Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Vừa rồi tôi đi ăn cùng nhóm bạn, có sử dụng chung ly uống nước, ống hút cùng với một người mắc viêm gan B (do trước đó không biết), thì có bị lây nhiễm bệnh không? Tôi nên làm gì để phòng ngừa?
Trần Thu, 28 tuổi, TP HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Viêm gan B có ba đường lây chủ yếu gồm đường máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn. Viêm gan B không lây qua đường hô hấp hay qua đường ăn uống chung, sử dụng chung ly uống nước, chén bát, ống hút... Lý do là virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt song có nồng độ thấp, khó lây nhiễm với người khác. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể lây nhiễm khi bệnh nhân gặp vấn đề về răng miệng như xước, loét, viêm lợi, chảy máu chân răng.

Do đó, bạn cần tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, nhất là với người bệnh. Việc này cũng giúp bạn tránh lây nhiễm các bệnh dễ lây qua đường hô hấp như cúm, sởi, thủy đậu, não mô cầu...

Viêm gan B là căn bệnh phổ biến tại nước ta, trong khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người mắc bệnh cần sử dụng thuốc kháng virus, trường hợp bỏ điều trị bệnh dễ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả là tiêm vaccine. Nếu bạn lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh, nên chủ động tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Trước tiêm, bạn cần xét nghiệm máu để xem bản thân có đang mắc bệnh, hay đã có đủ kháng thể hay chưa. Trường hợp mắc bệnh, vaccine sẽ không còn tác dụng nữa. Trường hợp kháng thể dưới mức bảo vệ hoặc không có kháng thể với viêm gan B, bạn cần chủng ngừa.

Việt Nam có nhiều loại vaccine dành cho trẻ em và người lớn, gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A-B trong một mũi tiêm. Người lớn cần chủng ngừa ba mũi trong vòng 6 tháng, xét nghiệm viêm gan B trước khi nhắc lại, tiêm nhắc khi kháng thể giảm.

Ngoài ra, bạn cũng cần phòng mắc bệnh bằng cách tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh uống rượu bia, hút thuốc lá, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ nếu đã nhiễm bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 70 tuổi, đã mắc zona thần kinh điều trị ở bệnh viện, giờ cứ trái gió trở trời là người đau nhức, thì nên làm gì để phòng tái phát bệnh này?
Phương Nguyệt, 70 tuổi, Thanh Hóa
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bác!

Zona thần kinh là bệnh hậu thủy đậu, đều do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Sau khi một người khỏi thủy đậu, virus VZV sẽ "ngủ đông" trong hạch thần kinh cảm giác. Khi gặp điều kiện thuận lợi như trên 50 tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, căng thẳng thần kinh, suy nhược hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, tim mạch, tăng cholesterol trong máu... virus sẽ tái hoạt động gây bệnh zona thần kinh.

Theo nghiên cứu, zona thần kinh có khả năng tái phát, có khoảng 5% người có hệ miễn dịch bình thường tái phát sau 7 năm mắc bệnh. Còn ở những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, nguy cơ tái phát zona thần kinh lên đến 30%. Bác đã mắc và khỏi bệnh này thì nên tiêm vaccine để phòng ngừa tái phát bệnh. Tiêm vaccine cũng giúp bác ngăn biến chứng đau thần kinh sau zona cho lần tái nhiễm sau, hoặc biến chứng dễ gặp của bệnh như mù mắt, điếc, liệt mặt, đột quỵ.

Hiện Việt Nam có vaccine ngừa zona thần kinh Shingrix do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Vaccine được chỉ định tiêm cho người trên 50 tuổi và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao như suy giảm hoặc ức chế miễn dịch, có nguy cơ bị ức chế miễn dịch do bệnh lý. Vaccine được chứng minh có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh lên đến 97% ở người từ 50 tuổi và 70-87% ở người từ 18 tuổi trở lên đồng thời giảm hơn 90% nguy cơ đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một hoặc hai tháng tùy đối tượng.

Ngoài vaccine, bác cũng nên ngừa tái phát zona bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Bác cũng cần duy trì vận động nhẹ nhàng và tham gia các hoạt động xã hội để cải thiện tinh thần.

Cảm ơn câu hỏi của bác.

Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã mắc sốt xuất huyết được 6 tháng, có xét nghiệm chẩn đoán bệnh thì có nguy cơ mắc bệnh nữa không và đã đủ thời gian tiêm vaccine sốt xuất huyết chưa?
Trần Nam, 41 tuổi, Tây Ninh
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người qua vết đốt của muỗi vằn cái, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Có 4 type huyết thanh gây bệnh gồm: Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Một người có nguy cơ nhiễm bệnh tới 4 lần trong đời. Bạn đã từng mắc bệnh một lần, vẫn có nguy cơ nhiễm thêm ba type huyết thanh còn lại của bệnh. Vì vậy, bạn cần cần diệt muỗi, diệt bọ gậy và tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài, sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, vợt điện...

Sốt xuất huyết đã có vaccine Qdenga (Takeda, Nhật Bản) giúp phòng ngừa cả 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết gây bệnh Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết hơn 90%. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai ba tháng, tối thiểu một tháng.

Trong thông tin kê toa của nhà sản xuất, người từng mắc sốt xuất huyết cần hoãn tiêm vaccine tối thiểu 6 tháng tính từ ngày có xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Bạn đã đủ thời gian này thì thuộc trường hợp được tiêm vaccine. Bạn nên đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn lịch tiêm phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Chồng tôi không cho con gái 5 tuổi đi tiêm sốt xuất huyết vì vaccine mới, sợ không an toàn. Xin bác sĩ tư vấn rõ!
Thành Tâm, 37 tuổi, TP HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vào tháng 9/2024, Hệ thống Tiêm chủng VNVC đã triển khai tiêm đầu tiên tại Việt Nam vaccine sốt xuất huyết Qdenga, do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất tại Đức. Đây là một trong những vaccine mới ở nước ta, song, để có được thành quả là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân, các nhà khoa học đã phải tiến hành nghiên cứu trong khoảng 45 năm.

Vaccine được phát triển và thử nghiệm qua nhiều giai đoạn nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn và hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên các nhóm đối tượng đa dạng, bao gồm cả trẻ em và người lớn, để đảm bảo tính khả thi và khả năng thích ứng rộng rãi của vaccine. Chính vì vậy, tháng 5/2024, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine này tại Việt Nam.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti. Bệnh gây ra các triệu chứng như sốt cao đột ngột, người mệt lả, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau họng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Bệnh có nguy cơ trở nặng nhanh, dẫn đến biến chứng sốc sốt xuất huyết, cô đặc máu, suy đa tạng và tử vong.

Hiện Việt Nam đang bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết, vì vậy, cả gia đình bạn nên chủ động tiêm ngừa để phòng bệnh. Vaccine chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuồi trở lên và người lớn. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng.

Vaccine có khả năng ngừa cả 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Tiêm đủ và đúng phác đồ giúp ngăn ngừa mắc bệnh hơn 80% và ngăn nguy cơ nhập viện do bệnh hơn 90%.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Hàng xóm của tôi 30 tuổi mới phải nằm viện do viêm não Nhật Bản, tôi tưởng bệnh này chỉ có ở trẻ em, thưa bác sĩ?
Tấn Phước, 26 tuổi, An Giang
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây sang người thông qua vết đốt của muỗi, chủ yếu là muỗi Culex, sau khi hút máu của các loài chim hoang dã và gia súc bị nhiễm virus như lợn, trâu, bò... Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả người lớn chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vaccine.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường gây ra các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, co giật, li bì, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức, hôn mê. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong lên đến 30%. Khoảng 50% số người sống sót gặp phải di chứng nặng nề như: điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.

Để phòng ngừa, bạn nên rà soát lại lịch sử tiêm chủng, hoặc tới trung tâm tiêm chủng gần nhất để được hỗ trợ. Nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm ngừa trước đó thì nên tiêm vaccine để phòng bệnh.

Hiện nay, Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho người lớn, có trong tiêm chủng dịch vụ, bao gồm: Jevax (Việt Nam); Jeev (Ấn Độ) và Imojev (Nhật Bản). Tùy vào lịch sử tiêm chủng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và lịch tiêm phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bạn tôi ở Nhật Bản nói bên đó đang có dịch ho gà, bệnh này nguy hiểm như thế nào và phòng ngừa ra sao?
Hải Đăng, 39 tuổi, Hải Phòng
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Ho gà là bệnh do vi khuẩn ho gà gây ra, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, vi khuẩn theo giọt bắn rơi vào không khí, lây nhiễm cho những người xung quanh. Đặc biệt, những người sinh hoạt chung trong không gian như nhà ở, lớp học, ký túc xá... có nguy cơ lây bệnh cao hơn. Ví dụ, trong gia đình có một người mắc bệnh, nguy cơ lây cho người thân lên đến 100%.

