Ngày 4/11, Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trao chứng nhận cho lãnh đạo Bệnh viện quận Thủ Đức.
Hiện, WSO có ba hạng vinh danh là vàng, bạch kim, kim cương. Cả nước chỉ có các bệnh viện lớn tuyến cuối như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM... đạt chứng nhận của WSO.
![Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên đạt được chứng nhận vàng về điều trị đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/11/04/dot-quy-9652-1604475661.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o5shvCiGBmgYrDov45cJdQ)
Lãnh đạo Bệnh viện quận Thủ Đức nhận chứng nhận vàng về điều trị đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết để được cấp chứng nhận trên, bệnh viện đã phải đạt nhiều tiêu chí khắt khe. Đặc biệt là tiêu chí 73% bệnh nhân được điều trị đột quỵ trong thời gian 60 phút kể từ khi nhập viện. Hiện tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái thông đạt 16,31%; 100% bệnh nhân đột quỵ cấp được điều trị tại Đơn vị Đột quỵ Chuyên sâu (cả nước là 90,3%).
Theo bác sĩ Quân, đột quỵ là bệnh lý tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Các di chứng của đột quỵ tạo gánh nặng cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Bác sĩ Lê Trần Vinh, Trưởng khoa Nội Thần kinh, cho biết từ năm 2016, Bệnh viện quận Thủ Đức đã hoàn thiện phác đồ và quy trình về điều trị đột quỵ. Một năm sau, Đơn vị Điều trị Đột quỵ Chuyên nghiệp được thành lập với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng luân phiên túc trực, sẵn sàng can thiệp mạch cấp cứu. Sau 4 năm triển khai, gần 3.000 bệnh nhân đột quỵ được điều trị. Riêng 10 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận 721 ca đột quỵ, gần bằng tổng số ca năm 2019.
Lãnh đạo bệnh viện cho hay sẽ tăng số giường bệnh lên gấp đôi, triển khai phần mềm hỗ trợ chẩn đoán và công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo RAPID vào điều trị đột quỵ, rút ngắn thời gian chẩn đoán và can thiệp đột quỵ.
Đột quỵ có hai dạng chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm khoảng 85%, có thể chữa khỏi bằng phương pháp tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn. Các bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương, hạn chế di chứng tối đa cho người bệnh. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị này chỉ hiệu quả khi người bệnh đến bệnh viện sớm, trong vòng 4,5-6 giờ vàng.
Năm 2018, Sở Y tế TP HCM công nhận Bệnh viện quận Thủ Đức là tuyến cuối điều trị đột quỵ, nâng số bệnh viện trong mạng lưới điều trị đột quỵ ở thành phố lên 17. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID cho phép mở rộng thời gian vàng điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây, nghĩa là có thêm 18 giờ nữa cho những người không may phát hiện muộn.
Thư Anh