Ngày 11/2/1992, tàu ngầm tấn công USS Baton Rouge của hải quân Mỹ ẩn mình ở độ sâu 20 m dưới vùng nước nông ngoài khơi đảo Kildin, cách quân cảng Murmansk của Nga 22 km. Liên Xô tan rã hai tháng trước đó, song hải quân Mỹ vẫn muốn giám sát chặt chẽ hoạt động của hải quân Nga.
Hải quân Mỹ không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể của tàu ngầm Baton Rouge khi đó. Chiến hạm này có thể ghi lại tín hiệu thủy âm do tàu ngầm Nga tạo ra để nhận dạng sau này, hoặc thu hồi các thiết bị thu thập thông tin tình báo dưới lòng biển.
Khoảng 8h16, tàu ngầm Baton Rouge bất ngờ bị một vật thể cực lớn đâm vào từ bên dưới, khiến phần vỏ dưới bụng chiến hạm Mỹ bị rách, bể dằn bị chọc thủng. May mắn là cú đâm không gây thêm thiệt hại mang tính thảm họa với tàu ngầm Baton Rouge.
"Thủ phạm" gây ra cú đâm cực mạnh này là tàu ngầm B-276 Kostroma của Nga, lúc đó mang tên Krab, đang nổi lên ngay bên dưới chiến hạm Mỹ.
Động tác nổi lên quá nhanh khiến tháp điều khiển của tàu ngầm Kostroma chọc vào bụng Baton Rouge và gần như bị vỡ nát. Thân tàu bằng titan của Kostroma sau đó tiếp tục cọ vào Baton Rouge, làm bong các mảng gạch hấp thụ sóng thủy âm của chiến hạm Mỹ.
Cả tàu ngầm Nga và Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân và có thể mang theo tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, Kostroma và Baton Rouge không mang vũ khí hạt nhân khi vụ va chạm xảy ra, lò phản ứng của hai chiến hạm không bị hư hại và tai nạn không làm rò rỉ phóng xạ ra vùng biển xung quanh.
Baton Rouge sau đó liên lạc với tàu ngầm khác của Mỹ để thông báo không cần hỗ trợ. Cả hai chiến hạm Nga và Mỹ sau đó tự quay lại cảng để sửa chữa.
Vụ tai nạn gây ra sự cố ngoại giao đầu tiên giữa Liên bang Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker phải tới gặp tổng thống Nga Boris Yelsin, cam kết Mỹ sẽ giảm quy mô hoạt động do thám trong vùng biển Nga.
Nga tuyên bố Baton Rouge xâm phạm lãnh hải của mình khi đi vào vùng 12 hải lý tính theo đường cơ sở được tạo bởi hai bờ vịnh Kola. Tuy nhiên, Mỹ không công nhận cách vạch đường cơ sở này của Nga và cho rằng tàu ngầm của họ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế nằm ngoài lãnh hải Nga.
Khi vụ va chạm xảy ra, Baton Rouge mới được biên chế 17 năm. Tuy nhiên, chi phí sửa chữa con tàu dài 110 m với lượng giãn nước hơn 6.927 tấn cùng chi phí tiếp nhiên liệu hạt nhân quá cao, khiến hải quân Mỹ quyết định loại biên Baton Rouge vào tháng 1/1995.
Trong khi đó, tàu ngầm Kostroma, dài 107 m với lượng giãn nước 9.100 tấn, quay lại phục vụ hải quân Nga năm 1997 sau khi được sửa chữa. Hải quân Nga năm 2014 quyết định hiện đại hóa tàu ngầm Kostroma, song dự án bị hoãn và con tàu được đưa vào trạng thái niêm cất.
Sau vụ va chạm năm 1992, các thủy thủ Nga sơn một ngôi sao lên tháp chỉ huy tàu ngầm Kostroma, tượng trưng cho thành tích hạ gục một chiến hạm đối phương.
Giới chuyên gia nhận định sự cố Kostroma và Baton Rouge va vào nhau có thể do vùng biển nông ngoài khơi đảo Kildin khiến hai tàu ngầm khó nhận ra nhau bằng thiết bị thủy âm.
Sóng biển tại vùng nước nông gây ra nhiễu tạp âm gấp 10 lần, khiến thủy thủ vận hành thiết bị thủy âm rất khó phân biệt tiếng động từ chân vịt của tàu ngầm đối phương với các tạp âm khác. Thêm vào đó, tiếng động từ chân vịt tàu ngầm khác cũng phản xạ lại từ đáy và mặt biển, khiến thủy thủ khó cô lập chúng khỏi âm thanh nền.
Chuyên gia Eugene Miasnikov năm 1993 nhận định thiết bị thủy âm thụ động của tàu ngầm Kostroma khi di chuyển chậm trong vùng nước nông ồn ào như ngoài khơi đảo Kildin chỉ có thể phát hiện vật thể khác ở khoảng cách 100-200 m, thậm chí thấp hơn vào ngày gió lớn và biển động mạnh.
Phạm vi phát hiện vật thể có thể giảm xuống 0 nếu tàu ngầm Nga tiếp cận Baton Rouge ở góc 60°, vị trí tàu Kostroma không có hệ thống thủy âm cố định. Kostroma cũng không dùng thiết bị thủy âm kéo phía sau để tăng phạm vi dò tìm vật thể trước khi xảy ra va chạm.
Các tàu ngầm lớp Los Angeles như Baton Rouge tạo ra rất ít tiếng ồn, khiến tàu ngầm Nga rất khó phát hiện chúng trước khi xảy ra va chạm. Các cảm biến săn ngầm mạnh hơn trên Kostroma chỉ hoạt động hiệu quả ở phạm vi 3-5 km, trong khi khoảng cách giữa chiến hạm Nga với Baton Rouge lại quá ngắn.
Tàu ngầm hoặc tàu nổi có thể dùng thiết bị thủy âm chủ động để dò tìm tàu ngầm khác, cho phép tăng phạm vi phát hiện lên vài km. Tuy nhiên, thiết bị này dễ làm lộ vị trí của tàu ngầm.
Cả Baton Rouge và Kostroma khi đó đều không bật thiết bị thủy âm chủ động, trong khi hệ thống thủy âm thụ động của chúng không thể phát hiện vị trí của nhau trong vùng biển nông ồn ào. Hậu quả là hai tàu ngầm khổng lồ, với chiều dài gần bằng sân bóng đá, va vào nhau và chỉ nhận ra đối phương sau cú đâm cực mạnh.
Nguyễn Tiến (Theo National Interest)