Bệnh ho gà có biểu hiện đặc trưng là các cơn ho rũ rượi không thể kìm hãm, kèm tiếng rít cố gắng để lấy oxy, giống như khi gà trống rít vào để chuẩn bị cất tiếng gáy. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng ho nhiều đến biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não. Các cơn ho mạnh có thể gây gãy xương sườn, thoát vị hoành, lồng ruột, sa trực tràng.

Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ trơ sinh và trẻ nhỏ, do khó phát hiện bệnh dẫn đến điều trị chậm trễ. Trước khi vaccine được phổ biến, ho gà là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, cứ 10 trẻ mắc bệnh thì 1 trẻ tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các địa phương ghi nhận hơn 10 ca mắc ho gà, trong đó có ít nhất 3 trẻ tử vong.

Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa ho gà cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn như: 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Lưu ý, kháng thể có được sau khi tiêm vaccine ho gà sẽ giảm dần theo thời gian, sau các mũi tiêm đầu đời trước 2 tuổi, trẻ cần tiêm tiếp vaccine có thành phần ho gà khi đủ 4-6 tuổi và 9-15 tuổi, sau đó tiêm nhắc một mũi sau mỗi 10 năm.

Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm một mũi vaccine có thành phần ho gà và tiêm nhắc một mũi sau mỗi 10 năm. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ để truyền kháng thể thụ động cho thai nhi, bảo vệ bé trước khi đến thời điểm tiêm chủng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Người lớn 60 tuổi, đang bị tiểu đường có tiêm được vaccine sốt xuất huyết không? Lịch tiêm thế nào?
Minh Huy Đoàn, 32 tuổi, Tuyên Quang
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Bệnh nhân tiểu đường khi mắc sốt xuất huyết dễ biến chứng nặng do sức đề kháng kém, hạ tiểu cầu, nguy cơ bội nhiễm các bệnh khác. Tiểu cầu giảm sâu có thể gây xuất huyết nặng, như xuất huyết nội tạng, não, thoát huyết tương, cô đặc máu đe dọa tính mạng người bệnh. Ngoài ra, tiểu đường còn khiến huyết áp diễn biến thất thường, dẫn đến bù dịch khó khăn, chậm hồi phục.

Hiện không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.

Trong đó, tiêm vaccine sốt xuất huyết là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, được Bộ Y tế nước ta, CDC Mỹ và WHO, cùng nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh. Hiện Việt Nam có vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga, do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất. Vaccine có khả năng ngừa cả 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Tiêm đủ và đúng phác đồ giúp ngăn ngừa mắc bệnh hơn 80% và ngăn nguy cơ nhập viện do bệnh hơn 90%.

Vaccine chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn, với lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Nhóm chống chỉ định tiêm gồm: người đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm vaccine, đang cho con bú; người bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc liều cao corticosteroid toàn thân, liệu trình dài hai tuần trở lên; những người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo suy giảm chức năng miễn dịch; người gặp phản ứng quá mức với hoạt chất, liều vaccine Qdenga trước đó hoặc với bất kỳ tá dược nào. Vaccine cũng được khuyến cáo hoãn tiêm khi bị sốt nặng cấp tính.

Do đó, trường hợp người 60 tuổi, có bệnh nền tiểu đường càng cần thiết tiêm chủng, nên tiêm sớm để chủ động phòng bệnh. Tại cơ sở tiêm chủng, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe của người tiêm để chỉ định lịch tiêm và loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 35 tuổi, thường đi bar, pub để giao lưu bạn bè và hút thuốc, thức đêm nhiều. Tôi được khuyên tiêm vaccine não mô cầu nhưng còn phân vân loại vaccine và phác đồ tiêm. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.
Đình Quang, 35 tuổi, Quảng Ninh
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Các nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên tụ tập ở bar, pub hay club có thể tăng tỷ lệ mang mầm bệnh não mô cầu. Lý do, các khu vực này thiếu không gian thông thoáng, có nhiều tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung ly, cốc... tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan, khó kiểm soát nguồn lây. Ngoài ra, việc bạn thường xuyên hút thuốc, thức khuya cũng làm hệ miễn dịch suy giảm, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và sinh sôi gây bệnh.

Theo Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), có đến 50% người mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Khoảng 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi... Do đó, bạn nên sớm chủng ngừa để phòng bệnh cho bản thân.

Hiện Việt Nam có 4 loại vaccine phòng não mô cầu, gồm: Bexsero (Italy) phòng não mô cầu nhóm B , VA-Mengoc-BC (Cuba) phòng nhóm BC, Menactra (Mỹ) và MenQuadfi (Pháp) phòng 4 nhóm A, C, Y, W-135. Bexsero tiêm cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi, VA-Mengoc BC tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi và Menactra tiêm cho người từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Riêng MenQuadfi có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn không giới hạn tuổi.

Vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ 5 nhóm huyết thanh để phòng ngừa toàn diện, không nên chỉ tiêm một loại. Bạn nên đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn và chọn loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Trước khi tiêm vaccine HPV, tôi có cần xét nghiệm không? Nếu kết quả dương tính với virus thì tôi có tiêm được vaccine nữa không bác sĩ?
Lê Nguyễn Như Quỳnh, 40 tuổi, Đồng Tháp
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Hiện các xét nghiệm thường quy tầm soát HPV và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21 tuổi đã quan hệ tình dục gồm: phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV, quan sát cổ tử cung bằng dung dịch axit acetic. Bạn có thể làm một trong các xét nghiệm trên để biết được tình trạng sức khỏe bản thân, cũng như phát hiện tế bào bất thường.

Tuy nhiên, trước khi tiêm vaccine HPV, bạn không cần tiến hành xét nghiệm sàng lọc để tìm kiếm virus trước. Lý do, HPV có hơn 200 chủng có thể tự đào thải hoặc gây mụn cóc sinh dục, ung thư khi nhiễm dai dẳng. Kết quả xét nghiệm HPV dương tính đôi khi không cho biết chính xác đã nhiễm chủng HPV nào. Mặt khác, xét nghiệm âm tính không đủ để chứng minh trước đây chưa nhiễm HPV.

Hiện nay, tại Việt Nam có hai loại vaccine phòng HPV là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil chỉ định cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Còn Gardasil 9 chỉ định cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, không phân biệt đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Vaccine giúp phòng ngừa 9 chủng HPV nguy cơ cao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, là nguyên nhân gây ra sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng và các tổn thương tiền ung thư tại bộ phận sinh dục.

Có 5 trường hợp không được tiêm ngừa, gồm: người dị ứng với bất kỳ thành phần, hoạt chất, tá dược có trong vaccine; người có phản ứng quá mẫn cảm sau khi tiêm mũi HPV trước đó; người đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng; người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu; phụ nữ mang thai.

Đặc biệt, người đã và đang nhiễm virus HPV càng nên tiêm vaccine. Lý do, vaccine HPV phòng được 9 chủng HPV và một người không nhiễm hết tất cả các chủng này. Tiêm vaccine giúp ngăn ngừa các chủng HPV cơ thể chưa nhiễm. Mặt khác, HPV cũng có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể và kháng thể không tồn tại lâu dài, mọi người vẫn có thể tái nhiễm các chủng HPV đã từng mắc. Tiêm vaccine cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Thêm nữa, dù đã nhiễm HPV thì trong cuộc đời, việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó và nguy cơ nhiễm tiếp các chủng HPV vẫn hiện hữu.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Nam giới 34 tuổi có tiêm được vaccine HPV không? Có lưu ý gì trước khi tiêm không, thưa bác sĩ?
Hải Nam, 34 tuổi, Phú Thọ
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

HPV là virus gây ra nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục và các loại ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ, bao gồm sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật, hầu họng và hốc mũi.

Tiêm vaccine là biện pháp chủ động, an toàn và hiệu quả để phòng ngừa virus HPV. Bất cứ ai đã từng quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Tỷ lệ nhiễm HPV ở nam giới trung bình lên đến 91%, trong khi khả năng đào thải virus ở nam giới lại thấp hơn nữ giới khoảng 26%. Bên cạnh đó, vaccine cũng có những đường lây không qua quan hệ tình dục như tiếp xúc vật dụng, khăn tắm, đồ lót, dụng cụ sinh thiết, phẫu thuật dính mầm bệnh.

Hiện nay, tại Việt Nam có hai loại vaccine phòng HPV là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil chỉ định cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Còn Gardasil 9 chỉ định cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, không phân biệt đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Vaccine giúp phòng ngừa 9 chủng HPV nguy cơ cao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, là nguyên nhân gây ra sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng và các tổn thương tiền ung thư tại bộ phận sinh dục.

