Bộ Y tế cho biết như trên trong báo cáo gửi Thủ tướng về việc mua vaccine Covid-19, ngày 26/4.
Theo báo cáo, hiện cả nước có 19,4 triệu người là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, được ưu tiên và miễn phí tiêm vaccine. Trong đó, nhiều nhất là TP HCM 1,56 triệu người; ít nhất là Bắc Kạn với 41.700 người. Sau khi tổ chức tiêm đợt hai, một số địa phương có tâm lý e ngại tiêm, một số người không thuộc nhóm chỉ định tiêm đã trì hoãn, nên nhu cầu thực tế có thể giảm so với số lượng trên.
Năm 2020 Bộ Y tế đề nghị cơ chế Covax Facility của Liên Hợp Quốc hỗ trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Tháng 12/2020, Covax xác nhận sẽ hỗ trợ Việt Nam tiêm vaccine cho khoảng 20% dân số. Tuy nhiên sau đó Covax cho biết chỉ cung cấp 30 triệu liều để tiêm cho khoảng 15-16% dân số.
Bộ Y tế tiếp tục đàm phán. Ngày 15/4, Covax thông báo sẽ cung cấp 38,9 triệu liều vaccine Astra Zeneca, đủ tiêm cho 20% dân số. Bộ Y tế cho rằng số lượng vaccine này đủ tiêm cho 19,4 triệu người thuộc diện ưu tiên.
Trước khi Covax thông báo hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam, Bộ Y tế dự kiến mua lại của Công ty VNVC 10 triệu liều. Sau khi nhận cam kết bổ sung từ Covax, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ không mua tiếp vaccine, "vì đã đáp ứng đủ cho nhóm ưu tiên". Bộ đồng thời đề nghị mua 107.600 liều đã tiếp nhận của VNVC theo Luật đấu thầu hoặc huy động từ nguồn xã hội hóa.
Đến nay, ngoài vaccine do Covax cung cấp, Việt Nam có nguồn 30 triệu liều vaccine do Công ty VNVC đặt mua của Astra Zeneca, hiện đã giao 117.600 liều. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức xã hội hóa để tiêm cho những người có nhu cầu, nhằm tăng miễn dịch cộng đồng, phục vụ phát triển kinh tế và phòng chống dịch.
"Dù đề xuất xã hội hóa việc mua, nhập khẩu và sử dụng vaccine, Bộ Y tế vẫn là đầu mối chỉ đạo chung, phân cấp, định hướng", một lãnh đạo Bộ Y tế (không muốn nêu tên) nói với VnExpress ngày 27/4.
Đến nay 259.736 người đã được tiêm chủng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội...