Điểm đến đầu tiên của nhóm là trường mầm non thôn Hoàng Ninh, xã Hoàng Mai, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Nơi đây hiện cách ly hơn 80 F1, bao gồm công nhân của công ty Hosiden, Samone Vina và một số người dân. Trước đó, nhân viên khu cách ly nhanh chóng phối hợp với đoàn cán bộ y tế bày biện ghế, loa đài vào từng phòng. Công việc hôm nay "nhẹ nhàng" những ngày trước, khi nhân viên y tế không phải chứng kiến từng đoàn chiếc xe cấp cứu dồn dập hú còi chở F0 hay những đồng nghiệp gục xuống vì kiệt sức.
Phương án test kháng nguyên nhanh được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định sử dụng thay thế phương thức xét nghiệm Realtime RT-PCR, trong bối cảnh số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao và hàng chục nghìn người đang chờ xét nghiệm. Test kháng nguyên nhanh nhằm sàng lọc những người có nguy cơ cao. Những trường hợp có kết quả dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
"Việc hướng dẫn người dân test nhanh tuy dễ thở hơn đi lấy mẫu xét nghiệm nhưng phải nói nhiều, vừa nói vừa làm, thậm chí cầm tay chỉ việc cho đến khi mọi người thành thục", bác sĩ Hằng, công tác tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, đang thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Giang, cho biết.
Ngoài việc hướng dẫn người dân tự test nhanh, các nhân viên y tế còn hướng dẫn sinh viên tình nguyện cách lấy mẫu. Theo bác sĩ Hằng, việc lấy mẫu có nhiều khâu, khâu nào cũng quan trọng và nên làm theo dây chuyền để triển khai được số lượng lớn, từ hướng dẫn người dân ngồi theo thứ tự, ghi danh sách, cố gắng gộp 5 người một lần, ghi ống mẫu, kiểm tra từng test đúng tên của người lấy mẫu, rồi hướng dẫn cách lấy dịch và chờ để ghi lại kết quả.
Bác sĩ Hằng dặn dò sinh viên cặn kẽ, khác như không đứng trước mặt người dân để lấy mẫu mà phải đứng chéo; dặn người dân muốn hắt hơi phải quay ra sau, khi được lấy mẫu phải hít thở nhẹ nhàng.
"Các bạn sinh viên ham học hỏi, chăm chỉ, có nền tảng nên học việc rất nhanh, song vẫn run tay vì lần đầu được thực hành lấy mẫu", bác sĩ kể.
Bác sĩ Nguyễn Đức Cảnh, khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ việc hướng dẫn này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vì không phải trực tiếp lấy mẫu cho F0 hay F1. "Tuy nhiên, phải nói nhiều, nói to, thậm chí dùng cả mic, quyết liệt hướng dẫn nhanh vì số mẫu tồn còn rất nhiều", anh Cảnh nói.
Theo anh, việc tự lấy mẫu test góp phần đẩy nhanh quá trình sàng lọc, sớm phát hiện và tách ca dương tính nhanh ra khỏi khu vực cách ly, giảm tối đa nguy cơ lây chéo và áp lực lên nhân viên y tế tuyến đầu.
Sau buổi đầu tiên, hầu hết sinh viên thực hiện khá "trơn tru" việc lấy mẫu test nhanh cho người dân.
"Đây là cuộc rượt đuổi Covid-19, phải nhanh mới thắng được nó. Ngoài các biện pháp như giãn cách, sàng lọc, cách ly thì test nhanh cũng là cách giúp chúng ta nhanh hơn trong cuộc chiến này", bác sĩ Cảnh nói.
Cùng đi với đoàn có Tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế và cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bắc Giang. Tại đây, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu trang bị đầy đủ cho những người thực hiện lấy mẫu test nhanh như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang, sát khuẩn, tấm chắn, loa đài... Ở khu nguy cơ cao cần lấy mẫu ba ngày một lần, khu nguy cơ thấp thì 5 ngày một lần.
Khoảng 1h trưa, đoàn tiếp tục leo lên thùng xe tải đến khu cách ly tại Trường mầm non chất lượng cao Âu Cơ, thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh. Phía sau cổng trường giờ là nơi ở của khoảng 145 ca F1.
Những chiếc bàn, ghế lại được nhanh chóng bày biện, đội y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tái diễn buổi tập huấn. Lần này, đối tượng hướng dẫn chủ yếu là người dân.
Theo bác sĩ Hằng, người dân có nhiều độ tuổi khác nhau, do sợ phơi nhiễm nên tâm lý còn chần chừ, dè dặt. Khi đó, nhân viên y tế phải tỉ mỉ, hướng dẫn cẩn thận để họ thực hiện kỹ năng thành thục hơn.
"Sẽ phải tập huấn thêm một đến hai buổi nữa thì các mọi người mới có thể thành thạo cách lấy mẫu", anh Thân Mạnh Đăng, vốn là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh, trưởng khu cách ly, tiếp lời. Trước diễn biến dịch phức tạp, ngoài động viên người dân và bố trí lực lượng, anh lập thêm một tổ hậu cần đảm bảo rau, củ quả, gạo, thịt, nước uống, nước sinh hoạt cho mọi người. Họ dặn nhau chung tay, mỗi người một việc để đẩy lùi dịch bệnh.
"Nếu không có dịch, nơi đây vẫn là sân trường vui chơi của các em nhỏ, thay vì bị biến thành khu cách ly hay mảnh sân để tập huấn test nhanh. Nhà thi đấu hiện đại không biến thành Bệnh viện dã chiến, ngày đêm ám ảnh tiếng xe cấp cứu chở F0 đến điều trị", bác sĩ Hằng tiếp lời.
Tập huấn xong, đoàn tiếp tục di chuyển đến thôn Phúc Long để hỗ trợ đội sinh viên trường Y dược Thái Nguyên lấy mẫu xét nghiệm. Từng tốp người bước lên xe, dáng vẻ ai nấy bơ phờ, mệt mỏi, không ai nói với ai câu gì. Chuyến đi công tác bắt đầu bằng lời nhắn với gia đình "cứ đi đã, ngày về báo sau" vẫn nối dài hơn, khi số ca tăng lên hàng trăm mỗi ngày.
Thùy An - Thúy Quỳnh