Tác giả báo cáo, tiến sĩ Fareed Abdullah, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu về HIV/AIDS và Bệnh lao tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, cho biết ông và đồng nghiệp đã xem xét 42 bệnh nhân nhiễm nCoV vào ngày 2/12 và nhận thấy 29 người trong đó (tương đương 70%) vẫn hô hấp bình thường. 13 người thở oxy, trong đó 4 người sử dụng nó vì lý do không liên quan đến Covid-19.
Chỉ một người trong số 42 bệnh nhân được đưa vào khu hồi sức tích cực (ICU). Báo cáo phù hợp với số liệu do Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia công bố vào tuần trước, cho thấy chỉ 106 bệnh nhân vào ICU trong hai tuần, dù số ca nhiễm tăng vọt.
Theo báo cáo, hầu hết bệnh nhân nhập viện vì các chẩn đoán không liên quan đến Covid-19. Họ đều được phát hiện nhiễm nCoV "một cách ngẫu nhiên, phần lớn do chính sách bệnh viện yêu cầu xét nghiệm tất cả các bệnh nhân". Báo cáo cũng cho biết tại hai bệnh viện lớn khác của điểm nóng Gauteng, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Omicron cần thở oxy thậm chí còn thấp hơn.
Theo tiến sĩ Abdullah, khi bước vào khu điều trị Covid-19, ông đã chứng kiến "cảnh tượng chưa từng thấy ở giai đoạn trước đại dịch". "Trong số 17 bệnh nhân, có 4 người thở oxy. Với tôi, đó không phải khu điều trị Covid-19, trông giống khu khám bệnh bình thường hơn", ông nói.
Tiến sĩ Abdullah cũng xem xét tất cả 166 bệnh nhân Covid-19 được đưa vào bệnh viện kể từ ngày 14/11 đến ngày 29/11. Ông nhận thấy thời gian nằm viện trung bình của họ là 2,8 ngày, dưới 7% tử vong. Trong 18 tháng trước, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân là 8,5 ngày, 17% tử vong. Bệnh nhân nhập viện ít ngày sẽ giảm thiểu sức ép cho các cơ sở y tế.
80% trong số 166 bệnh nhân dưới 50 tuổi. Trên khắp tỉnh Gauteng, các bệnh viện báo cáo số liệu tương tự - một sự tương phản rõ rệt với nhóm bệnh nhân Covid-19 nhập viện trước đó, chủ yếu là người già. Điều này cho thấy Nam Phi có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao ở nhóm trên 50 tuổi, thấp hơn ở người trẻ.
Tiến sĩ Emily S. Gurley, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, người không tham gia nghiên cứu, đồng tình với kết quả. Song bà cho rằng cần cẩn trọng tìm hiểu thêm ở thời điểm hiện tại. "Tôi không ngạc nhiên nếu nó là sự thật, nhưng tôi cũng không chắc chúng ta có thể kết luận ngay", bà nói.
Bà lưu ý mức độ nghiêm trọng của bệnh không chỉ phản ánh biến chủng, nó còn đặc trưng bởi đối tượng lây nhiễm. Hai năm sau đại dịch, nhiều người có kháng thể với virus thông qua tiêm chủng, lây nhiễm tự nhiên hoặc cả hai. Điều này có thể khiến các triệu chứng nhẹ hơn.
"Chúng tôi chưa biết cách dự đoán nguy cơ của biến chủng từ kết quả trình tự gene. Hiện, chúng tôi đang nhận thêm thông tin từ Nam Phi - một khu vực có thể có miễn dịch từ trước", bà nói.
Câu hỏi lúc này là liệu vaccine có còn hiệu quả mạnh mẽ trước Omicron hay không. Báo cáo của tiến sĩ Abdullah và các đồng nghiệp chưa giải đáp được điều này. Đồng thời, quy mô nghiên cứu của ông khá nhỏ, chưa được bình duyệt. Ông Abdullah thừa nhận những hạn chế đó và lưu ý số ca tử vong và chuyển nặng có thể gia tăng trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) châu Âu, tính đến ngày 4/12, tất cả 109 ca nhiễm Omicron được phát hiện ở 16 nước khu vực này đều chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và không có ca tử vong nào. Còn theo Bộ Y tế Nhật Bản, hai người dương tính với Omicron khi xét nghiệm tại sân bay Narita nước này cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, dù có bị sốt.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron là "biến chủng đáng lo ngại". Theo các chuyên gia, lượng đột biến lớn trên protein S của virus có thể giúp nó vượt qua hàng rào kháng thể từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó. Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở gần 50 quốc gia. Bệnh nhân chủ yếu tập trung ở Nam Phi.
Các nhà khoa học còn nhiều tranh cãi xung quanh biến chủng Omicron. Một số người cho rằng virus có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine. Số khác nhận định biến chủng đang bị thổi phồng.
Thục Linh (Theo NY Times)