Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Tôi bị tiểu đường tuýp 2, tiêm insulin 20 đơn vị 1 lần, ngày 2 lần. Tôi dùng xilanh 40 đơn vị hút đầy 1 lần, rồi tiêm 2 lần có được không bác sĩ?
Tôi bị phì đại tuyến tiền liệt cách đây 4 năm xét nghiệm chỉ số PSA 14 bác sỹ cho tôi đi nội soi và sinh thiết kết quả đều bình thường (âm tính).
Tôi có uống thuốc thời gian thấy bình thường rồi bỏ thuốc không uống nữa. Nay xét nghiệm lại chỉ số PSA lên lại 14. Vậy xin bác sỹ tư vấn giùm trường hợp của tôi. Hiện giờ tôi chỉ đi tiểu đêm và dòng chảy hơi yếu ngoài ra không thấy hiện tượng gì khác. Xin cảm ơn bác sỹ!
Chào bác sĩ. Em 32 tuổi vừa sinh con được 5 tháng (sanh thường, 39,5 tuần) thì phát hiện có thai lại được 2 tháng. Lúc mang thai bé đầu, em đã trải qua một thai kì vất vả vì nghén và xuất huyết dạ dày, ăn uống không được gì nên bé sinh chỉ được 2,8 kg và bây giờ cân nặng cũng tăng khá chậm so với các bé cùng lứa. Bác sĩ cho em hỏi, em mang thai lại nhanh như vậy có ảnh hưởng gì về sức khoẻ của mẹ và bé? Có những nguy cơ nào có thể xảy ra? Em nên làm gì để bé có thể tăng cân tốt trong thai kì cũng như sau này ạ? Cám ơn các bác sĩ tư vấn!
Chào bạn,
Bạn sinh bé đầu 2.8kg hiện tăng cân khá chậm như bạn mô tả việc đầu tiên là bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để đánh giá sự phát triển của bé được chính xác.
Về thai kỳ lần này của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, bạn hiện đang mang thai khoảng 2 tháng, bạn cần đi khám thai để các bác sĩ chuyên khoa sàng lọc các bất thường của thai kỳ này và tư vấn nguy cơ mang thai gần nhau như trường hợp của bạn. Các nguy cơ có thể kể như sinh non, sinh bé nhẹ cân, mẹ dễ bị thiếu máu, cao huyết áp, dễ băng huyết sau sinh... Tuy nhiên, nếu bạn đi khám thai sớm và được chăm sóc bởi các bác sĩ có kinh nghiệm quản lý thai kỳ nguy cơ cao thì sẽ tránh được các nguy cơ kể trên. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Tôi bị đau cổ tay trái, nhất là khi xoay cổ tay hoặc vẫy tay là rất đau, cộng với cứng các khớp ngón tay nhất là vào buổi sáng. Xin hỏi bác sỹ tôi phải làm gì?
Chào anh,
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau cổ tay ở độ tuổi trung niên ví dụ như hội chứng De Quervain, tổn thương phức hợp sụn sợi tam giác cổ tay, hội chứng ống cổ tay, thoái hóa khớp cổ tay, khớp thang bàn... Để được chẩn đoán chính xác, anh nên cung cấp thêm cho các bác sĩ vị trí đau (ví dụ như bên quay, bên trụ, mặt trước hay mặt sau cổ tay...), có tê bàn ngón tay không, động tác nào gây đau tăng, có chấn thương không?... Khi có đầy đủ dữ liệu, bác sĩ mới có thể trả là chính xác là anh đang gặp vấn đề gì và cần điều trị ra sao. Vài điều trao đổi cùng anh, hy vọng anh có thể sớm đến các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
Tôi đã sinh thường 2 lần đều dùng biện pháp tiêm giảm đau, sắp tới là lần thứ 3 tôi sinh, nếu sử dụng tiếp biện pháp này thì có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ hay bé sau này không?
Chào bạn,
Biện pháp tiêm giảm đau (hay còn gọi là giảm đau sản khoa bằng cách gây tê ngoài màng cứng) là một thủ thuật tương đối an toàn cho mẹ và bé. Bạn đã dùng phương pháp này 2 lần, do đó sắp tới là lần thứ 3, biện pháp này vẫn là lựa chọn tốt cho bạn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ hay bé. Mến chúc bạn mạnh khỏe để vượt cạn an toàn lần 3!
Tôi bị phì đại tuyến tiền liệt, cách đây 4 năm tôi đi xét nghiệm chỉ số PSA 14, bác sĩ cho tôi đi siêu âm và sinh thiết tất cả đều bình thường (âm tính). Tôi có uống thuốc Avodart thấy PSA và kích thước giảm. Uống một thời gian rồi tôi bỏ, nay xét nghiệm lại PSA chỉ số lại 14. Xin bác sĩ tư vấn có phải sinh thiết trở lại không hay uống thuốc trở lại. Xin cảm ơn.
Chào chú,
Xét nghiệm PSA là xét nghiệm đặc trưng của dấu chứng ung thư tuyến tiền liệt. Bình thường chỉ số PSA sẽ từ 0-4 ng/ml, tuy nhiên PSA sẽ tăng trong một số trường hợp như: viêm tuyến tiền liệt, nhiễm trùng, vừa khám hậu môn trực tràng xong...
Theo Hội Niệu khoa Việt Nam và Mỹ, nếu PSA > 10 ng/ml thì bác sĩ sẽ có chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt. Kết quả chú có PSA: 14 và đã sinh thiết lành tính, nghĩa là mô tuyến tiền liệt hiện tại không có tế bào ung thư. Sau một thời gian, chỉ số PSA vẫn còn 14, chú nên xét nghiệm thêm PSA tự do (PSA Free) và tỷ số PSA để hỗ trợ thêm cho chẩn đoán xác định. Chúc chú nhiều sức khỏe!
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chú có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) và 028 7102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, mong bác sĩ tư vấn cho trường hợp của em. Tiền sử sảy thai: em có bị 2 lần thai tự nhiên không làm tổ. Một lần IVF đã làm tổ nhưng không có tim thai.
Em đang mang thai IVF 8 tuần có tim thai và thai phát triển đều tuy nhiên đã bị doạ sẩy do bong tách rau thai diện rộng. Em đang nằm theo dõi ở bệnh viện.
Kết quả siêu âm vẫn có một khối tụ dịch màng nuôi dày trên một cm mà không thấy tiêu và hàng ngày thấy bụng dưới đau lâm râm kiểu như tử cung co bóp. Em cũng không thấy có dịch nâu thoát ra nên sau mỗi lần siêu âm thì chỉ thấy khối tụ dày lên, em cảm thấy lo lắng.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Tùy vào mức độ tụ dịch như kích thước, vị trí và chu vi bong bánh nhau do tụ dịch mà có tiên lượng khác nhau và tùy vào phác đồ giữ thai của từng bệnh viện mà có thuốc điều trị khác nhau. Nếu chị đang nhập viện thì chị nên nằm viện điều trị duy trì đơn IVF và tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ, vì bác sĩ trực tiếp thăm khám là người nắm được tình trạng bệnh lý của mình tốt nhất.
Còn nếu chị tin tưởng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thì khi tình trạng sức khỏe của chị và thai nhi ổn định, chị có thể đến trực tiếp bệnh viện để các bác sĩ trực tiếp siêu âm đánh giá, tiên lượng cho chị, từ đó, có hướng điều trị và dùng thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý của chị. Thân mến!
Xin chào bác sĩ! Em mong được bác sĩ tư vấn trường hợp của anh trai em.
Anh trai em khoảng 4 năm trở lại đây tự nhiên mắc bệnh động kinh, trước đó không bị bệnh này. Cả gia đình, dòng họ cũng không ai có bệnh này. Anh trai em đã đi khám ở nhiều nơi, nhưng bác sĩ đều không tìm ra nguyên nhân tại sao lại như vậy.
Bác sĩ cũng đã kê thuốc cho uống nhưng 4 năm rồi vẫn chưa khỏi và tần suất xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Sau mỗi lần động kinh, anh đều đau đầu khoảng một ngày mới hết. Vì xuất hiện nhiều hơn nên không thể đi làm được, vì không biết lúc nào sẽ bị, rất nguy hiểm. Mong được bác sĩ tư vấn và có thể kê thuốc nếu được. Em xin cảm ơn.
Chào bạn,
Đối với những người bị động kinh thì đa số là uống thuốc lâu dài. Khoảng hai phần ba các trường hợp đáp ứng tốt với thuốc chống động kinh, tuy nhiên khoảng một phần ba các trường hợp đáp ứng không đầy đủ với thuốc, gọi là động kinh kháng thuốc. Trường hợp anh trai của bạn có nhiều khả năng bị động kinh kháng thuốc.
Việc cần làm đầu tiên là đưa người bệnh đến bệnh viện để các bác sĩ đánh giá lại khả năng kháng thuốc hay giả kháng thuốc. Nếu bị động kinh kháng thuốc thì bệnh nhân có thể phải cần phương pháp điều trị khác như phẫu thuật động kinh. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể xem xét điều chỉnh việc dùng thuốc để đạt hiệu quả tối ưu, cũng như đánh giá lại nguyên nhân gây động kinh, khả năng kháng thuốc và khả năng lựa chọn điều trị khác ngoài việc dùng thuốc. Trân trọng.
Kính chào các bác sĩ,
Hiện tại con muốn tiêm vaccine Prevenar 13 cho gia đình. Nhưng trước đó gia đình con đã tiêm mũi 1 Astra và bị nhiễm Covid, hiện tại đã khỏi bệnh. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp con là gia đình con có thể tiêm vaccine trên được không ạ?
Cảm ơn quý bác sĩ.
Chào bạn,
Hiện nếu sức khỏe cả nhà đã ổn định, bệnh Covid-19 đã khỏi, cả nhà mình nên sớm đi tiêm vaccine Prevenar-13 để phòng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết... do phế cầu khuẩn. Vaccine Prevenar-13 có tính an toàn cao, cho hiệu quả bảo vệ lâu dài; đã được đưa vào sử dụng trên 100 quốc gia trên thế giới. Với người lớn, chỉ cần một mũi tiêm có thể bảo vệ trọn đời.
Trong bối cảnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, mỗi người rất cần "hệ miễn dịch chéo" từ các vaccine khác hỗ trợ để chống lại đại dịch nguy hiểm. Trong đó phải kể đến những loại vaccine đã được chứng minh có tác dụng quan trọng trong việc tránh đồng nhiễm và tạo miễn dịch chéo, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nặng do Covid-19 nếu chẳng may mắc phải, như vaccine cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, sởi - quai bị - rubella...
Hiện nay, hệ thống tiêm chủng VNVC có đủ vaccine phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ em và người lớn, đặc biệt ưu đãi giá vaccine Prevenar 13 phòng viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do phế cầu khuẩn và vắc xin Boostrix phòng Ho gà - Bạch hầu - Uốn ván, cũng như ưu đãi nhiều combo hot nhất hiện nay.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Em 31 tuổi, chồng em 32 tuổi. Năm ngoái, em được chẩn đoán có virus HPV gây ung thư cổ tử cung nên hoãn có bầu nửa năm. Sau đó em thả bình thường đến nay vẫn chưa có em bé. Xin hỏi bác sĩ, em cần đi khám gì cho cả 2 vợ chồng về sức khỏe sinh sản ạ? Em cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
HPV là một loại virus có thể gây ung thư cổ tử cung. Tùy chủng virus HPV cũng như tùy vào loại tổn thương hiện có trên cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định mang thai hoặc điều trị ổn định bệnh lý trước khi mang thai. Trường hợp của anh chị cần tái khám cùng bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá tình trạng bất thường tại cổ tử cung cũng như khảo sát thêm các vấn đề sức khỏe sinh sản có liên quan đến việc chậm có con của anh chị. Thân mến!