Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương dừng thanh toán bảo hiểm y tế dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, dựa trên quyết định của Bộ Y tế bãi bỏ công văn liên quan. Điều này khiến nhiều bệnh viện bất ngờ rơi vào thế khó vì ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh cũng như quyền lợi, tính mạng của người bệnh. Hai hôm trước, Bộ Y tế họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thống nhất cho phép các bệnh viện tiếp tục thanh toán cho đến khi hết hợp đồng đã ký kết và có những hướng dẫn phù hợp sau đó. Tuy nhiên, đến nay các bệnh viện vẫn chưa nhận được công văn chính thức về vấn đề này.
Những năm qua, hầu hết máy móc xét nghiệm của nhiều bệnh viện phần lớn là mượn, đặt từ các đơn vị hợp tác thay vì tự mua sắm, bởi ưu thế về kinh tế, đáp ứng yêu cầu về chẩn đoán, điều trị bệnh. Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy - cơ sở đa khoa tuyến cuối đóng trên địa bàn TP HCM, các cơ sở y tế công lập như bệnh viện này thời gian qua không được đầu tư mới nhiều thiết bị hiện đại thực hiện các cận lâm sàng, xét nghiệm. Phần lớn trang thiết bị y tế là tài sản công đã cũ kỹ, xuống cấp, năng suất thấp, lạc hậu cả về chức năng lẫn tuổi thọ.
Trong khi đó, các đơn vị đấu thầu vật tư, hóa chất có chính sách nếu trúng thầu thì sẽ cho mượn, đặt các máy xét nghiệm để chạy hóa chất đó. Đây là những hệ thống máy móc hiện đại, được cập nhật, bảo trì, bảo hành, đào tạo và cho bệnh viện mượn không tính phí.
Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các máy xét nghiệm hiện đại đều sử dụng hóa chất "đóng", tức hóa chất sử dụng theo loại máy của hãng sản xuất. Vì vậy, nếu bệnh viện tự đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm thì bệnh viện cũng phải thực hiện đấu thầu mua sắm đúng loại hóa chất tương thích với hệ thống máy đã mua. Khi ấy gây lãng phí kinh phí của nhà nước để đầu tư mua máy xét nghiệm, thay vì vẫn được các hãng đặt không tính phí. Những hệ thống này thường có quy trình vận hành tự động, tiết kiệm nhân lực, công suất cao, rút ngắn thời gian, từ đó giảm quá tải, kết quả xét nghiệm chính xác để giúp chẩn đoán đúng, tránh bỏ sót bệnh. Hệ thống thiết bị hiện đại sẽ phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, thực hiện liên thông xét nghiệm, kết nối hiệu quả giữa các cơ sở.
Trong công văn kiến nghị gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội vào tuần trước, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất là một thực tiễn khách quan mang tính lịch sử. Đây là hình thức phù hợp thực tiễn và tối cần thiết để duy trì hoạt động của bệnh viện nhằm chăm sóc và điều trị bệnh nhân khi nguồn ngân sách đầu tư cho thiết bị y tế hạn chế. Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công nhưng vì nhiều lý do khách quan và điều kiện ràng buộc, đến nay dù đã tích cực thực hiện, bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện thuê các hệ thống máy xét nghiệm.
Hiện, khoảng 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện nay hoạt động tại Chợ Rẫy là máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, đặc biệt là khi Chợ Rẫy chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng, vượt khả năng của các bệnh viện tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên, với trung bình hơn 1,5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú và 150.000 bệnh nhân nội trú mỗi năm.
Theo đại diện Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, giả sử trên cùng một hệ thống máy xét nghiệm, nếu mua máy mới, được sở hữu vĩnh viễn nhưng nhà nước phải trả tiền mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định, kiểm chuẩn, chi phí lắp đặt, chi phí vận hành (như kỹ sư, kỹ thuật viên bảo trì, linh kiện thay thế), rất khó nghiên cứu khoa học vì sau vài năm, máy không có tính năng mới để tiến hành nghiên cứu, khó thay mới hoặc nâng cấp. Giá hóa chất chưa chắc thấp hơn đặt máy hay thuê vì bệnh viện đã mua máy, không thể linh động có máy khác ngay, nhà cung cấp sẽ độc quyền về giá.
Chuyên gia này cũng cho biết với hình thức thuê máy, nhà nước vẫn tốn nhiều chi phí nhưng tùy theo nhu cầu chuyên môn có thể thay mới hoặc nâng cấp, linh động thuê máy trong trường hợp trúng thầu hóa chất. Riêng với hình thức mượn, đặt trúng thầu hóa chất, nhà nước không phải trả các chi phí mua máy, bảo dưỡng, kiểm định, vận hành, lắp đặt; dễ dàng thay máy mới hoặc nâng cấp. Đồng thời, rất nhiều nghiên cứu khoa học mới có thể thực hiện vì máy luôn được nâng cấp tính năng ứng dụng mới, nhà cung cấp hóa chất luôn luôn hỗ trợ chi phí nghiên cứu; chủ động thuê máy khi trúng thầu hóa chất; tùy theo nhu cầu chuyên môn có thể thay mà không tốn tiền.
