Tôi dạy trẻ ở một vùng quê hẻo lánh. Dân cư không đông lắm nhưng cũng không phải là ít. Trời nắng thì không nói gì nhưng trời mưa đi đường hơi vất vả. Lớp tôi dạy là trẻ ở độ tuổi 5-6 tuổi. Đa số phụ huynh đều làm nghề nông hoặc làm thuê kiếm sống.
Trẻ lớp tôi tuy ở quê nhưng được cái là thông minh, ham học. Dù trời nắng hay mưa trẻ vẫn đến trường. Từ khi có chương trình sữa học đường, trẻ lớp tôi thích đi học đến lạ! Trẻ thích uống sữa đến nỗi thuộc nằm lòng các ngày uống sữa trong tuần của trường quy định: thứ 2-4-6 hàng tuần.
Đầu năm, khi vận động phụ huynh cho trẻ uống sữa học đường, nhớ lại tôi thấy vô cùng vất vả. Lúc đó, có không biết bao nhiêu lý do để phụ huynh từ chối tham gia: nào là con tôi không quen uống sữa mới, nào là biết sữa đó thế nào? Chất lượng ra sao? Có tốt không?... Thế là học kỳ I chỉ có vài trẻ đăng ký uống.
Ấy vậy, mà sang học kỳ II, lớp tôi đã đăng ký uống sữa học đường gần hết lớp. Do được nhìn thấy mẫu mã của hộp sữa từ những trẻ uống, phụ huynh tò mò xem thành phần của sữa, rồi nghe những trẻ trong lớp uống nói ngon, mà giá cả lại phù hợp với thu nhập của gia đình nên phụ huynh suy nghĩ lại.
Thật ra, ngoài việc được uống sữa, trẻ còn cùng tôi xử lý những vỏ hộp sữa đã uống xong. Mà tôi nghĩ cũng lạ! Hồi chưa có sữa học đường thì trẻ lớp tôi vẫn đem sữa theo uống, uống xong thì bỏ vỏ hộp vào thùng rác! Nhưng từ khi có sữa học đường thì chuyện lại khác đi, uống xong tôi cùng trẻ rửa sạch hộp sữa, phơi nắng cho thật khô, rồi cô cháu cùng làm đồ chơi, đồ dùng dạy học.
Có lẽ trước đây, trẻ uống các loại sữa khác nhau, vỏ hộp không giống nhau nên ít ai nghĩ ra là phải tận dụng vỏ hộp để làm đồ dùng đồ chơi. Còn bây giờ khi sữa học đường được sử dụng nhiều nên vỏ hộp dùng làm đồ chơi sẽ đồng loạt, dễ làm, đẹp mắt hơn.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài việc làm đồ chơi, vỏ hộp sữa học đường còn được tận dụng làm đồ dùng dạy học.
Với sự khéo léo của đôi bàn tay, vỏ sữa học đường còn được làm dụng cụ để trẻ thực hiện các bài tập vận động cơ bản như đi trong đường hẹp, ném trúng đích, bò trong đường hẹp, bật tách khép chân... Những đồ dùng này nếu trời nắng có thể đem ra sân cho trẻ chơi hoạt động ngoài trời cũng rất tiện.
Vỏ sữa học đường còn được tận dụng làm mô hình cho trẻ chơi góc xây dựng -lắp ghép. Trẻ rất thích thú khi được chơi với mô hình được làm từ vỏ hộp sữa. Thông qua mô hình, trẻ được cô giáo cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích về lịch sử, về danh lam thắng cảnh... của đất nước Việt Nam. Từ đó giáo dục trẻ lòng yêu quê hương đất nước.
Thời gian vừa qua, trường mẫu giáo Tuổi Thơ III, nơi tôi đang công tác, có tổ chức hội thi làm mô hình từ vỏ hộp sữa học đường, tùy theo chủ đề mà các giáo viên đã làm ra những mô hình thật ấn tượng.
Tóm lại, sau gần một năm thực hiện chương trình sữa học đường, bản thân tôi cùng các đồng nghiệp tâm đắc nhất là việc dùng vỏ hộp sữa làm đồ dùng dạy học, làm đồ chơi cho trẻ, vừa không tốn chi phí, vừa đẹp, lại vừa lạ mắt.
Kể từ khi có chương trình sữa học đường, trẻ thích đi học hơn. Khi đến lớp, trẻ mong đến giờ uống sữa và thích thú khi được cùng cô và các bạn làm đồ dùng học tập, làm đồ chơi từ những vỏ hộp sữa học đường.
Thông qua chương trình sữa học đường, những trẻ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được uống sữa miễn phí cùng các bạn. Đó chính là nhờ công ty sữa Vinamilk và Sở Giáo dục Đào tạo Vĩnh Long đã quan tâm đến những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội, ngoài việc giúp các em có sức khỏe tốt, còn giúp các em có thêm niềm vui, tạo động lực đến trường để các em học tốt hơn. Chính vì thế "Sữa học đường, thiên đường nhỏ của bé" thật đúng, phải không các bạn?
Nguyễn Thị Ngọc Hân
Từ ngày 16/6 đến 6/7, độc giả chia sẻ khoảnh khắc lớp học an toàn, vui khỏe của bé mầm non, tiểu học đến cuộc thi "Lớp học vui khỏe, an toàn". Đó có thể là các biện pháp phòng dịch bệnh; tập thể dục tăng cường sức đề kháng; nhảy, hát các bài hát phòng dịch; không khí vui tươi, hào hứng trong giờ uống sữa học đường...
Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn 20 bài dự thi đáp ứng tiêu chí để trao giải thưởng tiền mặt và voucher mua sản phẩm của Vinamilk.
Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết (kèm 1-3 ảnh), bài ảnh (3 ảnh trở lên), video (dưới 3 phút). Gửi bài dự thi tại đây.