Thoát vị rốn thường không nguy hiểm và có thể tự khỏi, một số trường hợp có thể gây biến chứng và cần can thiệp phẫu thuật.
Thoát vị rốn là gì?
- Thoát vị rốn thường xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn.
- Khối thoát vị này có thể chứa dịch, một phần nội tạng như ruột hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.
- Thoát vị rốn thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh khi có khối phồng ở rốn, khối phồng thay đổi kích thước khi hoạt động.
- Theo các nhà nghiên cứu, thoát vị rốn thường xảy ra ở trẻ sinh non hoặc chào đời nhẹ cân. Có tới 75% trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 1,5 kg bị thoát vị rốn.
Nguyên nhân
- Em bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ bằng dây rốn. Trong quá trình thai nghén, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ ở vùng cơ bụng của bé và được cắt đi khi chào đời. Trong khoảng 1-2 tuần sau sinh, cuống rốn sẽ teo dần và rụng đi, vết thương lành tạo thành rốn ở trẻ. Lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự dần dần được đóng lại một cách tự nhiên khi bé lớn lên. Nếu các cơ này không đóng lại với nhau hoàn toàn ở đường giữa của bụng thì điểm yếu này trong thành bụng có thể gây ra thoát vị rốn.
- Thoát vị rốn không chỉ gặp ở trẻ sơ sinh mà người lớn cũng có thể mắc phải. Thoát vị rốn ở người lớn là do việc tăng áp lực từ ổ bụng bởi các nguyên nhân như béo phì, dịch ổ bụng, các bệnh về gan hoặc phụ nữ mang thai nhiều lần.
Triệu chứng
Các triệu chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết, chỉ cần chịu khó quan sát kỹ vị trí rốn sẽ có thể nhận ra các dấu hiệu như sau:
- Ở vị trí rốn của trẻ có một khối u mềm nhô lên.
- Mỗi khi trẻ ho, khóc hoặc ưỡn mình có thể thấy chỗ phình. Chỗ phình biến mất khi trẻ thư giãn hoặc nằm ngửa.
- Trẻ khóc và tỏ ra đau đớn.
- Bụng có dấu hiệu to, tròn hơn mức bình thường.
- Vùng da khối thoát vị bị sưng nề và đỏ.
- Trẻ bị sốt, nôn.
- Trẻ khó đi ngoài hoặc không thể đi ngoài được.
- Có máu trong phân.
Chẩn đoán
Chẩn đoán thoát vị rốn thường dựa vào biểu hiện khi thăm khám lâm sàng kết hợp thực hiện các xét nghiệm.
- Khám lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng thoát vị rốn và kiểm tra liệu thoát vị có đặt lại được hay không. Việc này cũng để phát hiện xem dây rốn còn hay mắc kẹt lại tại các cơ bụng không, từ đó bác sĩ đưa ra phương án điều trị kịp thời và tốt nhất.
- Chụp X-quang, siêu âm để tìm các biến chứng, đồng thời kiểm tra vị trí của thoát vị rốn nhằm đánh giá đúng tình trạng của bệnh nhân.
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá khả năng nhiễm trùng, tình trạng bệnh, đặc biệt trong trường hợp bệnh đã xuất hiện các biến chứng cấp tính.
Điều trị
- Đa số thoát vị rốn nhẹ sẽ được cải thiện khi trẻ lên 1-2 tuổi. Khi trẻ lớn, cơ thành bụng sẽ khỏe hơn và có thể đóng kín lỗ hỏng của thành bụng và thoát vị sẽ tự mất đi. Trường hợp còn, bác sĩ sẽ đẩy phần thoát vị trở lại ổ bụng.
- Phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em được sử dụng đối với trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn nặng và đau; trẻ đến 4 tuổi thoát vị rốn vẫn không biến mất; bị mắc kẹt hoặc chặn đường ruột.
- Đối với người lớn, phẫu thuật được khuyến cáo ở tất cả bệnh nhân nhằm điều trị dứt điểm, tránh biến chứng ngoài ý muốn.
Phòng ngừa
- Nên đặt trẻ nằm sấp, làm các động tác massage nhẹ nhàng thành bụng cho trẻ hằng ngày.
- Cho trẻ uống nước đã được đun sôi để nguội.
- Mẹ nên có chế độ ăn uống hợp lý khi đang trong quá trình cho con bú.
- Với người lớn, cần có một chế độ ăn dinh dưỡng, hợp lý.
- Tránh gây tăng áp lực lên vùng bụng.
- Khi có dấu hiệu bất thường phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị thích hợp.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.