Giáo sư hàng đầu thế giới về thần kinh học Carlos Molina, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Vall d’Hebron, Tây Ban Nha, cho biết Bệnh viện Nhân dân 115, TP HCM là đơn vị đầu tiên châu Á đạt chứng nhận Chất lượng Điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu.
"Rất khó để đạt được tiêu chuẩn này và càng khó hơn để duy trì lâu dài", giáo sư Carlos Molina nói khi trao chứng nhận ngày 21/4.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh viện trải qua hơn một năm khảo sát, theo dõi liên tục để đạt được chứng nhận. Các số liệu, quy trình điều trị được báo cáo mỗi ngày.
Chứng nhận này đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ lúc bệnh nhân nhập viện điều trị giai đoạn cấp cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân nhồi máu não cấp được điều trị trong vòng dưới 45 phút sau khi đến viện. Để đạt được chứng nhận, thời gian này đòi hỏi phải dưới 60 phút.
"Điều kiện kinh tế Việt Nam không bằng các nước châu Âu, việc đạt những tiêu chí này thể hiện nỗ lực mang lại lợi ích cho bệnh nhân đột quỵ nước ta tương đương với người dân các nước phát triển", bác sĩ Thắng nói.
Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 dẫn đầu cả nước trong điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân nhồi máu não cấp, với trên 1.000 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp này, góp phần hạ thấp tỷ lệ tàn phế đáng kể cho người bệnh.
Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết qua động mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, đưa ngành thần kinh mạch máu tiến kịp với sự phát triển chung của khu vực.
Ủy ban chấp hành của Hội Đột quỵ châu Âu được thành lập năm 2007. Chương trình chứng nhận đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ nhằm cải thiện chất lượng trong chăm sóc bệnh nhân, giảm sự khác biệt giữa các nước.
Các tiêu chí chính bao gồm khả năng huấn luyện con người, thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác. Hiện nay chương trình chứng nhận triển khai trên toàn cầu, thiết lập quá trình chăm sóc nhất quán, giảm nguy cơ sai sót trong điều trị đột quỵ.