Các nhà khoa học từ Đại học Newcastle và Đại học Flinders, Australia, đã dùng những chiếc chảo chống dính mới với chảo dùng hai năm, cùng dụng cụ nấu nướng bằng inox và gỗ, để đo lường mức độ hạt nhựa có khả năng phát tán trong quá trình nấu ăn.
Kết quả công bố trên tạp chí The Total Environment mới đây cho thấy, chỉ một vết xước nhỏ trên chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu. Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên, sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm.
Mặt trong của chảo chống dính được phủ một lớp hợp chất cao phân tử, tên là polytetrafluoroethylene (viết tắt PTFE). Một báo cáo năm 2022 từ tổ chức phi lợi nhuận Ecology Center cho thấy 79% chảo nấu chống dính và 20% chảo nướng chống dính được phủ PTFE.
Tiến sĩ Cheng Fang, nhà nghiên cứu của Đại học Newcastle cho biết, PTFE thuộc nhóm các chất Per và Polyfluoroalkyl (PFAS), một nhóm hóa chất không phân hủy trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và tích tụ trong cơ thể của các sinh vật sống.
Phơi nhiễm PFAS có liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác nhau đối với sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ ung thư, giảm tỷ lệ sinh sản và các vấn đề về phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thừa cân, béo phì, giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Giáo sư Youhong Tang, Đại học Flinders, cho biết nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu rõ hơn về mối đe dọa của các mảnh vụn nhựa PTFE trong quá trình nấu nướng hàng ngày. "Điều này đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ rằng chúng ta phải cẩn thận trong việc lựa chọn và sử dụng các dụng cụ nấu ăn để tránh thực phẩm bị nhiễm hạt nhựa", giáo sư Tang cho biết.
Ngày nay, các loại nồi chảo chống dính gần như là thiết bị không thể thiếu trong nhà bếp, vì nó giúp bạn chế biến các bữa ăn không sợ vỡ nát, dễ dàng chùi rửa. Thiết bị nhà bếp này đã trở nên phổ biến kể từ khi các nhà khoa học chế tạo ra chiếc chảo chống dính đầu tiên vào năm 1954, song thực sự đại dịch Covid-19 đã khiến nó bùng phát. Nhu cầu thị trường về dụng cụ nấu nướng chống dính đạt 206 triệu chiếc trên toàn thế giới vào năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.
Để tránh nhiễm hạt nhựa vào thực phẩm và môi trường, các gia đình nên sử dụng dụng cụ nấu nướng mềm, không sắc nhọn để không làm trầy xước bề mặt trong quá trình nấu nướng và làm sạch. Vì thế tránh dùng thìa inbox, tuyệt đối không dùng búi cọ nồi. Nên thay mới nếu có bất kỳ vết trầy xước nào.
Cần lưu ý thêm, lớp phủ chống dính cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí khi đạt đến nhiệt độ nhất định. Các nhà khoa học đã cho thấy khi đun nóng đến 260 độ C sẽ bắt đầu tạo ra khói, khi đạt đến 400 độ C sẽ bị phân hủy và sinh ra một số chất độc hại . Vì thế, trong nấu ăn hàng ngày ở hãy để dưới 200 độ C và tránh để chảo khô trên bếp.
Các chuyên gia cũng khuyên nên tránh đun chất chua trong chảo chống dính vì thức ăn có tính axit sẽ dễ ăn mòn lớp kim loại. Nên thay mới chảo sau 2 năm sử dụng.
Bảo Nhiên (theo Sciencealert)