêm phòng thuỷ đậu hồi nhỏ chưa, sắp tới em dự định có em bé thì cần tiêm vaccine thủy đậu không? Nên tiêm bao lâu trước mang thai là tốt nhất ạ?
Nguyễn Mai, 28 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Với bệnh thủy đậu, nếu người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế thì không cần phải tiêm phòng, còn nếu tự chẩn đoán đã bị mắc bệnh thì cần tiêm vaccine để phòng ngừa các biến chứng có thể đe dọa đến sức khỏe.

Với trường hợp của bạn, nếu bạn không nhớ rõ lúc nhỏ đã từng mắc bệnh hay chưa thì có thể thực hiện các xét nghiệm như huyết thanh học, PCR... để kiểm tra kháng thể virus thủy đậu IgG và IgM trong máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy có sự xuất hiện của kháng thể virus thủy đậu trong cơ thể bạn hay không.

Nếu kết quả kháng thể IgG dương tính và IgM âm tính có nghĩa cơ thể bạn đang được bảo vệ trước sự tấn công của virus Varicella Zoster do bạn đã được tiêm phòng hoặc đã từng bị thủy đậu. Nếu kháng thể IgM dương tính, IgG dương tính hoặc âm tính có nghĩa bạn đã bị nhiễm virus thủy đậu và cần điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

Nếu kháng thể IgG âm tính và IgM âm tính, bạn cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt để chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh. Vaccine được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ trước mang thai, rất an toàn và tạo miễn dịch gần như suốt đời.

Nếu thai phụ mắc thủy đậu, virus có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh như: bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân... hoặc thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, tỷ lệ là 2%. Khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển trạng thái viêm phổi, trong đó 40% trường hợp sẽ tử vong.

Hiện Việt Nam đang có đầy đủ 3 loại vaccine thủy đậu, hiệu quả bảo vệ đến 98% gồm Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) với phác đồ 2 mũi cách nhau tối thiểu một tháng. Phụ nữ cần hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Giá tiêm phòng ung thư tử cung HPV là bao nhiêu tiền ạ? Lịch tiêm bao nhiêu mũi ạ?
truongson1765, 21 tuổi, Thái Bình
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là virus gây u nhú ở người, từ lâu đã được các nhà khoa học xác nhận là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục và các ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu mặt cổ. Vaccine HPV đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ lên đến 94% các chủng virus có trong vaccine.

Việt Nam hiện có 2 loại vaccine ngừa HPV là Gardasil và Gardasil 9 ngừa được lần lượt 4 và 9 chủng HPV nguy cơ cao. Gardasil chủng ngừa cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi với phác đồ tiêm 3 mũi. Gardasil 9 chủng ngừa cho cả nam và nữ từ 9-26 tuổi. Trong đó, nếu chủng ngừa Gardasil 9 trước 15 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi thay vì 3 mũi sau độ tuổi này.

Để tìm hiểu về giá vaccine Gardasil 9 tại VNVC, bạn có thể tìm hiểu: https://vnvc.vn/gia-tiem-chung-vac-xin/

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Hiện VNVC có sẵn vaccine phế cầu khuẩn không, tôi 43 tuổi phải chích mấy mũi và một mũi bao nhiêu tiền ạ. Xin cảm ơn!
Nguyễn Hữu Đức, 43 tuổi, Quận 7, TP HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Phế cầu là nguyên nhân gây viêm phổi trên toàn cầu. Đây còn tác nhân gây viêm màng não, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm khuẩn huyết. Theo nghiên cứu của CDC Mỹ, phế cầu trú trong họng, mũi của 5-90% người khỏe mạnh, chờ cơ hội xâm lấn gây bệnh khi cơ thể suy yếu.

Vaccine phế cầu là biện pháp hiệu quả giúp phòng lây nhiễm và tránh các biến chứng nguy hiểm của vi khuẩn này.

Người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi phế cầu đã có kháng thể bảo vệ với bệnh, không cần tiêm nhắc và không có giới hạn tuổi tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho em hỏi virus gây bệnh dại sống được bao lâu ngoài môi trường, cách phòng bệnh ra sao ạ. Em xin cám ơn!
vovanduc412, 38 tuổi, Quảng Trị
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Cục Y tế dự phòng, virus dại có sức đề kháng yếu trong môi trường ngoài vật chủ. Virus này dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút, hoặc ở 60 độ C trong 5-10 phút và ở 70 độ C trong 2 phút. Virus bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 4 độ C, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng nhưng trong điều kiện nhiệt độ phòng, virus dại sẽ chết sau vài giờ.

Tuy nhiên, khi tấn công hệ thần kinh trung ương và phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần bằng 100%. Vaccine là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Phác đồ tiêm dại sau khi phơi nhiễm gồm 5 mũi tiêm bắp đối với người lần đầu tiêm chủng vaccine này. Các lần bị cắn, cào sau chỉ cần bổ sung thêm 2 mũi.

Người thường xuyên tiếp xúc với động vật, nguy cơ lây nhiễm cao có thể chủ động tiêm ngừa trước khi bị cắn, cào. Các dự phòng này hiệu quả cả với các trường hợp đi du lịch hoặc ở xa các điểm tiêm phòng. Phác đồ trước khi phơi nhiễm gồm 3 mũi. Sau khi bị cắn, cào, chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho em hỏi tháng 12 năm 2022 em tiêm đủ 5 liều vaccine dại. Đến tháng 3 năm 2023 em bị chó cắn và lại tiêm nhắc hai mũi vaccine dại và đến tháng 5 em tiếp tục tiêm thêm 2 mũi, bác sĩ cho em hỏi như vậy tác dụng ngừa bệnh vaccine dại được bao lâu? Nếu bị chó hay mèo ...
vovanduc412, 38 tuổi, Quảng Trị
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Bệnh dại là tình trạng nhiễm trùng virus dại cấp tính, tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương. Khi đã phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng ngừa dại duy nhất hiện có. Chính vì vậy, các lần cắn sau, dù cách thời điểm tiêm trước ngắn hay dài, bạn vẫn cần bổ sung các mũi dại theo chỉ định của bác sĩ.

