Phát hiện được được trình bày trong buổi họp nội các chính phủ Anh ngày 7/12, trong bối cảnh ca nhiễm biến chủng Omicron tại nước này tăng từ 101 lên 437 trong một ngày.
Thông thường, nCoV bao gồm 4 gene là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này. Biến chủng Omicron thông thường thiếu đoạn protein S. Như vậy, xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện người nhiễm Omicron mà không cần giải trình tự gene virus.
Biến chủng tàng hình sở hữu nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, song đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt.
Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để biết liệu dạng Omicron mới có lây lan theo phương pháp cũ hay không, nhưng phiên bản "tàng hình" có khác biệt về mặt di truyền, do đó có thể hoạt động theo cách khác.
Biến chủng "tàng hình" lần đầu tiên xuất hiện trong các bộ gene virus từ Nam Phi, Australia và Canada thời gian gần đây, song có thể nó đã lây lan rộng rãi hơn. Trong số 7 trường hợp được xác định đến nay, không có trường hợp nào là người Anh.
Việc phát hiện phiên bản mới của Omicron khiến các nhà nghiên cứu tách biến chủng thành hai dòng: dòng tiêu chuẩn BA.1 và dạng mới hơn, gọi là BA.2.
"Có hai dạng Omicron, BA.1 và BA.2, khá khác biệt về mặt di truyền. Chúng có thể hoạt động khác nhau", giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết.
Ẩn số hiện nay là cách thức biến chủng "tàng hình" xuất hiện. Dù thuộc nhóm Omicron, nó rất khác biệt về mặt di truyền nên có thể đủ tiêu chuẩn xếp vào danh sách ‘biến chủng đáng lo ngại’ nếu lây lan nhanh chóng.
Tại cuộc họp ngày 7/12, dựa trên các nghiên cứu sơ bộ, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Omicron có thể dễ lây truyền hơn so với biến chủng Delta hiện có. Người phát ngôn của ông Johnson nhận định bước ứng phó tiếp theo là triển khai vaccine nhanh chóng và làm việc tại nhà nếu cần thiết.
Thục Linh (Theo Guardian)