Những ngày qua, mưa nhiều kèm theo không khí lạnh, rét đậm ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, có nơi nhiệt độ giảm chỉ còn 11-13 độ C. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các bác sĩ hiện đang điều trị cho nhiều trẻ em và người lớn với các triệu chứng sốt, ho, viêm phổi, tổn thương phổi do các bệnh lý truyền nhiễm đường hô hấp như: cúm, phế cầu khuẩn, ho gà... Đặc biệt, nhiều trường hợp diễn tiến nặng, điều trị khó khăn chưa dứt điểm, bệnh nhân mất nhiều ngày nằm viện.
Bé trai Huỳnh Tuấn Việt (3 tuổi, ngụ Thanh Oai, Hà Nội) được mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, ho, thở nhanh, khó thở sâu. Bệnh nhi được cấp cứu, thở oxy qua mặt nạ. Sau khi khám lâm sàng và các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm B, bội nhiễm vi khuẩn phế cầu - Streptococcus pneumoniae dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng, kháng kháng sinh. Qua hội chẩn, bác sĩ cho bé dùng phối hợp 2 loại kháng sinh liều cao, duy trì thở máy, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã được kiểm soát tình trạng viêm phổi và đang tiếp tục theo dõi điều trị.
BS.CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong mùa đông thời tiết lạnh, mưa nhiều, độ ẩm cao, không khí kém lưu thông là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển, tăng khả năng phát tán trong môi trường khiến tình trạng bệnh gia tăng. Trẻ em, thai phụ, người cao tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết lạnh do hệ miễn dịch suy yếu.
Khi trời lạnh, các cơ quan của hệ hô hấp co lại, chức năng thở bị hạn chế. Nếu mắc thêm bệnh truyền nhiễm, hệ hô hấp vốn nhạy cảm càng dễ bị tổn thương, quá trình phục hồi kém và lâu hơn. Một số người bệnh phải chịu đựng các triệu chứng sốt, ho dai dẳng do cơ địa kém đáp ứng với thuốc khi thời tiết lạnh, hoặc cùng lúc mắc 2-3 bệnh dẫn đến khó điều trị. Nhiều trường hợp bệnh tái đi tái lại do không khí kém lưu thông và mầm bệnh luôn có sẵn trong môi trường sống.
"Cúm và viêm phổi nếu để lâu sẽ thành bệnh mạn tính, có thể gây biến chứng nguy hiểm. Các bệnh này ban đầu biểu hiện rất nhẹ nhưng nếu sốt cao kéo dài, nhịp thở nhanh người bệnh có thể bị tụt huyết áp, sa sút trí tuệ. Do đó ngay khi có tình trạng sốt cao trên 38 độ kéo dài, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cúm và viêm phổi có thể gây suy hô hấp, tử vong rất nhanh ở những người yếu thế", BS Thanh Phong cho biết.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, các tác nhân gây bệnh cúm, phế cầu khuẩn, ho gà... luôn tồn tại trong môi trường và lưu hành quanh năm nhưng đặc biệt sinh sôi phát triển, tồn tại lâu trong môi trường nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.
"Mùa đông kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau với nhiều đợt mưa và không khí lạnh. Vào mùa này, tất cả mọi người nhất là trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền... cần giữ ấm cơ thể, uống đủ nước, ăn uống lành mạnh để tăng cường đề kháng. Đặc biệt tiêm vaccine cúm, phế cầu đầy đủ để bảo vệ phổi và hệ hô hấp. Các loại vaccine này đều có lịch tiêm đơn giản, có đầy đủ và nhiều ưu đãi trên toàn hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC", BS Chính khuyến cáo.
Anh Chi
Vào lúc 20h, thứ sáu, ngày 9/12, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến "Cúm, viêm phổi do phế cầu và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp mùa đông - xuân".
Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage VnExpress, Đài THVN, Đài THVL và các fanpage Hệ thống trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn - VNVC, Hệ hống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Dinh dưỡng - Nutrihome...
Để được các bác sĩ giải đáp băn khoăn ngay trong chương trình, bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.