Đây là bệnh viện tuyến quận huyện đầu tiên tại TP HCM triển khai tiêm vaccine Covid-19 theo Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Hôm nay, bệnh viện tiêm trước cho 10 nhân viên y tế, gồm 4 nam và 6 nữ, độ tuổi từ 24 đến 42. Họ nằm trong nhóm 212 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ lý, người phụ trách bộ phận khai báo y tế... tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, có nguy cơ cao nhiễm nCoV. Danh sách người ưu tiên tiêm được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) phê duyệt.
Điểm tiêm được bố trí phân luồng một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các vị trí tiêm, thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay... Người được tiêm vaccine sẽ được khám sàng lọc, hỏi kỹ tiền sử dị ứng, tiêm chủng và các bệnh nền trước khi tiêm. Sau đó, nhân viên tiêm chủng, thuộc khoa Dinh dưỡng phụ trách tiêm cho đồng nghiệp.
Anh Hồ Quang Thoại, 33 tuổi, điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu là người tiêm đầu tiên. Anh chia sẻ thời gian gần đây có nghe nhiều thông tin về phản ứng phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 nên hơi lo lắng. Nam điều dưỡng đã tự tìm hiểu thêm về lợi ích của vaccine AstraZeneca. Hôm qua, anh và các đồng nghiệp được lãnh đạo bệnh viện trấn an, giải thích chi tiết về vaccine, các phản ứng phụ không mong muốn và cách theo dõi sức khỏe sau tiêm.
"Tôi tin rằng lợi ích của vaccine chắc chắn nhiều hơn tác hại", anh Thoại nói.
Dược sĩ Đặng Nguyễn Bích Hồng, 42 tuổi, là nữ nhân viên y tế tiêm đầu tiên tại Bệnh viện quận 11. Ngoài công tác chuyên môn tại khoa Dược, chị kiêm nhiệm công tác đo nhiệt độ, sàng lọc y tế cho người dân tới khám chữa bệnh.
Nữ dược sĩ cho hay chị đã tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, chưa từng bị dị ứng hay phản vệ nghiêm trọng. Do đó, chị tự hào được tiêm trước và tin tưởng vào chất lượng vaccine hơn là hồi hộp, lo lắng.
Sau tiêm, các nhân viên y tế được liên tục đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ trong vòng 30-60 phút. Anh Thoại, chị Hồng cho biết cảm giác ban đầu chỉ nhói như kiến cắn. Họ chưa thấy bất thường hay khó chịu gì. Kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm, họ tiếp tục làm việc với ca trực đang dang dở tại bệnh viện. Họ cũng tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
Bệnh viện quận 11 tuần này tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho 30 người, mỗi ngày 10 người. Từ nay đến 19/4, sẽ tiêm đủ cho danh sách 212 người.
Người được tiêm chủng sẽ được quản lý bằng danh sách lưu tại điểm tiêm chủng từ đó làm cơ sở để thống kê báo cáo cho tuyến trên. Người được tiêm chủng sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và cần giữ kỹ để được tiêm nhắc lại lần hai sau 12 tuần.
Vaccine đã được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) chuyển về Trung tâm Y tế quận 11, bảo quản đúng quy định. Bệnh viện quận 11 nhận vaccine từ trung tâm y tế.
Trước đó, để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 an toàn, HCDC đã tổ chức hai lớp tập huấn, cập nhật thông tin cho 34 đơn vị đủ điều kiện tiêm chủng chuẩn bị cũng như thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chiến dịch tiêm chủng đợt một toàn thành phố dự kiến diễn ra từ ngày 22/3 và hoàn thành trước ngày 19/4. HCDC đã tiếp nhận 8.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca. Số vacine này dự kiến tiêm cho 8.000 nhân viên chống Covid-19. Mục tiêu của thành phố là 95% nhân viên tham gia chống dịch Covid-19 được tiêm chủng và phải đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Vaccine sử dụng trong đợt tiêm này thuộc lô 117.600 liều vaccine AstraZeneca đầu tiên được nhập về Việt Nam. Một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại TP HCM, 926 người đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi một. Hai cơ sở y tế đã tiêm vaccine Covid-19 gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (bắt đầu tiêm ngày 8/3) và Bệnh viện Quân y 175 (ngày 16/3) cho 64 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Thư Anh