Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)

Thưa chuyên gia, vaccine Covid-19 của AstraZeneca có hiệu lực phòng bệnh trong bao lâu? Mũi 1 và mũi 2 có nhất thiết tiêm cùng một loại vaccine hay không ạ?

Hoài Phong, 42 tuổi, Quảng Ninh
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Hiện nay, các Anh/Chị biết để sản xuất 1 loại vaccine các nhà khoa học phải mất 4-5 năm, thậm chí có những loại vaccine phải mất đến 10 năm mới ra đời, và có những bệnh đến hiện tại vẫn chưa có những vaccine phòng ngừa, ví dụ HIV/AIDS rất nhiều năm mà vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, hoặc là vắc xin sốt xuất huyết chẳng hạn, sau khi sản xuất vaccine sốt xuất huyết lại phải ngừng, không tiếp tục tiêm được bởi vì tính an toàn của vaccine. Đối với vaccine Covid-19 sản xuất chưa đầy 1 năm đã ra đời và triển khai tiêm chủng cho người dân trên thế giới. Chính vì vậy, tất cả vaccine Covid-19 đã đưa vào sử dụng đều được cấp phép khẩn cấp, và một số đánh giá có thể chưa theo dõi được hết vì còn những hạn chế về thời gian. Bình thường, một vaccine sau khi tiêm xong sau khoảng 14 ngày sẽ sản sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể, và sau khi tiêm vaccine mũi 2 đối với những vaccine tiêm 2 mũi sẽ có miễn dịch mạnh mẽ, đầy đủ hơn. Còn vấn đề hiện nay vaccine kéo dài miễn dịch trong bao nhiêu lâu? Bảo vệ bao lâu?,... thì thực tế chưa có được báo cáo rõ ràng hiện nay. Đối với vaccine Covid-19 phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm bao nhiêu thì cũng chưa có được những báo cáo rõ ràng, tùy thuộc vào từng loại vaccine khác nhau. Có những loại vaccine báo cáo 60-70% hiệu quả, có loại vaccine báo cáo 80-90% hiệu quả. Điều quan trọng, các nhà khoa học đã khẳng định chắc chắn rằng, tiêm vaccine Covid-19 giảm được triệu chứng nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong của những người mắc Covid-19. Theo nguyên tắc, đối với loại vaccine Covid-19 tiêm 2 mũi thì nên tiêm cùng 1 loại. Các Anh/Chị tiêm mũi 1 sau thời gian khuyến cáo sẽ tiếp tục tiêm mũi vaccine thứ 2. Ví dụ, sau khi Anh/Chị tiêm mũi 1 của vaccine AstraZeneca, Anh/Chị ra nước ngoài không tiêm vaccine AstraZeneca nữa, mà tiêm 1 loại vaccine khác (chẳng hạn Pfizer) thì các Anh/Chị nên tiêm 2 mũi Pfizer theo quy định được khuyến cáo. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Em thuộc nhóm máu hiếm Rh-. Vậy em có nên tiêm vaccine AstraZeneca hay không? Em được biết loại vaccine này được ghi nhận có tác dụng phụ liên quan đến đông máu. Ngoài ra, loại vaccine này cũng được một số nước châu Âu và Úc khuyến cáo không nên sử dụng với người dưới 40 tuổi.

Thảo Phạm Ngọc, 33 tuổi, Thái Nguyên
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào anh, Yếu tố nhóm máu Rh- không thuộc trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine AstraZeneca. Do đó, nếu bạn có nhóm máu Rh- vẫn có thể tiêm vaccine nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng vaccine ở mỗi quốc gia là khác nhau, Tại Việt Nam, theo hướng dẫn và khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế thì vaccine AstraZeneca được phép tiêm cho đối tượng từ tròn 18 tuổi trở lên. Tác dụng phụ đông máu (huyết khối) sau tiêm vaccine chiếm tỷ lệ rất hiếm. Ngành Y tế Việt Nam cũng đã đưa ra phác đồ điều trị, hạn chế biến chứng của tác dụng phụ này. Điều quan trọng hơn hết là mỗi người cần có kiến thức về các dấu hiệu bất thường để sớm có những xử trí phù hợp. Một số dấu hiệu bất thường sau tiêm vaccine có liên quan đến tình trạng đông máu: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, nhìn mờ, nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau phù chi dưới, có biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, xuất huyết nội tạng... Tình trạng có thể xuất hiện trong khoảng 4-28 ngày sau tiêm vaccine. Cảm ơn câu hỏi của anh, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Tiêm vaccine Covid-19 có nguy hiểm không? Những phản ứng sau tiêm có thể gặp là gì?

Phuong Linh, 30 tuổi, Nghệ An
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn, Bản chất của việc tiêm vaccine nhằm hạn chế nguy cơ mắc cũng như các biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong do bệnh lí mà ta có thể phòng ngừa được do vaccine. Bất cứ vaccine hay sinh phẩm y tế nào đều có nguy cơ các phản ứng không mong muốn tuy nhiên không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà vaccine đem lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, biến chứng nghiêm trọng do vaccine gây ra là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vaccine và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Sau tiêm vaccine Covid-19 bạn nên theo dõi sát sau tiêm tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút và tự theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm. Các phản ứng thông thường như sưng và đỏ tại vị trí tiêm; toàn thân: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (sốt nhẹ - rất thường gặp và sốt ≥ 38 độ C - thường gặp), ớn lạnh. Các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp, các dấu hiệu phản ứng phản vệ như: Mày đay, phù niêm, tím tái, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức (đặc biệt lưu ý khi chỉ định tiêm cho những khách hàng đặc biệt phải hội chẩn). Khi gặp các phản ứng phản vệ trên người được tiêm vaccine cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Chào bác sĩ. Vợ em bị chứng đông máu khi mang thai. Nên bị lưu thai và không thể mang thai. Nếu vợ em tiêm vaccine thì có bị ảnh hưởng gì không? Nếu tiêm thì nên tiêm hãng nào, chủng loại nào? Cơ sở/bệnh viện nào xử trí vấn đề đông máu ở TP.HCM? Em xin cảm ơn!

Ha Thu Mai, 37 tuổi, TP HCM
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị! Trường hợp bị chứng đông máu khi mang thai bạn cần được đi kiểm tra lại tình trạng về rối loạn đông cầm máu tại các bệnh viện có chuyên khoa (thường ít nhất từ BV tuyến quận trở lên) và tìm nguyên nhân gây rối loạn này. Vaccine phòng Covid- 19 có phản ứng hiểm gặp là hình thành cục máu đông sau tiêm chủng, khi có tiền sử rối loạn đông máu thì nguy cơ này có thể xảy ra cao hơn. Trường hợp của Chị có thể tiêm chủng tại khối bệnh viện, khi tiêm BS khám sàng lọc sẻ tư vấn cụ thể về loại vaccine hiện có thể tiêm, tác dụng, phản ứng sau tiêm và cách xử trí sau tiêm. Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, Anh/Chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Kính thưa bác sĩ, ba em bị tiểu cầu thấp 50.000/150.000 đã xét nghiệm và khám bệnh nhiều ở bệnh viện nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tiểu cầu thấp. Ba em vẫn không có triệu chứng dễ chảy máu hay dễ bầm dưới da của bệnh tiểu cầu thấp, chỉ khi xét nghiệm máu mới phát hiện. Vậy ba em có chích ...

Phạm Văn Nhơn, 74 tuổi, TP HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga - Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người có tiền sử về rối loạn đông cầm máu, bất thường về các chỉ số đông - cầm máu hoặc những người đang điều trị thuốc kháng đông thuộc nhóm đối tượng thận trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19, do những người này có nguy cơ về rối loạn đông máu dẫn đến chảy máu/bầm tím vết tiêm hơn những người bình thường khác nên cần tiêm chủng trong bệnh viện hoặc nơi có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Khi đi tiêm ngừa bác sĩ khám sàng lọc sẽ thăm khám đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của ba bạn trước khi chỉ định tiêm. Ba Bạn cần thông báo thông tin này cho bác sỹ để bác sỹ đánh giá trước khi tiêm chủng. Đồng thời bạn cũng cần báo cho Điều dưỡng phòng tiêm trước khi tiêm chủng để điều dưỡng có kỹ thuật tiêm đặc biệt dành riêng cho trường hợp của ba bạn để tránh chảy máu vết tiêm. Chúc gia đinh bạn sức khỏe.

Trẻ sinh non ở tuần 33, tính đến nay là được 2 tuần và em bé nặng 2,3kg. Nhà cháu có xem trên mạng là tuần 34 có thể đi tiêm phòng lao nhưng khi đi tiêm thì ở điểm tiêm thì nói chưa được 3kg chưa tiêm được, vậy thì trường hợp nhà cháu thì tiêm phòng lao như nào thì hợp lý ạ, ...
Hoàng Lập, 30 tuổi, Nam Từ Liêm
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Quyết định số 1575 Bộ Y tế ban hành vào tháng 3/2023, cân nặng của trẻ không quyết định việc trẻ có được tiêm ngừa hay không. Theo đó, trẻ nhẹ hơn 2 kg (tức 2.000 gram) sẽ được chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Khi cân nặng trẻ từ 2 kg trở lên thì vẫn được thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện như tiêm chủng dịch vụ.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêm chủng cho trẻ như đánh giá toàn trạng về tim, phổi và các chức năng của cơ thể. Vì vậy, để trẻ được phòng bệnh sớm bằng vaccine, bạn có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện hoặc dịch vụ để bác sĩ đánh giá lại tình trạng của bé và đưa ra chỉ định phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa BS, em đã từng mắc HPV, bị sùi mào gà ở dương vật, năm nay em 35 tuổi có tiêm được vaccine HPV 9 tuýp không ạ?
Cao Trung Kiên, 34 tuổi, Hà Tĩnh
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Các tổn thương sùi mào gà (không còn biểu hiện) có thể được điều trị triệt để nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Những tổn thương nhỏ, nằm sâu bên trong niêm mạc có nguy cơ phát triển thành sùi gây tái nhiễm. Điều này có nghĩa người bệnh vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình điều trị kết thúc. Do đó, việc phòng tái nhiễm sùi mào gà rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và bạn tình.

Tiêm vaccine là biện pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm để phòng sùi mào gà cũng như các bệnh ung thư do HPV.

Nam và nữ giới nằm trong độ tuổi 9-26, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không đang mắc các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện tiêm mà không cần phải xét nghiệm. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho người từ 27 tuổi cho tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các đơn vị tiêm chủng như Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Em không biết em có bầu dưới 13 tuần và em đã đi tiêm vaccine mũi 3.Cho em hỏi em tiêm như vậy có ảnh hưởng gì đến thai không ạ?

Lê Xuân Thu, 26 tuổi, 30 Núi Trúc
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Các dữ liệu nghiên cứu hiện nay chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất lợi của vaccine Covid-19 đối với phụ nữ đang mang thai, cụ thể vaccine không gây sẩy thai, dị tật thai nhi. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cho phép tiêm cho phụ nữ mang thai sau 13 tuần thai kỳ.

Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, khuyến nghị nên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho phụ nữ trước có thai – trong – sau khi mang thai. Trường hợp của bạn nên tiêm trước khi phát hiện có thai. Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn nào liên quan đến việc phải đình chỉ thai khi tiêm vaccine Covid-19, nên bạn cần theo dõi thai định kỳ, làm các xét nghiệm, theo dõi sự phát triển của thai như bình thường đề tránh những nguy cơ có thể xảy ra! Đồng thời, đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để đảm bảo đáp ứng miễn dịch tốt nhất và đảm bảo sức khỏe thai kỳ bạn nhé

Chúc bạn có thai kỳ khoẻ mạnh!

Em tiêm mũi 1 vaccine Moderna sau hơn 3 tháng em mới tiêm mũi thứ 2 vaccine Pfizer và sau 28 ngày em có lịch tiêm mũi 3 vaccine Pfizer. Vậy bác sĩ cho em hỏi vậy em được tính là tiêm đủ 3 mũi hay chỉ được tính 2 mũi vaccine Pfizer thôi ạ.cảm ơn bác sĩ.

Đinh Thị Lệ Thư, 31 tuổi, Phú Yên
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện tại bạn đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19, nhưng do khoảng cách mũi 3 của bạn với lần 2 chỉ có 28 ngày nên mũi này chỉ được tính là mũi bổ sung, bạn nên tiêm mũi nhắc lại 3 tháng sau mũi bổ sung nhé.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Trân trọng!

Hôm qua em và người yêu em có quan hệ với nhau, em có xuất vào trong mà bây giờ người yêu em đi tiêm vaccine Covid-19 thì có ảnh hưởng gì không ạ?

Trần Văn Đạt, 22 tuổi, TP.HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Có thể bạn lo ngại việc người yêu có thể có thai sau quan hệ, tuy nhiên vaccine Covid-19 không chống chỉ định cho phụ nữ đang mang thai, thậm chí còn khuyến cáo tiêm chủng càng sớm càng tốt cho các đối tượng mang thai từ 12 tuần, tuy nhiên bạn và người yêu cần cân nhắc về lợi ích và nguy cơ để có quyết định phù hợp và thông báo cho bác sỹ khám sàng lọc nếu đi tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress