Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) đăng tải trên Tạp chí Y học New England ngày 22/5. Remdesivir đang là niềm hy vọng lớn nhất về thuốc chữa Covid-19, đã được Mỹ chấp thuận dùng cho các ca khẩn cấp. Nhật Bản sẽ sớm cấp phép bán trên thị trường.
Bác sĩ tiến hành thử nghiệm trên 1.063 bệnh nhân. Họ phát hiện thuốc rút ngắn quá trình nằm viện từ 15 ngày xuống còn khoảng 11 ngày. Tuy nhiên 7% người dùng remdesivir vẫn qua đời.
"Kết quả sơ bộ cho thấy remdesivir có tác dụng vượt trội so với giả dược, nên sử dụng cho các ca Covid-19 phải thở oxy. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân vẫn ở mức cao. Rõ ràng, chỉ điều trị bằng thuốc kháng virus thôi là chưa đủ", báo cáo viết.
Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Hong Kong đã thử kết hợp ba loại thuốc, trong đó có remdesivir, để so sánh với việc sử dụng độc lập. Kết quả cho thấy tải lượng nCoV ở các bệnh nhân nhẹ và trung bình giảm đáng kể. Họ âm tính sau 7 ngày, nhanh hơn gấp đôi so với nhóm còn lại, chỉ dùng remdesivir.
Nghiên cứu của NIAID rất quan trọng bởi đây là thử nghiệm mù đôi (cả bác sĩ và bệnh nhân đều không biết mình phân phát hay được nhận loại thuốc nào), có giả dược và nhóm đối chứng. Điều này đảm bảo tính khách quan tuyệt đối của dữ liệu.
Cũng theo báo cáo, thuốc đặc biệt hiệu quả đối với những người bệnh phải thở oxy không xâm nhập. Bên cạnh đó, remdesivir không gây quá nhiều tác dụng phụ, có vẻ an toàn hơn giả dược.
Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục quá trình nghiên cứu. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ sớm được công bố.
"Báo cáo sơ bộ của chúng tôi nhằm khuyến nghị bác sĩ lâm sàng xem xét việc dùng remdesivir", các nhà khoa học viết.
Covid-19 đến nay chưa có phương pháp điều trị chính thức. Trên thế giới có khoảng 72 thử nghiệm lâm sàng đang gấp rút diễn ra. 8 loại thuốc/liệu pháp được kỳ vọng bao gồm remdesivir, favipiravir, tocilizumab, baricitinib, acalabrutinib, liệu pháp huyết tương và steroid.
Thục Linh (Theo CNN)