Trường hợp của bạn là nam giới, 34 tuổi, hoàn toàn có thể tiêm vaccine Gardasil 9. Lịch tiêm gồm 3 mũi trong vòng 6 tháng. Khi tiêm đủ liều, vaccine có thể đạt hiệu quả bảo vệ trên 90%.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con gái tôi 7 tuổi có tiêm vaccine sốt xuất huyết được chưa? Lịch tiêm thế nào?
Linh Trương, 35 tuổi, Hóc Môn, TP HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do trung gian là muỗi vằn đốt người bệnh và truyền virus sang người lành thông qua vết đốt. Bệnh gây ra các triệu chứng như sốt cao đột ngột, người mệt lả, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau họng, buồn nôn, nôn, kèm tiêu chảy. Ở giai đoạn hạ sốt, bệnh dễ đột ngột trở nặng, có thể biến chứng sốc sốt xuất huyết, sốc mất máu, suy gan, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải, nhiễm trùng, suy đa tạng, cô đặc máu và tử vong.

Tiêm vaccine sốt xuất huyết là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, được Bộ Y tế nước ta, CDC Mỹ và WHO, cùng nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh. Hiện Việt Nam có vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga, do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất. Vaccine có khả năng ngừa cả 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Tiêm đủ và đúng phác đồ giúp ngăn ngừa mắc bệnh hơn 80% và ngăn nguy cơ nhập viện do bệnh hơn 90%.

Vaccine chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn, với lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Do đó, con bạn 7 tuổi đã đủ tuổi để tiêm ngừa. Bạn nên đưa con đến cơ sở tiêm chủng gần nhất để khám và chỉ định tiêm, phòng bệnh sớm nhất có thể.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi muốn đưa ba tôi đi tiêm vaccine phế cầu. Ba tôi năm nay 60 tuổi, chưa từng tiêm phế cầu trước đây, vậy nên tiêm loại nào và lịch tiêm ra sao?
Quốc Tuấn, 36 tuổi, Long Biên, Hà Nội
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vi khuẩn phế cầu thường trú trong hầu họng của mỗi người, lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng không có triệu chứng. Bệnh có thể tạo thành ổ dịch nhỏ ở môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà máy, viện dưỡng lão... Vi khuẩn này hiện có hơn 100 tuýp huyết thanh gây ra nhiều bệnh phế cầu xâm lấn cho cả trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và bệnh phế cầu không xâm lấn như viêm phổi, viêm tai giữa và viêm xoang...

Hiện nay, tại gần 230 trung tâm tiêm chủng thuộc Hệ thống Tiêm chủng VNVC đều đang lưu hành 5 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn. Bao gồm: phế cầu 10, phế cầu 13, phế cầu 15, phế cầu 20 và phế cầu 23. Trong đó, loại phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 và phế cầu 15 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn. Vaccine phế cầu 20 tiêm cho người từ 18 tuổi và phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.

Tùy độ tuổi, mỗi loại có số mũi tiêm khác nhau. Trường hợp ba bạn 60 tuổi, chưa từng chủng ngừa phế cầu, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm các loại vaccine phế cầu 13, 15, 20 và 23. Bạn nên sắp xếp đưa người nhà đến các cơ sở tiêm chủng gần nhất để được tư vấn và chỉ định loại vaccine phù hợp.

Ngoài vaccine phế cầu, bạn cũng nên tiêm ngừa cúm, não mô cầu, sởi... để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến phổi cho gia đình.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bé nhà em 12 tháng tuổi chưa từng tiêm vaccine não mô cầu thì nên tiêm loại nào, lịch tiêm cụ thể như thế nào? Cảm ơn bác sĩ!
Thúy Hạnh, 26 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Bệnh não mô cầu xâm lấn cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng ngoài tim… Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường mơ hồ như sốt, đau họng, ho… dễ nhầm lẫn với cúm, gây chậm trễ điều trị. Người bệnh có nguy cơ tử vong trong vòng 24 giờ, tỷ lệ tử vong lên tới 50%. Những người sống sót có thể gặp di chứng nặng nề như cụt chi, liệt, điếc, chậm phát triển về tâm thần, thể chất...

Tại Việt Nam, có 5 type huyết thanh não mô cầu nguy cơ gây tử vong gồm A, B, C, Y, W-135, đều đã có vaccine để phòng ngừa.

Bé nhà bạn 12 tháng tuổi, chưa tiêm vaccine não mô cầu. Hiện tại, bé có thể tiêm các vaccine phòng bệnh não mô cầu, bao gồm:

Vaccine VA-Mengoc-BC của Cu Ba, phòng 2 type huyết thanh B và C. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 45 ngày.

