Ban quản lý khu công nghệ cao chọn và vận động doanh nghiệp thực hiện, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), hoàn thành trước ngày 4/7.
Nội dung này nằm trong kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 29/6 đến 10/7, với 9 nội dung cần triển khai trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", của UBND TP HCM.
Thành phố cũng lên kế hoạch tăng cường lấy mẫu và xét nghiệm sàng lọc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đảm bảo trả kết quả nhanh, dưới 12 giờ. Đồng thời, đẩy nhanh lấy mẫu sàng lọc người dân, người lao động tại các quận, huyện, thành.
Ngành y tế chủ động tấn công bằng cách nâng cao năng lực xét nghiệm, tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tố chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca F0 và các F1 để xác định nguyên nhân do ủ bệnh hay do lây nhiễm chéo, từ đó có giải pháp phòng chống dịch phù hợp.
Trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng Realtime-PCR, phấn đấu thực hiện một triệu mẫu gộp mỗi ngày.
Việc thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp, tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao, được TP HCM đặt ra từ ngày 28/6, nhằm tăng tốc độ xét nghiệm.
Test nhanh kháng nguyên ưu điểm là thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút và có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác thì không bằng phương pháp RT-PCR.
Ngược lại, RT-PCR độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, nhưng cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng nó góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Trong kế hoạch vừa ban hành, UBND TP HCM cũng yêu cầu ngành y tế xác định khu vực khoanh vùng trong vòng một giờ hoặc sớm hơn, sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19. Nguyên tắc khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp, có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.
Trước tình hình xuất hiện các ca phơi nhiễm gần đây, cán bộ y tế được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh. Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiêm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thành phố tiếp tục rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh. Vận động các khách sạn đủ điều kiện trên địa bàn tô chức cách ly cho các trường họp F1 có nhu cầu trả phí. Tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường họp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ động sẵn sàng các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống TP HCM có 10.000 ca nhiễm. Rà soát, thống kê lượng oxy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị Covid-19.
Tổ công tác đàm phán và mua vaccine thành phố khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vaccine. Dự kiến, chậm nhất trong cuối quý ba năm nay phải tiếp nhận lô vaccine đầu tiên, để khoảng 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine trong năm nay.
Ngoài việc giám sát phòng chống dịch tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, thành phố sẽ cương quyết đóng cửa tạm thời đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống không đảm bảo an toàn.
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, số ca nhiễm vẫn tăng nhanh dù thành phố giãn cách xã hội nhiều tuần qua, trong đó nhiều ca phát hiện qua sàng lọc, chưa rõ nguồn lây. Khoảng hai tuần nay, số ca nhiễm ở TP HCM chiếm phần lớn số ca cộng đồng công bố trong ngày của cả nước.