Bệnh viện K, tuyến cuối chuyên ngành ung bướu thuộc Bộ Y tế, có 2.400 giường bệnh ở ba cơ sở tại Hà Nội, đa số thiết bị thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cũng là máy mượn, máy đặt. Trong công văn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện K cho rằng việc sử dụng các máy đặt theo hợp đồng cung cấp hóa chất trúng thầu giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, do vật tư, hóa chất được đấu thầu công khai, minh bạch, đơn vị sử dụng không phải đầu tư mua sắm thiết bị và giá dịch vụ tuân thủ theo khung giá khám chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành. Hệ thống máy móc hiện đại được cho mượn đã phục vụ hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là xét nghiệm huyết học, vi sinh, sinh hóa, miễn dịch, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử... Trung bình, mỗi năm nơi này thực hiện 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, một triệu xét nghiệm huyết học - vi sinh, 35.000 xét nghiệm hóa mô miễn dịch và 10.000 xét nghiệm sinh học phân tử.
Bác sĩ giám đốc một bệnh viện đa khoa tuyến quận tại TP HCM (không muốn nêu tên) - nơi sử dụng hơn 80% máy mượn - chia sẻ là ngoài những vấn đề trên, việc chi tiền mua máy có thể làm chậm trễ việc điều trị của người bệnh. Bác sĩ này phân tích, chẳng hạn sau khi trúng thầu hóa chất, bệnh viện mới đi mua máy dùng được hóa chất đó thì phải làm thủ tục đầu thấu, đợi chờ phê duyệt kinh phí từ ngân sách, có thể tốn thời gian cả năm, đồng nghĩa người bệnh sẽ không có máy xét nghiệm trong thời gian chờ đợi này. Sau đó, máy dùng được một năm, nếu đấu thầu trúng hóa chất khác thì lại phải tiếp tục mua máy khác, trong khi mỗi máy xét nghiệm có thể tốn vài trăm triệu đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ đồng.
"Nếu tiếp tục dùng lại hệ thống máy cũ đã mua, phải bắt buộc dùng loại hóa chất của chính máy đó, việc mua sắm này sẽ không khác gì chỉ định thầu, càng dễ nảy sinh tiêu cực. Chưa kể, mua xong nếu máy lỗi thời vẫn tiếp tục sử dụng thì có thể không đáp ứng yêu cầu điều trị, người bệnh sẽ không được xét nghiệm bằng những hệ thống hiện đại cập nhật liên tục ngoài thị trường", vị giám đốc nói và nhấn mạnh "ngay cả các cơ sở y tế tư nhân cũng chủ yếu là mượn máy".
Trong bối cảnh các bệnh viện được giao tự chủ thu chi thường xuyên, nếu không mua bằng tiền ngân sách mà bệnh viện tự vay tiền đầu tư, các chi phí khấu hao máy móc bắt buộc phải tính vào tiền khám chữa bệnh của bệnh nhân. Các chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm cũng tốn số tiền không nhỏ, trong khi cơ cấu giá viện phí hiện nay chưa có những khoản này, bệnh nhân sẽ thiệt và cơ sở y tế cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP HCM cũng cho rằng "việc tổ chức đấu thầu máy móc trang thiết bị xét nghiệm không phù hợp với thực tế", trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cũng như nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện còn hạn chế, đa số các máy xét nghiệm là máy thế hệ mới, máy đóng, chỉ sử dụng được hóa chất của hãng. Việc đầu tư máy xét nghiệm có thể không hiệu quả vì chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí sửa chữa phát sinh, máy nhanh chóng lỗi thời, hóa chất theo máy không trúng thầu...
Các bệnh viện cho rằng với những lợi ích mà việc mượn máy mang lại, vấn đề quan trọng cần đặt ra là nhà nước kiểm soát giá thống nhất trên toàn quốc một cách có hệ thống và chặt chẽ, tránh những vấn đề phát sinh, tiêu cực trong mua sắm vật tư, hóa chất. Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất đưa hóa chất xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá, đàm phán giá cấp quốc gia (giống như biệt dược gốc). Các bệnh viện sẽ thực hiện mua sắm theo giá quy định của Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia. Theo đó, khi quản lý được giá hóa chất thì việc thực hiện xét nghiệm trên máy mượn, máy đặt hoặc máy tự đầu tư sẽ không còn là vấn đề khác biệt nữa.
Giám đốc bệnh viện tuyến quận kiến nghị nếu trong luật pháp về đấu thầu hiện nay có những quy định không đảm bảo thì cần điều chỉnh, gỡ rối bằng những thông tư, hướng dẫn phù hợp. Khi giá vật tư, hóa chất công khai, minh bạch, các bệnh viện yên tâm mua sắm. "Cơ sở nào cố tình làm sai thì xử lý nơi đó, thay vì cấm luôn hình thức mượn máy với rất nhiều lợi ích, tiết kiệm cho ngân sách, phù hợp chủ trương kêu gọi, khuyến khích các nguồn lực xã hội cùng chăm lo y tế của Chính phủ", giám đốc này nói.
Lê Phương