Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Tôi đã có gia đình và đã sinh con thì có được tiêm vaccine phòng các bệnh do HPV không?
Nguyễn Thị Hồng Lam, 28 tuổi, Khánh Hòa
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bác sĩ cho em hỏi bệnh dại có lây từ người sang người không? Em xin cảm ơn!
Lê An, 38 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất toàn cầu. Khi phát dại, kể cả con người hay động vật, tỷ lệ tử vong đều là 100%. Virus Rhabdo là tác nhân chính gây ra bệnh dại, chúng có trong nước dãi của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua nước dãi của động vật mắc bệnh dại thông qua vết cắn, cào, xước. Trong một vài trường hợp khác, virus dại còn có thể lây nhiễm qua sự tiếp xúc trực tiếp từ nước dãi của động vật mắc bệnh qua vết thương hở, mắt, mũi, miệng. Ví dụ: động vật nhiễm bệnh liếm vào vết thương hở trên da của bạn thì khả năng bạn có thể đã nhiễm bệnh dại.

Đối với trường hợp lây truyền từ người sang người chỉ được ghi nhận trong trường hợp lây từ người hiến mô/cơ quan bị nhiễm bệnh sang người nhận ghép tạng (rất hiếm). Tuy nhiên, nguy cơ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa nhờ những quy định nghiêm ngặt về việc hiến giác mạc và tạng ghép ở người. Lây truyền bệnh dại trực tiếp từ người sang người thông qua vết cắn, cào, về lý thuyết là có thể lây nhưng hiện nay y văn thế giới chưa ghi nhận được trường hợp nào.

Tiêm vaccine vừa là phương pháp dự phòng vừa là phương pháp điều trị bệnh dại. Việt Nam hiện có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vaccine gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da).

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi sinh năm 1981, con trai tôi sinh năm 2010. Vậy muốn tiêm vaccine HPV thì tiêm loại nào? Giá bao nhiêu? Người đã lập gia đình như tôi có tiêm được không?
Nguyễn Thị Kim Thanh, 42 tuổi, Quận 11, TP.HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chủng ngừa HPV cho trẻ 9-14 tuổi, giúp vaccine phát huy hiệu quả tốt và sinh miễn dịch bền vững. Mũi tiêm ngừa HPV đã được chứng minh hiệu quả, dung nạp tốt ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên, giúp phòng nhiễm virus trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục lần đầu tiên. Thay vì mang tâm lý hồi hộp, lo sợ bệnh, phụ huynh có thể chủ động dự phòng cho trẻ từ 9 tuổi trở lên để bảo vệ từ sớm.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được vaccine HPV và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, trên 50 tuổi có thể tiêm chủng vaccine HPV được không? Ngoài ra còn có thể ngừa các bệnh ung thư nào?
Nguyễn Thanh Phương, 51 tuổi, Quận 7, TP.HCM
BS.CKI Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tại Việt Nam, vaccine HPV được chỉ định tiêm chủng trẻ em gái, trẻ em trai, nữ giới và nam giới 9-26 tuổi để phòng ngừa các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, và các bệnh gây ra bởi virus HPV càng sớm càng tốt, các trường hợp đã quan hệ tình dục và có con cũng cần được chủng ngừa.

Nam và nữ giới nằm trong độ tuổi 9-26, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không đang mắc các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện mà không cần phải xét nghiệm. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho người từ 27 tuổi cho tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26.

Với trường hợp của bạn đã trên 50 tuổi thì đã quá độ tuổi khuyến cáo để tiêm vaccine HPV.

Để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm do virus HPV, bạn cần thực hiện các biện pháp như: quan hệ tình dục an toàn, lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung...

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Thưa BS, em đã từng mắc HPV, bị sùi mào gà ở dương vật, năm nay em 35 tuổi có tiêm được vaccine HPV 9 tuýp không ạ?
Cao Trung Kiên, 34 tuổi, Hà Tĩnh
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Các tổn thương sùi mào gà (không còn biểu hiện) có thể được điều trị triệt để nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Những tổn thương nhỏ, nằm sâu bên trong niêm mạc có nguy cơ phát triển thành sùi gây tái nhiễm. Điều này có nghĩa người bệnh vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình điều trị kết thúc. Do đó, việc phòng tái nhiễm sùi mào gà rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và bạn tình.

Tiêm vaccine là biện pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm để phòng sùi mào gà cũng như các bệnh ung thư do HPV.

Nam và nữ giới nằm trong độ tuổi 9-26, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không đang mắc các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện tiêm mà không cần phải xét nghiệm. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho người từ 27 tuổi cho tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các đơn vị tiêm chủng như Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Người trên 27 tuổi có tiêm được vaccine HPV không? Có loại vaccine HPV nào tiêm cho trẻ trên 27 tuổi không ạ? Xin cảm ơn
Nguyễn Thị Thanh Loan, 52 tuổi, Quận 7
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tại Việt Nam, vaccine HPV được chỉ định tiêm chủng trẻ em gái, trẻ em trai, nữ giới và nam giới 9-26 tuổi để phòng ngừa các bệnh ung thư: cổ tử cung, hậu môn, vòm họng, bệnh gây ra bởi virus HPV càng sớm càng tốt. Trường hợp đã quan hệ tình dục cũng cần được chủng ngừa.

Nam và nữ giới nằm trong độ tuổi 9-26, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện tiêm mà không cần phải xét nghiệm. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho người từ 27 tuổi cho tới 45 tuổi. Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các đơn vị tiêm chủng như Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Xin hỏi sau khi khỏi Covid-19 bao lâu là có thể tiêm vaccine cúm và phế cầu vậy?
Triệu Chu Tiên, 39 tuổi, Đà Nẵng
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Khi đã khỏi bệnh Covid-19, bạn vẫn tiêm vaccine phòng cúm bình thường, và không có khuyến cáo về khoảng cách giữa hai mũi tiêm phòng hai bệnh Covid-19 và cúm mùa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Con em nó bị chó ở nhà cắn vào cánh tay và bị bầm. Đến nay được 43 ngày thì con chó ở nhà bị chết do nó ăn thuốc thì em có cần cho bé đi tiêm ngừa dại không bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ?
Nguyễn Văn Vác, 33 tuổi, Long An
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nếu chẳng may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, trẻ cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên.

Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau, có thể lên tới vài tháng hoặc vài năm.

Trường hợp của con bạn bị chó cắn 43 ngày, gia đình vẫn nên đưa con đi tiêm chủng vaccine dại. Bạn có thể đến các Trung tâm tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn chi tiết nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chào bác sĩ. Em bị chó nhà hàng xóm cắn chảy máu nhưng không tiêm vaccine, cách đây đã hơn 1 năm, cho hỏi, giờ tiêm vaccine có còn hiệu quả không ạ?
duykhangn822, 14 tuổi, Dầu Tiếng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nếu chẳng may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên.

Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân và tình trạng vết cắn, vị trí và số lượng virus xâm nhập, thời gian phát bệnh dại ở mỗi người sẽ khác nhau, có thể lên tới vài tháng hoặc vài năm.

Trong trường hợp của bạn bị chó cắn 1 năm thì vẫn nên đi tiêm chủng vaccine dại. Bạn có thể đến các Trung tâm tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn chi tiết nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Tôi đang bị zona thần kinh thì có tiêm vaccine Zona thần kinh được không? Tiêm ở đâu? Chi phí bao lâu? Người nào cần tiêm vaccine zona thần kinh?
Lục Ngọc Châu, 77 tuổi, Quận 11, TP.HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Khi bị zona thần kinh, các sợi thần kinh bị tổn thương không thể gửi tin nhắn từ da đến não, các thông điệp trở nên nhiễu loạn và phóng đại, tạo ra cơn đau dù vết thương trên da đã khỏi hay chưa. Bệnh cảnh zona thần kinh rất điển hình như: cảm giác đau buốt, rát bỏng, châm chích tại một vùng da giới hạn, không đối xứng. Khoảng 1-3 ngày sau sẽ xuất hiện mụn nước và cảm giác đau buốt vẫn có thể diễn tiến và kéo dài sau khi điều trị khỏi sang thương mụn nước từ vài tháng đến vài năm.

Mặc dù hiện tại đã có các vaccine được phê duyệt phòng ngừa zona thần kinh trên thế giới, song Việt Nam chưa có. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các biến chứng do virus Varicella Zoster gây bệnh bạn có thể thực hiện tiêm vaccine thủy đậu để ngăn ngừa sự tấn công của loại virus này. Tiêm chủng đầy đủ có thể giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress