Thứ ba, 25/2/2025

Hỏi bác sĩ

Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.

Tất cả Mới nhất Quan tâm nhất

Chào bác sĩ, em sinh năm 1979, bị viêm cân gan bàn chân (có chụp X quang, bị viêm gân và có gai gót chân ở cả 2 bàn chân). Em bị cả năm hơn rồi, có đi khám thì BS cho uống Arcoxia 60mg và thuốc bôi Voltaren 1 tuần. Tuy nhiên, trong và sau 1 tuần vẫn không giảm đau. Bác sĩ cho em hỏi phải điều trị như thế nào và ở đâu ạ? Em cảm ơn.

Trần Anh Phước

ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Bác sĩ: Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Tình trạng viêm cân gan chân là một bệnh lý khá phổ biến. Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng đau ngay giữa gót chân hoặc quanh gót chân, đặc biệt là khi đi lại, chạy nhảy. Bệnh nhân cũng thường than đau khi ấn vào vị trí này. Bệnh thường gặp ở những người chơi thể thao thường xuyên sử dụng vùng gót chân hoặc những bệnh nhân chạy bộ nhưng sử dụng đế giày cứng...

Để chẩn đoán chính xác, ngoài triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm vùng gan chân phát hiện tình trạng phù nề, tăng tưới máu tại vị trí viêm. Chụp X-quang xương gót chân cũng giúp loại trừ những tổn thương xương kèm theo.

Điều trị chính yếu của bệnh lý này là kháng viêm. Bệnh nhân có thể được sử dụng các thuốc kháng viêm toàn thân như nhóm NSAIDs hay corticoid trong 2-4 tuần tùy theo tình trạng đáp ứng. Một số bệnh nhân nếu không cải thiện có thể tiêm kháng viêm tại chỗ ngay vị trí bị đau.

Ngoài ra, bệnh nhân phải giảm cường độ sử dụng vùng gót chân trong thời gian điều trị, kết hợp các bài tập vật lí trị liệu, chườm lạnh tại chỗ để hỗ trợ giúp tổn thương mau lành và giảm nguy cơ tái phát.

Trân trọng!

Tôi đã khỏi covid hơn 3 tháng, bị di chứng đau 2 xương cùi chỏ, nhất là khi co duỗi và cầm nắm thì rất đau. Xin hỏi bác sĩ uống thuốc gì cho hết? Nếu uống thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp có được không ạ?

Bùi Thị Ngọc Phụng

ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Bác sĩ: Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Tình trạng đau vùng xương cùi chỏ hay thuật ngữ y khoa gọi là đau vùng quanh khớp khuỷu, đặc biệt là đau khi co duỗi, cầm nắm, thường nằm trong các bệnh cảnh như viêm khớp khuỷu hoặc viêm điểm bám lồi cầu xương cánh tay. Để chẩn đoán xác định tình trạng này, bệnh nhân cần được thăm khám trực tiếp, siêu âm tìm các tín hiệu viêm, chụp X-quang khảo sát tổn thương xương.

Nếu chẩn đoán xác định là viêm khớp hay viêm điểm bám gân, bệnh nhân có thể được sử dụng các thuốc kháng viêm toàn thân như nhóm NSAIDs hay corticoid trong 2-4 tuần tùy theo tình trạng đáp ứng. Một số bệnh nhân nếu không cải thiện có thể tiêm kháng viêm tại chỗ ngay vị trí bị đau. Ngoài ra vật lí trị liệu, các biện pháp hỗ trợ như chườm lạnh và sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung cũng giúp hỗ trợ việc lành bệnh nhanh hơn.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ theo Hotline 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP.HCM).

Trân trọng!

Bác sĩ cho em hỏi. Con trai của em 6 tuổi, gần đây hay bị đổ máu cam (máu mũi). Cháu bị như thế có ảnh hưởng gì không? Có phải đi khám không? Cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Duy Tân

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Chảy máu cam là một trong những vần đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em. Hầu hết chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần trước của mũi gần với lỗ mũi. Phần mũi này có nhiều mạch máu nhỏ li ti, nên dễ bị vỡ gây chảy máu và thường tái phát. Một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi là chấn thương nhẹ do bé ngoáy mũi, dụi mũi, hắt hơi mạnh, ho mạnh. Ngoài ra, khi niêm mạc mũi bị viêm, khô do tiếp xúc với môi trường nóng và khô quá lâu hay sử dụng thuốc xịt mũi dạng corticoid kéo dài cũng có thể gây chảy máu mũi. Các nguyên nhân ít gặp có thể gây chảy máu mũi bao gồm: dị vật mũi, polype mũi, dị dạng mạch máu mũi, khối u vòm họng hay bệnh lý huyết học. Do đó, bạn có thể đưa bé đến khám tại chuyên khoa Nhi để bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm nếu cần nhằm xác định nguyên nhân gây chảy máu cam và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bé.

Chào bác sĩ, cách đây 5 tháng tôi mổ ruột thừa và bị phản ứng thuốc Biotaksym 1g ở mức co giật. Vậy tôi có thể tiêm vacxin covid-19 được không?

Minh Minh

THS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo như những thông tin mà bạn mô tả, bạn đã mổ ruột thừa được 5 tháng và hiện nay sức khỏe ổn định thì có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường.

Vì tình trạng dị ứng của bạn, nếu bạn có dị ứng với bất kỳ thành phần kháng nguyên nào, nhưng không có trong thành phần của vaccine Covid-19 thì bạn vẫn tiêm ngừa Covid-19. Tuy nhiên, trường hợp dị ứng của bạn thuộc nhóm cẩn trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19, cần tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở có đủ năng lực cấp cứu ban đầu. Khi tiêm, bạn cần cung cấp cho bác sỹ các thông tin và mức độ dị ứng để bác sỹ có thể tư vấn và chỉ định tiêm chủng cụ thể. Ngoài ra, bác sỹ cũng sẽ khám và đánh giá các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước khi chỉ định tiêm chủng. Sau khi tiêm, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ về theo dõi phản ứng sau tiêm, đặc biệt là phát hiện sớm các dấu hiệu của phản vệ và huyết khối để xử trí kịp thời. Trân trọng!

Chào bác sĩ,

Tôi bị hen suyễn 10 năm, tiểu đường 5 năm. tôi đang điều trị hen theo phác đồ vetonin, pulmicort, nước muối sinh lý sáng và tối, gần trưa trưa và chiều uống mỗi lần một viên saputamon và xịt định liều vetonin.

Xin hỏi bác sĩ dùng như vậy có được lâu không và dùng lâu dài có ảnh hưởng gì tới tiểu đường hoặc nội tạng không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Văn Sự

BSNT. Lã Quý Hương, Khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bác, theo những gì bác mô tả thì phác đồ điều trị này chưa phải là phác đồ chuẩn, được khuyến cáo cho những bệnh nhân bị hen phế quản. Do đó, có thể sẽ không tạo ra được tác dụng tối ưu trong kiểm soát bệnh và có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Bác nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa về Hô hấp để được thăm khám, tư vấn, hướng dẫn phác đồ điều trị tốt nhất và phù hợp nhất cho bác nhé. Chúc bác chóng khỏe!

Chào bác sĩ, em 37 tuổi, 3 năm trở lại đây bị ù một bên tai, thỉnh thoảng vài tháng lại bị xây xẩm, chóng mặt. Xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Đỗ Văn Trung

TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Các biểu hiện ù tai, xây xẩm, chóng mặt có thể gặp trong một số tình trạng bệnh lý thuộc hệ thần kinh hay tai mũi họng như bệnh ménière, migraine tiền đình, u dây thần kinh số 8, rối loạn lo âu...Trường hợp của bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh để các bác sĩ khám và nếu cần cho các chỉ định cận lâm sàng liên quan để có chẩn đoán chính xác và điều trị tốt hơn.

Để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM). Chúc bạn sớm khỏe!

Nhờ bác sĩ tư vấn giúp trường hợp bé nhà em ạ. Bé được 2 tháng tuổi. Trước bé đi vệ sinh rất đều hai lần một ngày nhưng khoảng chục ngày nay bé đi nhiều lên từ 4-7 lần/ngày, có lúc còn són phân dính bỉm nữa ạ. Em kiểm tra phân bé thì thấy có nhiều hạt trắng lợn cợn, lần nào cũng có dù đi ít hay nhiều và có nhầy nhưng ít. Phân bé vẫn vàng tươi. Trộm vía bé không quấy khóc gì, cân nặng vẫn duy trì tốt và bú mẹ, ngủ ngoan.
Em mới bổ sung men vi sinh cho bé 4 ngày nay nhưng chưa thấy có cải thiện gì. Em đã làm xét nghiệm soi phân cho bé thì thấy có chỉ số vi khuẩn gram âm giảm, gram dương tăng, nhưng không rõ như vậy là bé bị sao. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp để em biết cách xử lý cho bé nhanh khỏi. Mẹ con em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!

Hoàng Minh Thảo

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội

Chào em,

Theo thông tin em chia sẻ, bé nhà em mới 2 tháng tuổi mà bị đi ngoài nhiều lần, phân lại có nhầy. Các bé bị như thế này cần làm xét nghiệm soi phân và cấy phân để loại trừ nhiễm trùng đường ruột và xem chế độ ăn của bé có thay đổi gì không? Nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì mẹ có bị tiêu chảy không? Nếu uống sữa công thức thì mẹ có thay sữa công thức không? Vệ sinh bình sữa thế nào...

Bên cạnh đó, bé có bị nhiễm trùng các nơi khác như nhiễm trùng đường tiểu, viêm tai giữa, viêm phổi... không? Vì tất cả các nhiễm trùng ở các cơ quan sâu đều có nguy cơ gây tiêu chảy. Một số bé do mẹ cho uống nhiều men tiêu hóa vi khuẩn gram dương sẽ nhiều bất thường gây loạn khuẩn ruột cũng gây tiêu chảy. Do đó, em nên đưa bé đi khám trực tiếp để bác sĩ có thể kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bé nhé. Chúc bé mau khỏe!

Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Nhi Hệ thống BVĐK Tâm Anh, em có thể liên hệ Hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!

Con trai em năm nay 6 tuổi, cháu cứ nhiễu nước miếng từ nhỏ đến nay. Trước đây, em có đến khám tại BV Nhi đồng 1, BS nói khi nào bé lớn, thần kinh bé phát triển hơn bé sẽ hết. Hiện tại bé phát triển tốt so với bạn cùng lứa về nhận biết và ngôn ngữ nhưng vẫn nhiễu. Em mong được BS tư vấn cách chữa hoặc nên đưa cháu khám gì và ở đâu? Cảm ơn BS nhiều!

Nguyễn Thị Thẩm

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Bé từ 4 tuổi trở lên sẽ không còn tình trạng nhiễu nước miếng thường xuyên nữa, hiện con bạn 6 tuổi và còn nhiễu nước miếng, tình trạng này được xem là bất thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bại não, thoái hóa thần kinh, thiếu vitamin B3, nhiễm trùng răng miệng, liệt dạ dày... Vì vậy, bạn nên cho bé đi khám tổng quát ở bệnh viện có chuyên khoa Nhi sớm. Dựa trên đánh giá tổng quát ban đầu, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết cho bạn hoặc hướng dẫn bé khám thêm chuyên khoa sâu (nếu cần). Thân mến!

Dạ em kính chào BS!
Cổ họng em thường có nhớt, mặc dù đã đi khám BS tư rất nhiều. E không hỉ mũi được ra ngoài, mà nước mũi chảy ngược bên trong. Cảm giác rất khó chịu, cứ như bị sặc cơm. Em thường nhức nửa đầu bên trái rất nhiều. Em có vài lần bị rối loạn tiền đình và trào ngược dạ dày. Vì công việc và dịch bệnh nên em chưa đi khám được. Mong BS tư vấn giúp em đỡ trong thời gian ngắn.
Chân thành cảm ơn BS!

Trần Thị Kiều Châu

Xin chào bác sĩ!
Tôi năm nay 37 tuổi. Tôi có xuất hiện tình trạng tê bàn tay (lúc bên trái bên phải) vào giấc ngủ ban đêm. Tôi có đổi tư thế ngủ và ngủ nơi rộng rãi hơn thì tình trạng vẫn xuất hiện nhưng tần suất ít hơn. Đồng thời có một hôm trước lúc ngủ tôi cảm thấy tức ngực cồn cào cảm giác như đói bụng, lưng đau một lúc bị đau như ngồi lâu, giống tình trạng suy nhược. Đến lúc giữ đêm tình trạng tức ngực cảm giác như có luồng khí không thoát ra khỏi cơ thể, khó thở, Tôi tự ho nhiều tiếng để cố gắng đẩy khí ra. Sức khỏe tôi trước đây vẫn bình thường. Vậy xin hỏi bác sĩ tình trạng của tôi là như thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ?

Thanh Ha Pham