Cán bộ y tế quận, huyện phối hợp với UBND các xã, phường đến nhà người dân hướng dẫn cụ thể các bước và quy trình, sau đó cho tự test nhanh tại chỗ.
Tại quận 3, UBND các phường chọn hộ gia đình thuộc vùng vàng, cam, đỏ để thực hiện test nhanh, còn vùng xanh, vùng cận xanh thực hiện PCR gộp. Người dân nào ở vùng test nhanh mới được cấp bộ kit test Covid-19.
Bà Phạm Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận 3, cho biết các hộ gia đình được cấp bộ kit test sẽ tự làm và báo cáo lại kết quả cho phường. Trên danh sách số test được phát, nhân viên y tế có thể quản lý, phát hiện được ca nào dương tính.
"Người dân tự test nhanh có ý nghĩa phát hiện và tách F0 sớm để đưa vào diện quản lý và điều trị kịp thời, hy vọng sớm được khống chế được dịch", bà Hạnh chia sẻ.
Theo bà Hạnh, trước mắt, nhân viên y tế đang chọn đại diện hộ gia đình để hướng dẫn làm test nhanh Covid-19. Sau khi sắp xếp ổn định, sẽ có lộ trình rõ ràng hơn. Mỗi hộ gia đình cử một thành viên lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ thành viên trong gia đình hoặc tự lấy mẫu.
Trực tiếp hướng dẫn người dân test nhanh Covid-19, sinh viên năm 3 Đinh Ngọc Vũ Đạt, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết công việc này không quá khó, chỉ cần nắm kỹ thuật sẽ có thể tự thực hiện được.
Theo Vũ Đạt, bước lấy mẫu rất quan trọng, nó sẽ quyết định kết quả đó có đúng hay không, phải đảm bảo thấm đủ dịch để kiểm tra. Khó khăn của người dân khi lấy mẫu thường là đưa que không đúng vị trí tỵ hầu hoặc lấy không đủ dịch nên kết quả trả về có thể sai. "Chúng tôi phải hướng dẫn tỉ mỉ, nhắc nhở người dân đưa que vào mũi sẽ có một điểm G, lúc này chưa vội rút ra mà phải giữ vài giây sau đó mới lấy que ra", Vũ Đạt chia sẻ.
Sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn các bước, quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà, anh Phan Đình Hoàng Phương (phường 14, quận 3) có thể tự thực hiện vì "cách lấy mẫu xét nghiệm cũng khá đơn giản". "Trước đây ở nhà tôi chỉ thấy người khác làm và chưa dám thử, sau khi được hướng dẫn tôi có thể tự thực hành, mua test để làm cho mọi người trong nhà", anh Phương cho biết.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, với kỹ thuật lấy mẫu tỵ hầu, người lấy mẫu cần đưa khoảng 3/4 chiều dài que lấy mẫu vào sâu bên trong mũi. Khi thực hiện đưa que lấy mẫu vào có cảm giác "sụp hầm" hay "sụp ổ gà" là thành công.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, thành phố sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) trong 14 ngày tới. Riêng các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm hai lần, cách nhau 7 ngày.
Các đội xét nghiệm của từng địa phương, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp...
Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30-60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
Từ ngày 23 đến 25/8, thành phố hoàn tất việc xét nghiệm cho toàn bộ người dân. Sau đó, lặp lại xét nghiệm lần 2. Sau ngày 25/8, ngành y tế đánh giá lại mức độ nguy cơ của các tổ dân phố, tổ nhân dân.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP HCM gửi các địa phương ngày 22/8, sau khi được đội y tế địa phương hướng dẫn tự xét nghiệm nhanh, người kết quả test nhanh dương tính được xem là F0, nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện thì phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, F0 sẽ được quản lý và chăm sóc sức khỏe bởi cơ sở y tế địa phương. Nhân viên y tế đến tận nhà để thăm khám và cung cấp gói thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng virus và thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có cảm giác khó thở hoặc SpO2 (nồng độ oxy mao mạch) dưới 95%. F0 cũng được sàng lọc điều kiện cách ly tại nhà, trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cách ly tập trung ở các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.
Sở Y tế triển khai các trạm y tế lưu động để khám, chữa bệnh cho người dân và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Cụ thể, khoảng 400 trạm y tế lưu động được thành lập, hoạt động trước ngày 24 và một số trạm hoạt động từ 27/8. Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc 50-100 F0.
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện sự hiện diện kháng nguyên virus Covid-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau khoảng 15 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Những trường hợp có kết quả dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
TP HCM tăng test nhanh kháng nguyên từ cuối tháng 6. UBND TP HCM khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động một lần mỗi tuần. Ngành y tế đã tập huấn sử dụng test nhanh Covid-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn.
Cuối tháng 5, Bắc Giang là địa phương đầu tiên cả nước thí điểm hướng dẫn người dân trong khu cách ly tập trung tự lấy mẫu test nhanh cho nhau, nhằm giải quyết bài toán do thiếu hụt về nhân lực y tế.