Mức giá hơn 1,4 tỷ đồng cho những chiếc Forester bản tiêu chuẩn nhập Nhật Bản giai đoạn trước 2019 đưa mẫu xe của Subaru trở thành một thứ hàng hiếm trên thị trường CUV phổ thông. Với những khách hàng dư dả tài chính, Forester dù giá cao nhưng vẫn được săn đón bởi chất lượng lắp ráp và những giá trị rất riêng về khả năng vận hành, an toàn. Forester khi đó như một món đồ chơi không dành cho số đông.
Từ thế hệ thứ 5, Forester chuyển sang nhập Thái Lan với giá bán giảm gần 400 triệu đồng. Đến bản nâng cấp mới nhất 2023, giá xe lần đầu dưới mức một tỷ đồng cho bản thấp nhất, một con số gây bất ngờ với những người mê Subaru vốn quen với cách định giá "cao hàng đầu phân khúc" của hãng Nhật. Forester 2023 bán ra với ba phiên bản: 2.0 i-L tiêu chuẩn giá 969 triệu đồng, cao hơn là bản 2.0 i-L EyeSight giá 1,099 tỷ đồng và cao nhất 2.0 i-S EyeSight giá 1,199 tỷ đồng. Mức giá này ngang ngửa những Honda CR-V (998-1.138 triệu đồng), Kia Sportage (929-1.119 triệu đồng)...
Forester 2023 là bản nâng cấp giữa chu kỳ ra mắt lần đầu tại Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm ôtô VMS 2022. Ở mẫu CUV của Subaru, thiết kế không được đánh giá cao dù là yếu tố thường được quan tâm đầu tiên khi lựa chọn một mẫu ôtô với phần đông khách Việt. Nếu chọn ra một thương hiệu Nhật có sự bảo thủ hàng đầu về thiết kế, không thể thiếu Subaru.
Thế hệ cũ và phiên bản hiện tại của Forester vẫn là kiểu tạo hình vuông vức, ít điểm nhấn. Với những người ưa thích, thiết kế mẫu xe Subaru đậm chất đàn ông trung niên, bền dáng theo thời gian. Điều đó ngược với xu hướng thuôn mượt, nhiều chi tiết phức tạp vốn đang là chủ đạo trong phân khúc, nơi có những Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson, Kia Sportage...
Ở Forester 2023, phần đèn pha LED thay đổi đôi chút khi sở hữu thiết kế gồ ghề kèm dải định vị mới. Kết hợp mặt ca-lăng được tinh chỉnh, xe cho tạo hình mạnh mẽ hơn. Những phần còn lại ở hông, đuôi xe vẫn vậy. Các bản EyeSight có la-zăng 18 inch kiểu mới phong cách off-road. Khoảng sáng gầm của xe đạt 220 mm, thuộc hàng lớn nhất phân khúc.
Tương tự tạo hình bên ngoài, nội thất Subaru Forster 2023 cũng không nhiều thay đổi so với bản cũ. Không có cảm giác chiều chuộng người dùng như nhiều đối thủ khác, cách thiết kế khoang lái trên Forester theo mô-tuýp thực dụng, đơn giản, thứ rất hợp với đàn ông. Xe có màn hình cảm ứng 8 inch đặt ở trung tâm khoang lái, vô-lăng bọc da kèm lẫy chuyển số. Đồng hồ sau tay lái loại analog kết hợp màn hình 4,2 inch, điều hoà hai vùng, âm thanh 6 loa.
Subaru có nhiều cách để tạo khác biệt với các đối thủ, ở phần nhìn lẫn phần lái. Nếu sự bảo thủ ở thiết kế tổng thể khiến Forester kén khách, bảo thủ ở cách hãng thiết lập động cơ, cảm giác lái giúp thương hiệu này gầy dựng được lượng khách trung thành đáng kể. Lái hay là thứ được nhắc đến nhiều nhất trên một sản phẩm của Subaru, nhãn xe thậm chí có đôi lúc bị nhầm với một hãng xe Trung Quốc nào đó bởi nhận diện thương hiệu mờ nhạt trong những năm có mặt ở Việt Nam.
"Chuyển X Mode sang chế độ đường trơn, giữ ga đều và bắt đầu nào", giọng người hướng dẫn lái xe vang lên qua bộ đàm. Thử thách băng qua con suối với đầy sỏi, đá theo đường thẳng, nước ở chỗ cao nhất chừng 30 cm, là việc quá dễ với Forester. Những người tổ chức lái thử chọn cách đi ngược dòng chảy, đánh lái 90 độ để tăng độ khó. Nhưng dù là vậy, thử thách kiểu này vẫn còn "khá hiền" với chiếc xe Nhật. Không cần thao tác phức tạp, việc của người lái là kiên nhẫn và giữ đều ga, còn lại để chiếc xe xử lý.
Hệ thống X-Mode là trang bị quan trọng biến mẫu Forester trở thành một cái tên thực chiến đúng nghĩa khi di chuyển qua các địa hình khó. So với các đối thủ trong phân khúc, mẫu xe của Subaru mang dấu ấn xe đa dụng việt dã nhất, đúng với tên gọi Forsester - người rừng. Lực kéo từ động cơ boxer 2.0 mạnh 156 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm, được điều khiển, phân phối chủ động đến từng bánh, trong từng địa hình khác nhau để khai thác tối đa độ bám đường. X-Mode trên Forester mới có tính năng "chờ", nghĩa là không phải dừng xe để kích hoạt như bản cũ mà ở tốc độ dưới 20 km/h, tài xế vẫn có thể lựa chọn chế độ lái khi vượt địa hình khó.
Khi leo những con dốc cao không bằng phẳng ở góc cua tay áo, thân xe bị vặn xoắn lớn, Forester cho một kiểu chòng chành không quá khó chịu với người ngồi bên trong. Hãng nói Forester thế hệ hiện tại có cấu trúc thân xe xây dựng bằng thép cứng có độ chịu xoắn cao hơn 70% và độ rung động thân xe thấp hơn 50% so với khung gầm thế hệ cũ.
Một thay đổi khác trên Forester hệ thống treo. Hãng tinh chỉnh hành trình phuộc, độ nén và lực phản hồi. Xe qua gờ giảm tốc hay các ổ gà khá mượt, không cho cảm giác gằn sống lưng.
Hai năm trở lại đây, khi các đối thủ trong phân khúc CUV cỡ C chạy đua cạnh tranh công nghệ an toàn, Forester đứng ngoài cuộc. Không phải Subaru chậm cập nhật công nghệ mà những tính năng như phanh phòng chống va chạm, kiểm soát hành trình, xử lý bướm ga trước va chạm, cảnh báo chệch và đảo làn, cảnh báo phương tiện phía trước... của hệ thống an toàn EyeSight có trên Forester từ 2019. Giống như Volvo ở mảng xe sang, Subaru lấy an toàn là một trong những nhận diện đặc trưng nhất khi nhắc đến hãng.
Thế hệ EyeSight 4.0 trên Forester với một số nâng cấp so với bản tiền nhiệm. Xe có thêm các tính năng như định tâm làn đường, tránh chệch làn đường. Riêng đánh lái khẩn cấp tự động là trang bị độc nhất phân khúc. Tuy nhiên, chế độ này cũng chỉ hoạt động khi chướng ngại vật và tâm làn đường có khoảng cách đủ rộng để xe "lách" qua mà không va chạm với các phương tiên khác, tốc độ hoạt động dưới 80 km/h, độ thẳng hàng với chướng ngại phía trước nhỏ hơn 50% thân xe...
Hai camera đặt ở kính chắn gió phía trước làm nhiệm vụ thu thập hình ảnh với cự li xa nhất 130 m. Hạn chế của camera phần nào giống mắt người, không phát hiện được vật thể khi chúng quá thấp so với mui xe, thời tiết xấu, giao thông hỗn loạn... Các cảnh báo hỗ trợ bằng âm thanh, tín hiệu, phanh giảm thiểu va chạm vì thế cũng bị ảnh hưởng theo.
Ở điều kiện bình thường, Forester vận hành nhàn hạ, nhất là trên cao tốc với tính năng hỗ trợ giữ làn, điều khiển hành trình thích ứng. Vô-lăng và chân ga khá nhạy. Kiểu máy Boxer với các xi-lanh lắp đối xứng giúp chiếc xe cân bằng tốt khi di chuyển tốc độ cao, chuyển làn hay qua cua. Tuy nhiên độ "bốc" của động cơ đã được tiết chế lại so với thế hệ cũ dù hộp số CVT vẫn vậy. Điều này một mặt gây tiếc nuối cho những người mê Forester thích lái "chân to" nhưng ngược lại, xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, dễ tiếp cận khách hàng số đông hơn.
Năm 1996, khi Subaru lấy động cơ Boxer và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian làm trang bị tiêu chuẩn trên tất cả các sản phẩm, tự thân hãng Nhật đã chọn hướng đi tách biệt so với những đối thủ ở phân khúc xe phổ thông. Gần 30 năm sau, Subaru hay Forester vẫn đi con đường đó dù rằng cạnh tranh doanh số với các đối thủ chưa bao giờ dễ dàng. Bởi khách hàng đại chúng, thật khó để khiến họ dán mắt vào những mẫu xe với thiết kế, trang bị không mấy nổi trội. Nhưng đổi lại, trải nghiệm sau vô-lăng giúp Subaru Forester tạo nên một nét cá tính rất riêng trong phân khúc.
Thành Nhạn