Cũng cần lưu ý, virus dại có thể xâm nhập qua mọi loại vết thương không phân biệt lớn nhỏ. Ngay khi bị cắn, cào, bạn cần xử lý ngay vết thương bằng cách rửa bằng nước sạch cùng xà phòng, sau đó rửa lại với cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt để giảm tải lượng virus ở vết thương.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho cháu hỏi tiêm vaccine phòng dại sáng 13 đến tối 14 trẻ 5 tuổi bị phát ban ít thì có phải do vaccine không? Cách xử lý lúc này là gì ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Thị Luyện, 36 tuổi, Bắc Ninh
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Một lưu ý sau tiêm chủng là theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút đầu tại trung tâm tiêm chủng và theo dõi tại nhà thêm 48 tiếng sau tiêm. Các phản ứng thông thường sau tiêm có thể kể đến như:

Các triệu chứng tại chỗ như: ngứa, đau, sưng, hoặc đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm.

Các triệu chứng toàn thân: như sốt, dưới 39 độ C và các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn.

Vaccine khi đưa vào sử dụng đều đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và tổn tại trong thời gian ngắn. Phản ứng phát ban của con bạn trùng khớp với khoảng thời gian theo dõi sau tiêm nhưng vẫn chưa đủ dữ kiện để bác sĩ kết luận đây là các phản ứng do vaccine hay trùng hợp với thời gian tiêm chủng.

Vì vậy bạn cần theo dõi thêm, nếu trẻ sinh hoạt, vui chơi bình thường, các nốt phát ban dần hết thì bạn có thể theo dõi tại nhà. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như sốt cao không hạ, khó thở, cơ giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Trẻ sinh non ở tuần 33, tính đến nay là được 2 tuần và em bé nặng 2,3kg. Nhà cháu có xem trên mạng là tuần 34 có thể đi tiêm phòng lao nhưng khi đi tiêm thì ở điểm tiêm thì nói chưa được 3kg chưa tiêm được, vậy thì trường hợp nhà cháu thì tiêm phòng lao như nào thì hợp lý ạ, ...
Hoàng Lập, 30 tuổi, Nam Từ Liêm
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Quyết định số 1575 Bộ Y tế ban hành vào tháng 3/2023, cân nặng của trẻ không quyết định việc trẻ có được tiêm ngừa hay không. Theo đó, trẻ nhẹ hơn 2 kg (tức 2.000 gram) sẽ được chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Khi cân nặng trẻ từ 2 kg trở lên thì vẫn được thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện như tiêm chủng dịch vụ.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêm chủng cho trẻ như đánh giá toàn trạng về tim, phổi và các chức năng của cơ thể. Vì vậy, để trẻ được phòng bệnh sớm bằng vaccine, bạn có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện hoặc dịch vụ để bác sĩ đánh giá lại tình trạng của bé và đưa ra chỉ định phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, tiêm vacine để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục hiệu quả? Xin cảm ơn!
Nguyễn Minh Chính, 29 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện có hai bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả là viêm gan B và HPV.

Virus gan B còn là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Bệnh lây qua tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam hiện đang nằm trong vùng lưu hành của virus viêm gan B, tỷ lệ lây nhiễm cao. Tiêm vaccine là biện pháp chủ động bảo vệ bản thân và mọi người. Một điểm lưu ý khi đi tiêm vaccine viêm gan B là bạn cần xét nghiệm máu để xác định bản thân có đang nhiễm bệnh và đã có kháng thể với virus này hay chưa. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ tiêm chủng sẽ tư vấn mũi tiêm phù hợp với bạn.

Còn HPV là virus gây u nhú ở người, từ lâu đã được các nhà khoa học xác nhận là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục và các ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu mặt cổ. Vaccine HPV đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ lên đến 94% các chủng virus có trong vaccine. Vaccine thế hệ mới chủng người được cho cả nam và nữ từ 9-26 tuổi và không cần xét nghiệm trước khi tiêm ngừa. Nếu đã qua độ tuổi tiêm ngừa HPV nhưng vẫn có mong muốn phòng bệnh, bạn vẫn có thể liên hệ đến trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất để được tư vấn phòng ngừa.

Ngoài ra, bên cạnh việc tiêm ngừa, để phòng cách bệnh lây qua đường tình dục, bạn cũng cần chú trọng giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống vận động nâng cao sức khỏe, quan hệ tình dục an toàn và khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Xin hỏi sốt rét do muỗi alophen đốt có vaccine không? VNVC có vaccine sốt vàng không? Lịch chủng ngừa ra sao ạ?
Nguyễn Tiến Đạt, 48 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi Anopheles. Sốt rét xuất hiện tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, có hơn 241 triệu ca mắc, ước tính 627.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, sốt rét có tốc độ lây lan mạnh vào tháng 4-5 và tháng 9-10.

Hồi tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên. Vaccine RTS,S/AS01, còn gọi là Mosquirix, do Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh phát triển, chưa được phê duyệt tại Việt Nam.

Với bệnh sốt vàng, tiêm vaccine Stamaril (Pháp) là cách ngừa bệnh sốt vàng an toàn, và chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suốt đời. Bạn có thể liên hệ đến VNVC để được tư vấn và đăng ký chủng ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress