Covid-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà y học hiện đại từng đối mặt. Bác sĩ và các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra phương pháp điều trị và loại thuốc có thể cứu sống người nhiễm virus.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ năm ngoái cấp phép khẩn cấp cho remdesivir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Thuốc do Gilead Sciences sản xuất, ban đầu được thử nghiệm để điều trị Ebola và viêm gan C nhưng không thành công. Trong dịch Covid-19, các nhà khoa học phát hiện nó có thể ngăn nCoV sinh sôi trong tế bào.
Thử nghiệm lớn sau đó cho thấy remdesivir giúp giảm thời gian hồi phục của người bệnh từ 15 ngày xuống còn 11 ngày.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học New England vào tháng 5 năm ngoái. Tình nguyện viên được chia thành hai nhóm. 200 người sử dụng remdesivir trong 5 ngày. 197 người còn lại, bệnh nặng hơn, dùng thuốc 10 ngày. Mức độ hồi phục của họ được đánh giá trên thang điểm 7.
Trong hai tuần, tình trạng sức khỏe của 67% bệnh nhân nhóm một cải thiện ở mức 2/7, cao hơn đôi chút so với nhóm thứ hai. Sau khi điều chỉnh thông số, các nhà nghiên cứu kết luận: thay đổi thời gian dùng thuốc không tạo ra sự khác biệt quá lớn. Tỷ lệ tình nguyện viên khỏi và tử vong do Covid-19 là như nhau.
"Nghiên cứu cho thấy thuốc rút ngắn thời gian nằm viện song vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở môi trường bệnh viện (khi bệnh nhân được xuất viện sớm hơn), đồng thời tiết kiệm nguồn lực trong đại dịch", giáo sư David Hui Shu-cheong, chuyên gia hô hấp, Đại học Trung Quốc, nhận định.
Remdesivir được dùng cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 năm ngoái và được FDA phê duyệt khẩn cấp ngay sau đó. Thuốc giờ đây có thể sử dụng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về hiệu quả của remdesivir. Họ chỉ ra rằng hiện chưa đủ bằng chứng cho thấy thuốc thực sự ngăn ngừa tử vong. Ngày 19/11/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng remdesivir.
Hội đồng chuyên gia thuộc nhóm Phát triển Hướng dẫn (GDG) đánh giá dựa trên bằng chứng từ 4 cuộc thử nghiệm lâm sàng, với hơn 7.000 bệnh nhân tham gia. Hội đồng kết luận thuốc remdesivir phải được tiêm tĩnh mạch, do đó tốn kém và phức tạp trong quản trị, không mang lại hiệu quả có ý nghĩa đến tỷ lệ tử vong hoặc các kết quả quan trọng khác cho bệnh nhân.
Dù vậy, khuyến nghị này không ảnh hưởng đến Mỹ. Theo chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Gilead Sciences, ông Daniel O'Day, cứ hai người Mỹ nhập viện vì Covid-19 thì một người điều trị bằng remdesivir. Liệu trình 5 ngày có giá 3.120 USD. Công ty đã kiếm được 2,8 tỷ USD từ thuốc chỉ trong năm 2020.
Giữa tháng 5 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản quyết định cho sử dụng thuốc remdesivir để điều trị Covid-19. Thuốc được cấp phép khẩn cấp, 4 ngày sau khi nhà sản xuất Gilead nộp đơn xin phê duyệt tại nước này.
Hàn Quốc bắt đầu sử dụng thuốc kháng virus remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 1/7 năm ngoái. Thuốc ưu tiên cho các bệnh nhân nặng, thở máy.
Cùng tháng, Ủy ban châu Âu chấp thuận có điều kiện với remdesivir. Bác sĩ được sử dụng thuốc cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đây trở thành phương pháp điều trị đầu tiên cho Covid-19 trong khu vực. Động thái diễn ra chỉ một tuần sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh, cho phép dùng remdesivir đối với người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, có triệu chứng viêm phổi và cần hỗ trợ oxy.
‘Cấp phép ra thị trường có điều kiện' là một trong những cơ chế quản lý được EU tạo ra để tiếp cận sớm các loại thuốc đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp, chẳng hạn đối phó với đại dịch như hiện nay. Quyết định có hiệu lực tại khu vực trong vòng một năm, có thể được gia hạn hoặc cấp phép vĩnh viễn nếu nhà sản xuất cung cấp đủ dữ liệu cần thiết, cho thấy hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm. Đến nay, châu Âu chưa có quyết định mới.
Gần một năm rưỡi trong đại dịch, thuốc điều trị Covid-19 vẫn là một thách thức lớn với cả thế giới. Bản thân remdesivir không dễ dùng trên người, cần truyền tĩnh mạch và theo dõi vài ngày trong bệnh viện. Nhà sản xuất Gilead cho biết ở dạng viên, thuốc sẽ bị gan phân hủy trước khi đi đến máu.
Thục Linh (Theo SCMP, Reuters, WSJ)