Tuyên bố đưa ra trong cuộc họp ngày 3/12. Đây được coi là tiêu chí để các quốc gia cấp phép cho sản phẩm trong phạm vi toàn quốc. Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, nhận định vaccine Covid-19 có khả năng thay đổi cục diện của đại dịch.
Phát biểu từ Copenhagen, Hans Kluge cho biết nguồn cung dự kiến sẽ rất hạn chế trong giai đoạn đầu. Các quốc gia cần quyết định nhóm được ưu tiên tiêm chủng. Ngày càng nhiều chuyên gia đồng thuận rằng cần dành những lô vaccine đầu tiên cho người lớn tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh nền.
Trước đó, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine của Pfrizer. Các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu vẫn tiến hành xem xét, đánh giá sản phẩm, chưa đưa ra quyết định chính thức.
Vaccine BNT162b2 của Pfizer được điều chế trên công nghệ RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Ngày 3/12, WHO cũng đề xuất ý tưởng cấp "chứng chỉ tiêm chủng điện tử" dành cho những người muốn xuất cảnh du lịch.
"Chúng tôi đang cân nhắc kỹ việc sử dụng công nghệ để đối phó với Covid-19. Một trong số đó là làm việc với các quốc gia để triển khai chứng chỉ tiêm chủng điện tử", ông Kluge nói.
Ngày 18/11, Pfizer công bố hoàn tất thử nghiệm vaccine, hiệu quả 95%, không để lại tác dụng phụ đáng kể. Kết quả thử nghiệm được công bố chưa đầy một năm sau khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vaccine, phá vỡ mọi kỷ lục về tốc độ phát triển. Pfizer và đối tác Đức BioNTech cho biết hiệu quả của vaccine nhất quán trên từng độ tuổi, chủng tộc và dân tộc. Tác dụng phụ nghiêm trọng và thường gặp nhất là mệt mỏi.
Vaccine Pfizer/BioNTech là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm.
Thục Linh (Theo Reuters)