Nghị quyết thí điểm tự chủ 4 bệnh viện được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua ngày 19/5. Cơ chế tự chủ giúp bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân...
Để thực hiện, Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý, cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện với thời gian tối đa 2 năm. Hội đồng quản lý có 7-11 người trong đó gồm một đại diện của Bộ Y tế.
Hội đồng quản lý bệnh viện có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh. Chủ tịch Hội đồng quản lý phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư.
Bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 25 trong số 42 bệnh viện tuyến trung ương (trong đó có 7 bệnh viện trường đại học) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, tiết kiệm hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách.
Bộ Y tế sẽ chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương ở địa phương cho UBND tỉnh quản lý. Trực thuộc Bộ Y tế còn khoảng 20 bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.
Năm 2018 ngân sách cấp cho các bệnh viện giảm 3.195 tỷ đồng so với 2017, riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 76 tỷ đồng.