Vaccine Bexsero của Ý, lịch tiêm 2 mũi, cách nhau hai tháng, vaccine cần tiêm nhắc một mũi cách mũi 2 một năm.

Vaccine Menactra của Mỹ phòng các type A, C, Y, W-135, tiêm hai mũi, cách nhau ba tháng và tiêm nhắc một mũi sau 15 tuổi.

Nhằm kịp thời tạo kháng thể bảo vệ trẻ, bạn nên đưa bé đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ tư vấn lịch tiêm phù hợp, có thể tiêm kết hợp vaccine nếu cần thiết.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bé nhà em 8 tuổi, đã tiêm vaccine 5 trong 1 có thành phần ngừa uốn ván lúc nhỏ. Đợt này nghỉ hè con thường chơi đùa và ngã trầy xước da thì có cần tiêm vaccine uốn ván nữa không bác sĩ?
Đinh Tấn Đạt, 40 tuổi, Bến Tre
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính, do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn sinh sống trong môi trường tự nhiên, có nhiều trong đất cát, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở dù rất nhỏ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi, tỷ lệ tử vong khoảng 10-90% hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề như teo cơ, cứng khớp...

Trẻ sơ sinh có thể tiêm vaccine có thành phần uốn ván từ hai tháng tuổi như 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng thêm các bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt. Lịch tiêm gồm 4 mũi khi trẻ đủ 2, 3, 4 tháng hoặc 2, 4, 6 tháng, mũi 4 tiêm khi trẻ từ 16-18 tháng. Riêng vaccine 4 trong 1, trẻ cần tiêm nhắc khi đủ 4-6 tuổi. Vaccine uốn ván được khuyến cáo nên tiêm nhắc sau mỗi 10 năm hoặc khi có vết thương bẩn, sâu.

Bé nhà bạn năm nay 8 tuổi, đã tiêm vaccine 5 trong 1, thường bị ngã trầy xước da thì vẫn nằm trong đối tượng được khuyến cáo nên tiêm nhắc một mũi vaccine. Tốt nhất, bạn nên đưa con đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ đánh giá tình trạng vết thương và tư vấn lịch tiêm phù hợp.

Ngoài ba vaccine kể trên, Việt Nam hiện còn có các vaccine ngừa uốn ván cho trẻ em và người lớn, bao gồm vaccine uốn ván mũi đơn và vaccine uốn ván mũi kết hợp như 3 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, vaccine 2 trong 1 phòng thêm bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ từ 7 tuổi và người lớn. Tùy thuộc độ tuổi và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn lịch tiêm phù hợp.

Không chỉ em bé, cả gia đình bạn cũng nên kiểm tra lịch sử chủng ngừa để chủ động tiêm ngừa đủ 3 mũi trước phơi nhiễm. Khi xảy ra vết thương sâu, bẩn, mọi người chỉ cần tiêm nhắc một mũi vaccine uốn ván mà không cần tiêm thêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi dự định mang thai trong năm tới, thời điểm nào nên tiêm ngừa vaccine cúm để tối ưu hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé?
Hồng Hạnh, 33 tuổi, Hồ Tây, Hà Nội
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Phụ nữ trước khi mang thai nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn dự định năm sau sẽ mang thai, tức còn ít nhất khoảng 6 tháng nữa, hoàn toàn có thể tiêm ngừa nhiều loại vaccine để phòng bệnh như: cúm, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, bạch hầu - uốn ván - ho gà, HPV, viêm gan B, sốt xuất huyết, não mô cầu, phế cầu...

Với vaccine cúm, bạn cần tiêm một mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc một mũi hằng năm để bổ sung kháng thể và cập nhật chủng cúm đang lưu hành. Như vậy, khi chưa có thai, vaccine tạo kháng thể bảo vệ sức khỏe cho bạn. Trong thời gian mang thai, tùy theo thời điểm tiêm chủng, bạn có thể tiêm thêm một mũi vaccine cúm và vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để phòng bệnh và truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé trong những tháng đầu đời.

Thai phụ mắc cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật thai nhi như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh... Bạch hầu, ho gà, uốn ván đều là những bệnh nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong cho mẹ và thai nhi, bé sơ sinh khi chào đời.

Việt Nam là nước nhiệt đới, bệnh cúm lưu hành quanh năm, vì vậy, thời điểm tiêm tốt nhất là tiêm sớm nhất khi có thể. Vaccine cúm có thể tiêm gộp với các vaccine khác giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi lại. Bạn nên sắp xếp đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ tư vấn lịch tiêm phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress