Kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, các nhà khoa học gấp rút tìm lời giải cho hàng loạt câu hỏi: virus phát triển thế nào, lây truyền ra sao và gây triệu chứng nghiêm trọng đến đâu so với biến chủng Delta. Phó giáo sư Darren Martin, nhà nghiên cứu thuộc viện Bệnh truyền nhiễm và Y học phân tử tại Đại học Cape Town, cho rằng các protein virus đã hoạt động cùng nhau và tạo ra đột biến trong gene S. Thay đổi này khiến nCoV lây nhiễm hiệu quả hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra ba giả thuyết về sự phát triển của Omicron.
Thứ nhất, biến chủng hình thành trong một khu vực ít được giải trình tự gene virus, người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế. Điều này có nghĩa là Omicron đã lưu hành tại Nam Phi hoặc một số quốc gia khác từ lâu mà không bị phát hiện. Nam Phi hiện chỉ giải trình tự gene của 1% các mẫu bệnh phẩm thu thập được, trong khi tại Mỹ, con số là 3,6%. Không quốc gia nào ở châu Phi giải mã quá 5.000 mẫu gene virus.
Trên thực tế, một số nhà sinh vật học tiến hóa cũng cho rằng biến chủng Omicron đã có mặt kể từ tháng 9 và lây lan trong vài tháng. Song đây chỉ là lý thuyết.
Bộ Y tế Hà Lan ngày 30/11 cho biết biến chủng Omicron có thể đã xuất hiện ở nước này ít nhất 10 ngày trước khi có báo cáo từ Nam Phi. Đây là bằng chứng cho thấy biến chủng đã đến châu Âu sớm hơn những gì được biết.
Trước đó, theo cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID, các ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Nam Phi được lấy mẫu hôm 9/11, là hai người đàn ông ở Johannesburg. Đến ngày 11/11, biến chủng lan sang Botswana. Tới ngày 26/11, Nam Phi mới phát cảnh báo về Omicron.
Giả thuyết thứ hai là nCoV tồn tại ở người bị suy giảm miễn dịch (chẳng hạn bệnh nhân HIV) trong thời gian dài, từ đó đột biến thành Omicron. Đây là điều mà các chuyên gia Nam Phi đã lo ngại từ đầu đại dịch.
Khi bệnh nhân HIV sử dụng thuốc kháng virus đều đặn theo đơn, cơ thể họ gần như ngăn chặn hoàn toàn mầm bệnh. Song ở người bệnh không được chẩn đoán, chưa điều trị hoặc không thể uống thuốc mỗi ngày, HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nếu mắc Covid-19, cơ thể họ tốn vài tuần hoặc vài tháng để đào thải virus. Trong thời gian dài đó, nCoV có cơ hội đột biến. Khi bệnh nhân có bệnh nền HIV lây Covid-19 cho người khác, biến chủng mới sinh sôi và lưu hành.
Tulio de Oliveira, điều tra viên chính của Mạng lưới Giám sát Di truyền Quốc gia, cho biết: "Chúng tôi có lý do để tin rằng một số biến chủng đang xuất hiện ở Nam Phi liên quan trực tiếp đến HIV".
Giả thuyết cuối cùng là nCoV tái lây nhiễm vào các quần thể động vật, sau đó đột biến và nhiễm trở lại cho người. Kristian Andersen, chuyên gia miễn dịch tại Viện Nghiên cứu Scripps, nói: "Tình huống biến chủng xuất phát từ người suy giảm miễn dịch hợp lý, nhưng thực sự mà nói, tôi tin vào khả năng virus lây ngược từ người sang động vật, tiến hóa rồi lại truyền cho người, bởi một số đột biến của virus rất bất thường. Tôi không nghĩ chúng ta nên loại bỏ kịch bản đó".
Các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết này dựa trên một số đặc tính của nCoV. Đây là loại virus khá linh hoạt, có khả năng lây nhiễm cho nhiều loài động vật như chó, mèo, hổ, chồn, hươu đuôi trắng và cả con người. Do đó, nCoV dễ dàng "nhảy" từ loài này sang loài khác. Virus ban đầu xuất phát từ Vũ Hán không lây nhiễm cho các con vật gặm nhấm. Nhưng những biến chủng sau đó như Alpha, Beta, Delta đều xuất hiện ở loài động vật này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế nhiều lần cảnh báo tình trạng bất bình đẳng về vaccine và việc một số quốc gia không đủ năng lực ứng phó dịch bệnh dễ khiến nhiều biến chủng xuất hiện. Đến nay, dưới 7% trong số 1,2 tỷ người ở châu Phi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia Đông Phi là Eritrea vẫn chưa có vaccine.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Martin cho biết: "Phát hiện mới của chúng tôi còn cần nhiều kết quả hơn, nhằm kết luận giả thuyết nào là đúng".
Thục Linh (Theo News NPR, Stat News)