Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học New England hôm 28/5, có sự tham gia của giáo sư David Hui Shu-cheong, chuyên gia hô hấp, Đại học Trung Quốc. Kể từ ngày 6/3 đến 26/3, các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm với 397 bệnh nhân Covid-19, tại các bệnh viện Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Tất cả đều trên 12 tuổi, có triệu chứng nghiêm trọng nhưng chưa phải thở máy.
Tình nguyện viên được chia thành hai nhóm. 200 người sử dụng remdesivir trong 5 ngày. Số còn lại, bệnh nặng hơn, dùng thuốc 10 ngày. Mức độ hồi phục của họ được đánh giá trên thang điểm 7.
Trong hai tuần, tình trạng sức khỏe của 67% bệnh nhân cải thiện ở mức 2/7, cao hơn đôi chút so với nhóm thứ hai. Sau khi điều chỉnh thông số, các nhà nghiên cứu kết luận: thay đổi thời gian dùng thuốc không tạo ra sự khác biệt quá lớn. Tỷ lệ tình nguyện viên khỏi và tử vong do Covid-19 là như nhau.
"Nghiên cứu cho thấy thuốc rút ngắn thời gian nằm viện mà không làm ảnh hưởng đến cả quá trình điều trị. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở môi trường bệnh viện và bảo đảm nguồn cung hạn chế trong thời kỳ đại dịch", giáo sư Hui nhận định.
Hong Kong cũng đang thử nghiệm remdesivir trên 30 bệnh nhân, kết quả sẽ sớm có trong tương lai.
Hôm 22/5, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAD) công bố dữ liệu chi tiết của nghiên cứu giai đoạn hai, cho thấy phải kết hợp thuốc với phương pháp khác mới đủ hiệu quả điều trị Covid-19.
"Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân vẫn ở mức cao. Rõ ràng, chỉ sử dụng thuốc kháng virus thôi là chưa đủ", báo cáo viết.
Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Hong Kong đã thử kết hợp ba loại thuốc, trong đó có remdesivir, để so sánh với việc sử dụng độc lập. Kết quả cho thấy tải lượng nCoV ở các bệnh nhân nhẹ và trung bình giảm đáng kể. Họ âm tính sau 7 ngày, nhanh hơn gấp đôi so với nhóm còn lại, chỉ dùng remdesivir.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, thuốc đã nhận được sự chú ý của giới chuyên gia và công chúng, trở thành niềm hy vọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Trong tháng 5, Mỹ và Nhật Bản tiên phong phê duyệt sử dụng remdesivir trong các trường hợp khẩn cấp.
Covid-19 đến nay chưa có phương pháp điều trị chính thức. Trên thế giới có khoảng 72 thử nghiệm lâm sàng đang gấp rút diễn ra. 8 loại thuốc/liệu pháp được kỳ vọng bao gồm remdesivir, favipiravir, tocilizumab, baricitinib, acalabrutinib, liệu pháp huyết tương và steroid.
Thục Linh (Theo SCMP)