Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 Chương, 121 Điều, được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành là 78%, 51 người không tán thành và 36 người không biểu quyết.
So với Luật khám chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, như lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia. Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá.
Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.
Liên quan tới tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.
Viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.
Thời gian qua, hầu hết bệnh viện công hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần theo Nghị định 60; có 4 bệnh viện trong đề án thí điểm tự chủ toàn diện là Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP HCM). Tuy nhiên ngay từ đầu, Chợ Rẫy và Việt Đức xin không thí điểm tự chủ toàn diện, còn giữ năm ngoái Bạch Mai và K lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ một phần. Lý do là các viện gặp nhiều khó khăn về tài chính, không được tự quyết giá các dịch vụ khám chữa bệnh mà phải theo khung giá do Bộ Y tế quy định.
Như vậy, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đã cởi những vướng mắc quy định pháp luật này, trao quyền tự quyết tài chính nhiều hơn cho các bệnh viện.

Người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Về giá dịch vụ khám bệnh, Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.
HĐND cấp tỉnh quy định giá khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế.
Bệnh viện công lập áp dụng giá với người không có thẻ BHYT dùng dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải loại hình theo yêu cầu. Viện cũng được tự quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu nhưng phải kê khai.
Bệnh viện tư được quyết định và kê khai, niêm yết giá. Còn bệnh viện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quyết định giá khám chữa bệnh theo pháp luật về PPP.
So với Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh như chi phí nhân công, thuốc, hóa chất, chi phí khấu hao thiết bị y tế, chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế... Như vậy, quy định mới sẽ giải quyết được vấn đề "tính đúng tính đủ" giá khám chữa bệnh mà nhiều bệnh viện phản ánh là "lạc hậu", "chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành" thời gian qua.
Về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư để thành lập cơ sở y tế tư nhân; được vay vốn, thuê mượn thiết bị...
Thực tế, hơn 90% thiết bị y tế, chẩn đoán hình ảnh phục vụ khám chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện là máy mượn, máy đặt. Tuy nhiên, theo cơ quan BHYT, loại hình máy mượn, máy đặt chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nào, do đó bệnh viện không được phép dùng, bệnh nhân sử dụng dịch vụ chẩn đoán từ loại hình máy này không được BHYT chi trả... Quy định này vấp nhiều phản ứng từ các bệnh viện do ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và làm giảm nguồn thu của viện. Đến cuối năm 2022, loại hình máy mượn, máy đặt đã được cho phép trở lại bệnh viện.
Luật khám chữa bệnh 2009 được Quốc hội khóa XII thông qua, sau nhiều năm triển khai bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, cần sửa đổi. Năm 2019, các cơ quan tiến hành xây dựng dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi. Chiều 9/1, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, hiệu lực từ 1/1/2024, trừ một số điều về đánh giá năng lực hành nghề y, Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh... có hiệu lực muộn hơn.
Trước khi dự luật được thông qua, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), khẳng định: Với 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra.
Đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân...
Lê Nga