Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết test nhanh là một xét nghiệm tầm soát chứ chưa phải là xét nghiệm khẳng định Covid-19. Khi test nhanh dương tính, khả năng người đó đã mắc Covid-19 nhưng không phải chắc chắn hoàn toàn, vẫn có thể là dương tính giả. Những trường hợp này phải xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR mang tính khẳng định.
Nhiều người tự mua các bộ kit test nhanh Covid-19 về sử dụng, khi có kết quả "hai vạch", tức dương tính thì lo âu, khó thở. Theo bác sĩ Hùng, bất kỳ người nào khi đối diện với một nguy cơ mà bản thân không mong muốn, cơ thể có thể phát sinh phản ứng hồi hộp, lo lắng và khó thở. Do đó, trước hết cần giữ bình tĩnh.
Test nhanh dương tính, tức bản thân có nguy cơ, cần có ý thức bảo vệ người xung quanh. Lập tức cách ly với người thân, người trong cơ quan, tránh tiếp xúc với mọi người. Thông báo nhân viên y tế địa phương để có thể xác định lại tính chính xác của kết quả test nhanh, giúp xác định người test có mắc Covid-19 không hay chỉ là kết quả dương tính giả, cũng như được hướng dẫn những bước xử trí tiếp theo.
"Bạn cảm thấy lo lắng, khó thở là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi phải đối mặt với những yếu tố nguy cơ cao. Sau một khoảng thời gian ngắn, bản thân sẽ có thể điều hòa lại nhịp thở, hô hấp", bác sĩ Hùng nói.
Trong thời gian chờ xét nghiệm khẳng định PCR, bạn tiến hành các biện pháp tự cách ly như đã nhiễm. Theo dõi sát diễn biến sức khỏe của mình để có cách xử trí phù hợp, như có khó thở không, sốt, ho hay không và sốt, ho như thế nào...
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, muốn xác định có khó thở thật sự hay không thì cần kiểm tra sau mỗi 15 phút đến 30 phút. Trường hợp nhà có thiết bị đo SpO2 thì cần lưu ý chỉ số dưới 95% trong điều kiện thở khí trời là dấu hiệu cảnh báo thiếu oxy máu.
Có thể đếm nhịp thở và nhịp tim. Nếu nhịp thở tăng lên trên 20 lần một phút trong điều kiện nghỉ ngơi thì đó là biểu hiện có thể cảnh báo nguy cơ. Cần liên hệ với nhân viên y tế để kiểm tra lại, vì cũng có những trường hợp người có nhịp thở nhanh hơn người bình thường, như người có bệnh phổi trước đó.
Nhịp tim thông thường ở mức 80-100 lần mỗi phút. Nếu nhịp thở trên 20 lần một phút, nhịp tim trên 100 lần một phút là dấu hiệu nguy cơ, kết hợp cùng các biểu hiện khác của bệnh Covid-19. Khi ấy, nên liên hệ với y tế địa phương để xác định đúng tình trạng của bản thân và có những hướng xử trí phù hợp.
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện sự hiện diện kháng nguyên virus Covid-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau khoảng 15 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Những trường hợp có kết quả dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Bộ Y tế trong tháng 7 công bố 15 loại kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV được cấp phép sử dụng. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh thành tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm nCoV trôi nổi trên thị trường.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam, trong họp báo giữa tháng 7, khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được cấp phép. Theo đó, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
TP HCM tăng test nhanh kháng nguyên từ cuối tháng 6. UBND TP HCM khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động một lần mỗi tuần. Ngành y tế đã tập huấn sử dụng test nhanh Covid-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn.