Một số bạn bè tôi, đều rất giỏi chuyên môn, tâm huyết và có kinh nghiệm giảng dạy ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đã tham gia biên soạn sách giáo khoa mới tại Việt Nam. Họ vô cùng bận rộn, nhưng luôn sẵn sàng khi được triệu tập để soạn sách. "Sách giáo khoa hiện nay ra đời từ đầu những năm 2000, nội dung và hình thức đã lạc hậu quá, phải thay đổi thôi", một người giải thích. Tôi mừng lắm. Sách giáo khoa mới được biên soạn bởi những người có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết và tư duy mở.
Một người bạn ba năm trước đã nhờ tôi mua hộ cuốn sách giáo khoa của Đức để chồng cô, thuộc ban biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới tại Việt Nam, tham khảo. Anh là giảng viên một đại học sư phạm lớn. Anh, cũng như những người khác, đều nói với tôi rằng tham gia làm sách chủ yếu vì tâm huyết, không phải vì tiền. Hợp đồng họ ký với nhà xuất bản thường là theo số tiết môn học, không theo số lượng bản sách bán ra. Vì vậy, mỗi đợt xuất bản họ thường chỉ được nhận một vài chục triệu.
Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Quốc hội đã đem đến nhiều kỳ vọng về nội dung, hình thức và đặc biệt là kỳ vọng về số tiền mỗi gia đình phải chi trả cho sách giáo khoa. Thay vì chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản sách giáo khoa như trước đây, nay có ba nhà xuất bản in ấn, phát hành và cung ứng sách ra thị trường. Độc quyền trong xuất bản và phát hành mặt hàng đặc biệt này hy vọng sẽ được gỡ bỏ. Người dân chờ đợi giá sách sẽ hạ.
Nhưng khi các nhà xuất bản lần lượt thông báo giá bán sách mới đầu năm nay, nhiều người choáng váng. Giá sách giáo khoa mới không giảm mà tăng gấp 3,5 tới 4 lần, tức là tăng 350% tới 400%. Với những gia đình khá giả và ít con, việc tăng giá thành sách có thể không tác động nhiều. Song với phần đông gia đình Việt Nam, thu nhập trung bình trở xuống, hoặc đông con, hoặc gặp khó khăn mùa Covid, đây thực sự không phải tin hay.
Sách giáo khoa là một thị trường đặc biệt, bởi những người có tiếng nói quyết định trong việc chọn mua và sử dụng sách - lãnh đạo các trường học và chính quyền các tỉnh, thành phố - thường không phải người trực tiếp bỏ tiền ra mua sách. Yếu tố thuận mua, vừa bán trong nền kinh tế thị trường không tồn tại trong "ngành sách giáo khoa" mà tiếng Anh có riêng một thuật ngữ là "textbook industry". Người mua, phụ huynh và học sinh, trở thành người buộc phải trả giá cho sự lựa chọn mà họ không đưa ra.
Thị trường sách giáo khoa khác cơ bản thị trường hàng hóa tự do, nhưng có nhiều điểm tương đồng với thị trường thuốc biệt dược. Người kê đơn không trả tiền thuốc mà là người bệnh. Hẳn ta còn nhớ, sau khi có thông tư liên bộ Y tế - Tài chính năm 2012 về giá thuốc, giá thuốc Tây tại Việt Nam đã giảm so với trước 20% tới 30%. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến cho sự tăng giá là nhiều bác sĩ được trình dược viên lót tay để kê đơn thuốc của hãng họ.
Ai từng làm trong ngành in ấn đều hiểu, giá thành để in một cuốn sách thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá bìa sách. Với thị trường lớn tới hơn 8 triệu học sinh tiểu học năm học vừa qua và 1,7 triệu học sinh sẽ vào lớp một năm học 2020-2021, số tiền các nhà xuất bản thu về rất lớn. Có bài báo tạm tính khoảng 340 tỷ đồng, theo giá sách giáo khoa mới công bố; trong khi con số chi phí hiện tại chỉ khoảng 90 tỷ đồng - một khoản chênh lệch khổng lồ. Chi phí tổ chức bản thảo của các nhà xuất bản cũng chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ so với số họ thu vào. Nếu các trường mua sách trực tiếp từ nhà xuất bản thì giảm được đáng kể chi phí tiếp thị, lưu thông và bán hàng.
Tại Mỹ, năm nhà xuất bản gồm Thomson, McGraw-Hill, Wiley, HoughtonMifflin và Pearson chiếm 80% thị phần sách giáo khoa bán cho các đại học. Và ở Mỹ, thị trường này vẫn bị coi là độc quyền bởi công chúng cho rằng việc năm nhà xuất bản kia liên kết giữ giá hoặc đẩy giá là dễ hiểu. Việt Nam mới có ba nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa, chưa thể nói đã xóa sổ độc quyền trong khi câu hỏi về sự minh bạch tài chính của các nhà xuất bản giáo dục chưa bao giờ được công khai đầy đủ.
Nhu cầu mua sách giáo khoa được các nhà kinh tế học gọi là "nhu cầu không chịu tác động từ giá" (price inelastic). Tác động của giá sách tới nhu cầu người mua chỉ có giá trị "-2". Tức là, nếu giá sách tăng 10% thì số sách bán ra giảm đi 2%. Mua sách để học là nhu cầu bắt buộc của người đi học, và những người kinh doanh sách giáo khoa hiểu điều này hơn ai hết.
Ở góc độ kinh tế học, khi đã coi sách giáo khoa là hàng hóa và không có các chính sách, quy định ràng buộc hay bảo trợ đầy đủ từ phía nhà nước thì chuyện các nhà xuất bản - những người kinh doanh mặt hàng - tìm cách nâng cao doanh thu của họ là hiển nhiên. Hơn nữa, sách giáo khoa mới trong năm đầu phân phối ra thị trường thường có giá cao hơn giá xã hội kỳ vọng là điều dễ hiểu, tuy nhiên khi mức giá cao vượt mức kỳ vọng 350% tới 400%. Nó thực sự đáng lo.
Xã hội hóa thị trường sách giáo khoa là chủ trương đúng và tất yếu. Tuy nhiên, vì đây là thị trường đặc biệt, nó cần các cơ chế quản lý đặc biệt. Mô hình các trường hoặc các cụm trường liên kết đấu thầu giá sách công khai kèm các điều kiện về đào tạo sử dụng là một gợi ý đáng tham khảo. Chúng ta chờ đợi nhà nước công khai các biện pháp quản lý thị trường này minh bạch và hiệu quả hơn. Và câu hỏi về sự công khai minh bạch tài chính trong sản xuất sách giáo khoa vẫn nằm đó từ bao năm qua. Người dân không biết số tiền họ buộc phải chi trả có hợp lý, người tham gia biên soạn sách có được nhận thù lao xứng đáng với chất xám của họ không. Nhà nước đã đến lúc yêu cầu các nhà xuất bản không tái bản kèm sửa đổi quá nhiều nội dung trong sách, để các bộ sách năm ngoái được sử dụng lại, tránh đổ đi hàng nghìn tỷ đồng tiền mua sách của nhân dân. Và trợ giá sách cho các gia đình khó khăn không phải là biện pháp hiệu quả, bởi đó chính là cái cớ giúp các nhà xuất bản giữ hoặc đẩy giá lên cao.
Con gái tôi học ở Đức không phải mua sách giáo khoa. Các cháu được trường cho mượn sách hàng năm. Gia đình tôi chỉ phải bỏ ra số tiền rất nhỏ để mua mã sách online (nếu có). Những cuốn sách bìa cứng, in màu, giấy đẹp đã được hàng chục anh chị các năm trước đó sử dụng, cá biệt có những cuốn có người mượn từ 20 năm trước. Các nội dung cập nhật, nếu có, sẽ được giáo viên bổ sung hoặc đưa vào trong giờ dạy thực tế, và học sinh vẫn luôn hào hứng đón nhận.
Nhiều người sẽ bảo, so sánh Việt Nam với Đức là vô lý. Có thể với nhiều lĩnh vực là khập khiễng, nhưng với sách giáo khoa, tôi tự hỏi tại sao Việt Nam chưa thể làm được như vậy? Xóa bỏ những bất công của người dân trong việc tiếp cận sách giáo khoa là một cây cầu bắc tới sự công bằng xã hội
Trần Thị Tuyết