Sáng 19/4, trả lời báo chí về những lo ngại liên quan đến tiêm vaccine AstraZeneca, PGS Dương Thị Hồng nói khẳng định "Việt Nam luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng song song với tăng cường độ bao phủ vaccine cho người dân".
Theo bà Hồng, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine, đầu tiên là bắt buộc khám sàng lọc sức khỏe rồi mới chỉ định tiêm. "Chúng tôi sử dụng hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm, thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được triển khai bài bản hơn 10 năm nay", bà Hồng nói.
Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết các cơ quan ghi nhận phản ứng sau tiêm vaccine hằng ngày. "Cuối giờ chiều hàng ngày, Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhận được báo cáo của tất cả các địa phương trên toàn quốc về số lượng người đã tiêm, số người phản ứng sau tiêm. Trên cơ sở này, chúng tôi nắm được tổng thể về mức độ an toàn trong quá trình tiêm", bà Hồng cho biết.
Tất cả nhân viên y tế tham gia tiêm chủng đều được tập huấn về cách sử dụng vaccine, xử trí trường hợp phản ứng nặng. Việc tập huấn này được hướng dẫn bởi các chuyên gia hồi sức cấp cứu, lâm sàng. "Việc tiêm vaccine ở Việt Nam luôn có hệ thống điều trị đi kèm", bà Hồng nói.
Theo bà, dù Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau khi tiêm vacicne Astra Zeneca, nhưng Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn về an toàn tiêm chủng. Quá trình xây dựng hướng dẫn này có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đề cập cách xử trí nếu xảy ra trường hợp rối loạn đông máu sau tiêm. "Chúng tôi cũng sẽ soạn tài liệu phổ biến cho người dân cách nhận biết về các triệu chứng bất thường sau tiêm. Chẳng hạn, nếu có triệu chứng đau bụng, đau đầu bất thường, sau một vài ngày không giảm thì cần báo cho bác sĩ để có phác đồ điều trị kịp thời", PGS Dương Thị Hồng nói.
Ngoài ra, Việt Nam đang sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, để người dân khai báo tình trạng sau tiêm vaccine. Cơ quan y tế sẽ tổng hợp, phân tích dữ liệu hằng ngày trên hệ thống này.
Với các biện pháp đảm bảo an toàn nêu trên, bà Hồng cho biết đến nay đã có hơn 80.000 người Việt Nam được tiêm vaccine, trong đó 33% phản ứng sau tiêm. Số người gặp phản ứng tương đương với khuyến cáo của nhà sản xuất và thấp hơn số lượng ghi nhận ở một số quốc gia. "Các trường hợp phản ứng nặng đều được xử trí kịp thời ngay từ khi có biểu hiện nghi ngờ. Đến nay tất cả những người phản ứng nặng khi tiêm vaccine đều đã hồi phục, an toàn để trở lại làm việc bình thường", bà Hồng nói.
Thời gian qua, sau khi xảy ra một số trường hợp rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine Astra Zeneca, một số nước như Đan Mạch... đã dừng sử dụng loại vaccine này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng "không có lý do để ngừng tiêm vaccine Covid-19 của Astra Zeneca".
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 60 triệu liều vaccine Astra Zeneca, trong đó có 30 triệu liều đặt mua; 30 triệu liều do chương trình Covax tài trợ.
Theo nghị quyết về phiên họp Chính phủ hôm 15/4, Bộ Y tế được giao khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21 nhằm có vaccine sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vaccine dịch vụ; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ.