Nhóm chuyên gia tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm (NIAID), nơi đồng phát triển loại vaccine này, đã nghiên cứu phản ứng miễn dịch của 34 người lớn, trẻ em và người già từ giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm lâm sàng.
Kết quả công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 3/12, cho thấy các kháng thể ngăn chặn nCoV xâm nhập vào tế bào người "giảm nhẹ theo thời gian song vẫn tăng lên ở những tình nguyện viên 3 tháng sau khi tiêm lại".
Vaccine mRNA-1273 liều hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày, hiệu quả 94,5%. Nhóm nghiên cứu cho rằng mặc dù số lượng kháng thể giảm theo thời gian, song không đáng lo ngại.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc NIAID, và các chuyên gia khác, cho biết rất có thể hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhớ virus rồi tạo ra các kháng thể mới nếu tiếp xúc lại.
Nghiên cứu cũng cho thấy vaccine kích hoạt một loại tế bào miễn dịch nhất định giúp hỗ trợ phản ứng trí nhớ, song cần nghiên cứu dài hạn hơn để khẳng định.
Vaccine Morderna dự kiến sẽ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét vào ngày 17/12, có thể được tạo điều kiện để phê duyệt khẩn cấp. Tương tự vaccine do Pfizer và BioNTech sản xuất, mRNA-1273 dựa trên công nghệ mới sử dụng vật liệu di truyền dạng mRNA. Vật liệu di truyền được bao bọc trong một phân tử lipid để tiêm vào cơ thể người, có thể làm cho các tế bào cơ thể tạo ra protein bề mặt của nCoV, đánh lừa hệ thống miễn dịch rằng đã bị nhiễm virus và huấn luyện tạo kháng thể phù hợp khi thực sự nhiễm nCoV.
Hôm qua, Moderna cũng dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm vaccine trên trẻ em, song chưa có kế hoạch cụ thể.
Chi Lê (Theo AFP, CTV News)