Năm ngoái, Mỹ chi hơn 18 tỷ USD tài trợ các công ty nghiên cứu vaccine Covid-19, thu lại 5 loại vaccine hiệu quả cao trong thời gian kỷ lục. Giờ đây, chính phủ rót hơn ba tỷ USD cho một lĩnh vực bị bỏ quên: phát triển thuốc uống để điều trị bệnh nhân trong giai đoạn đầu, tiềm năng cứu sống nhiều người hơn trong những năm tới.
Chương trình mới có tên gọi Chiến lược Phát triển Chống Covid-19, được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh công bố ngày 17/6. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng của một số ứng viên triển vọng. Nếu mọi việc suôn sẻ, loại thuốc đầu tiên sẽ ra mắt cuối năm nay. Chương trình hỗ trợ nghiên cứu các thuốc hoàn toàn mới, điều trị Covid-19 và các loại virus có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
Các bệnh như HIV và viêm gan C đã có thuốc hiệu quả. Song sau hơn một năm nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được giải pháp tương tự cho Covid-19. Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed) của chính quyền Donald Trump đầu tư nhiều tiền của vào phát triển vaccine hơn là phương pháp điều trị. Đây là lỗ hổng mà chương trình mới cố gắng lấp đầy.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), bày tỏ kỳ vọng vào một tương lai nơi người nhiễm nCoV có thể mua thuốc kháng virus dễ dàng, ngay khi có kết quả dương tính hoặc phát triển triệu chứng.
"Nếu thức dậy vào buổi sáng, cảm thấy không khỏe, mất khứu giác và vị giác hay bị đau họng, tôi có thể gọi ngay có bác sĩ của mình và bảo ‘Tôi bị Covid-19 rồi, hãy kê đơn cho tôi'", ông nói.
Sự ủng hộ của ông Fauci với thuốc kháng virus bắt nguồn từ kinh nghiệm chống dịch AIDS cách đây ba thập kỷ. Những năm 1990, NIAID tiến hành nghiên cứu thuốc kháng virus đầu tiên cho HIV. Đây là loại chất ức chế giúp giảm lượng virus xuống mức tối thiểu, dù phải dùng cả đời.
Đầu những năm 2000, các nhà nghiên cứu điều chế được thuốc kháng virus sofosbuvir chữa viêm gan C, tác dụng gần như 100%. Họ cũng phát triển thành công Tamiflu cho bệnh cúm, rút ngắn thời gian khỏi bệnh và giảm nguy cơ nhập viện.
Đầu dịch, các nhà nghiên cứu thử nghiệm thuốc kháng virus ở người có triệu chứng nghiêm trọng, song phần lớn vô tác dụng. Họ sớm nhận ra điều trị bằng thuốc khi người bệnh đã chuyển nặng và nhập viện là lựa chọn sai lầm. Thời điểm tốt nhất để tiêu diệt nCoV là những ngày đầu, virus đang nhân lên nhanh chóng và hệ miễn dịch chưa thể phòng thủ.
Khi chớm nhiễm bệnh, nhiều người tự khỏi trong thời gian ngắn. Số khác, hệ miễn dịch bắt đầu phản ứng thái quá, phá hủy mô thay vì virus. Đây là tình trạng bão cytokines, khiến nhiều người nhập viện hoặc đột ngột chuyển nặng dù lượng nCoV trong cơ thể giảm dần. Vì vậy, loại thuốc ngăn virus nhân lên trong giai đoạn đầu có thể vô tác dụng với người đã tiến triển nặng.
Đến nay, thuốc kháng virus điều trị nCoV hiệu quả và phổ biến là remdesivir. Thuốc tiêm tĩnh mạch, giúp rút ngắn quá trình điều trị Covid-19. Tháng 10/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp remdesivir.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị ngừng dùng thuốc vì nó không cải thiện tỷ lệ sống sót và không giúp bệnh nhân hồi phục. Remdesivir sẽ hiệu quả hơn nếu được sử dụng sớm dưới dạng viên uống, thay vì tiêm tĩnh mạch.
Các nhà khoa học khắp thế giới đang nghiên cứu loại thuốc kháng virus ở dạng viên, gọi là molnupiravir. Thuốc do Đại học Emory phát triển năm 2019, từng được thử nghiệm chữa cúm và viêm não ngựa ở Venezuela. Nghiên cứu của họ ấn tượng đến mức được "gã khổng lồ" Merck tiếp cận và hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng cho người mắc Covid-19.
Daria Hazuda, phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vaccine tại hãng dược Merck, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng loại thuốc này thực sự tuyệt vời".
Nhưng trong thử nghiệm trên bệnh nhân phải nhập viện, molnupiravir dường như không có tác dụng. Tháng 4, công ty thông báo hủy nghiên cứu. Tiến sĩ Tim Sheahan, chuyên gia virus Đại học Bắc Carolina, nói: "Tôi không ngạc nhiên khi thấy loại thuốc này không hiệu quả với người đã đổ bệnh vài ngày rồi".
Merck khởi động nghiên cứu thứ hai vào mùa thu năm ngoái, lần này thử nghiệm thuốc trên người vừa mắc Covid-19. Hãng đang tuyển các tình nguyện viên có nguy cơ nhiễm nCoV cao, chẳng hạn người lớn tuổi và bị tiểu đường. Kết quả nghiên cứu dự kiến được công bố vào tháng 10.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ chỉ tập trung đầu tư cho một vài loại thuốc, chẳng hạn kháng thể đơn dòng và remdesivir. Các nghiên cứu thuốc kháng virus khác rất nhỏ và thiếu kinh phí. Tháng 1, chính quyền Joe Biden bắt đầu thành lập chương trình mới, tài trợ riêng cho loại thuốc này.
Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh tuần trước thông báo sẽ chi 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liều molnupiravir từ Merck, với điều kiện thuốc được FDA cấp phép. Theo tiến sĩ David Kessler, giám đốc khoa học đội đặc nhiệm Covid-19 của ông Biden, chính phủ có thể đưa ra thỏa thuận tương tự với các thuốc kháng virus khác đang trong thử nghiệm lâm sàng.
Một trong những ứng viên nòng cốt đang được xem xét là AT-527, do Atea Pharmaceuticals phát triển. Hợp chất được chứng minh là an toàn và hiệu quả điều trị viêm gan C. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có thể chống lại Covid-19. Roche đã hợp tác với Atea để thử nghiệm thuốc trên người.
Loại thuốc khác trong tầm ngắm thuộc về Pfizer, ban đầu dùng cho bệnh SARS. Thuốc đã bị bỏ quên nhiều năm, song mùa xuân 2020, các nhà khoa học quyết định sửa đổi cấu trúc để biến nó thành phương pháp điều trị Covid-19.
Thuốc có tên gọi PF-07321332, vốn thuộc loại tiêm tĩnh mạch, song được điều chỉnh thành dạng viên uống. Trong thí nghiệm trên chuột, thuốc đủ mạnh để ngăn chặn Covid-19. Pfizer khởi động thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3, dự kiến chuyển sang giai đoạn hai vào tháng tới.
Dựa vào lịch sử nghiên cứu, tiến sĩ Fauci thừa nhận các loại thuốc kháng virus sẽ không quá hữu dụng trong việc chống Covid-19. Song ông coi đây là khởi đầu thuận lợi.
"Với các thuốc từng phát triển trong nhiều năm, chúng tôi chưa bao giờ thành công ngay từ lần đầu tiên. Nhưng chạy việt dã cũng tốt", ông nói.
Chính phủ Mỹ sẽ chi tới 1,2 tỷ USD cho các trung tâm nghiên cứu để thử nghiệm nhiều loại thuốc Covid-19. Một số tấn công vào protein nCoV, số khác khiến virus không thể sao chép gene.
Dù nhiều năm nữa thế hệ thuốc tiếp theo mới ra mắt, các nhà khoa học coi đây là khoản đầu tư hiệu quả. Mark Namchuk, giám đốc khoa trị liệu tại Trường Y Harvard, nhận định: "Nó có thể giúp đối phó với đại dịch này, cung cấp phòng tuyến cho đại dịch tiếp theo".
Thục Linh (Theo NY Times)