Bộ Y tế ngày 6/3 quyết định phân phối vaccine dựa trên đề xuất số lượng từ các sở y tế, bệnh viện điều trị Covid-19. Cụ thể, trong đợt một, vaccine AstraZeneca được phân phối như sau:
Các địa phương:
1. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội: 8.000 liều.
2. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương: 32.000
3. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM: 8.000
4. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh: 3.800
5. Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng: 2.800
6. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Ninh: 2.100
7. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hòa Bình: 1.600
8. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hưng Yên: 3.100
9. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang: 3.100
10. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai: 1.800
11. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Giang: 1.700
12. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương: 1.200
13. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Điện Biên: 1.800
14. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: 30.000
Các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19:
1. Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương: 300
2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2: 500
3. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: 450
4. Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh: 200
5. Bệnh viện dã chiến Gia Lai: 100
6. Bệnh viện dã chiến Củ Chi: 150
7. Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh: 400
8. Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh: 800
9. Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2: 200
10. Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ: 100
11. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: 150
12. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự: 350
13. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương: 500
14. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa: 100
15. Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh: 100
16. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: 100
17. Trung tâm Y tế huyện Long Điền (Bà Rịa Vũng Tàu): 200
18. Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang): 100
19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM: 900
20. Trung tâm Y tế TP Chí Linh: 100
21. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương: 100
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách việc tiếp nhận, vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách này. Viện cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine Covid-19.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý.
Ngoài ra, 600 liều vaccine Covid-19 được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long hôm nay cho biết lượng vaccine ít, không thể phân bổ 63 địa phương mà chỉ có thể điều phối một phần cho 13 tỉnh, thành có dịch.
Bộ Y tế đang phối hợp tích cực làm việc với đối tác nước ngoài để chuyển sớm vaccine về Việt Nam, hy vọng tháng 3 có thể có thêm 1,3 triệu liều vaccine trong chương trình Covax Facility. Sau đó, tháng 4 và 5, nguồn cung vaccine tiếp tục tăng lên. Do số lượng vaccine ít nên tập trung ưu tiên 11 nhóm đối tượng và nhóm trực tiếp tham gia phòng chống dịch.
Ngày 8/3, Việt Nam sẽ triển khai đợt đầu tiêm tại Hải Dương và một số cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Sau đó sẽ tiêm tiếp cho các vùng dịch tại 12 tỉnh, thành phố có dịch Covid-19.
Ba Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tại các điểm tiêm đầu tiên trong ngày 8/3. Công tác triển khai tiêm chủng giai đoạn đầu sẽ thực hiện rất thận trọng, theo dõi, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tiêm diện rộng thời gian tới.
"Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm càng nhanh càng tốt, tăng độ bao phủ. Riêng với vaccine của AstraZeneca, Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau 3 tháng", Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt các cán bộ tiêm chủng thực hiện nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, có phương án xử lý chống sốc, sốc phản vệ...
Đối với các địa phương chưa được phân bổ vaccine, ông Long yêu cầu lên sẵn kế hoạch, chương trình đào tạo tập huấn vì tháng 3, khi có thêm hơn 1,3 triệu liều từ chương trình COVAX, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay để triển khai tiêm.