Quê tôi ở Tiền Giang, gia đình thuần nông, không quá dư dả, chỉ đủ ăn, đủ sống. Nói vậy để độc giả có cái nhìn rõ hơn về phong tục, lối sống và văn hóa nơi tôi sinh sống. Mỗi lần tôi về quê, mẹ lại than thở: "Tiền đám tiệc tháng này nhiều quá, ba mày mới đi đám nhà bác lúc trưa, 18h lại qua nhà cậu Hai đám giỗ". Đám tiệc liên miên, nào đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, tân gia, cưới hỏi, có người xây thêm cái tiền chế hay lấp được cái sân xi măng cũng mời tiệc, tôi nghe thôi cũng thấy nặng nề.
Quê tôi trước đây nếu ngoài đám cưới ra, nếu có đám giỗ hoặc thôi nôi, đầy tháng, người ta chỉ qua ăn uống, chúc mừng hoặc cúng cây bánh tưởng nhớ người đã khuất. Nhưng mấy năm trở lại đây, tôi thấy nhà nào cũng toàn đi tiền mặt. Theo lời mẹ tôi kể, trung bình mỗi tháng nhà tôi đi gần 10 cái đám. Đám cưới thì phong bì 500 nghìn đến một triệu đồng tùy độ quen biết; các đám khác khoảng 300 nghìn đồng hoặc thùng bia. Tính sơ sơ gia đình tôi chẳng còn dư dả gì, tiền để dành dự trữ phòng khi đau yếu, bệnh tật cũng bị đem đi mừng đám tiệc.
Nói thêm, mỗi tháng, chúng tôi đều gửi tiền ba mẹ chi tiêu, ruộng đất nếu tới vụ thì thuê người làm, chúng tôi đều lo chi phí đó cả. Tiền mùa vụ, ba mẹ để dành sửa sang lại căn nhà. Ba tôi còn đi làm thêm bên ngoài cốt chỉ để kiếm thêm tiền đi đám tiệc. Tôi rất nhiều lần nói ba hạn chế đi đám tiệc, nhưng đám nào ba cũng cho là "anh em, họ hàng không bỏ được". Có lẽ, cách suy nghĩ của tôi và người lớn tuổi như ba không thể giống nhau, nên tôi cũng không tranh luận nữa.
Tôi thấy người Việt nói chung và người ở quê nói riêng quá đặt nặng vấn đề hình thức, sĩ diện, bày vẽ, phô trương. Như đợt Tết Nguyên Đán vừa rồi, anh, em, bác, cháu, cậu, dượng nhà tôi gặp nhau là nhậu nhẹt bê bết, mặt mày bí xị, người thì ói mửa đầy nhà, người ngủ trên bụi cỏ ven đường, người nằm tới hai ngày chưa dậy... Nhiều người một năm chỉ gặp nhau đúng dịp Tết chứ không có hơn mà cũng gồng gượng uống với nhau dù ruột gan cồn cào, đứng không vững, kêu đi nghỉ thì bảo "anh em lâu lâu mới gặp để uống vài ly".
>> Tết của gia đình sống tối giản
Các bà các mẹ thì lại bày vẽ mâm cao cỗ đầy, cứ có khách tới là đãi đủ món, không thiếu món nào. Dù thịt thà, bánh tét, mứt Tết nhà nào cũng có, ăn đến phát ngán, thế mà mẹ tôi vẫn phải bày cho đủ mâm mới chịu. Kết quả đồ ăn thừa mứa lại bưng xuống lại đổ vào nồi, hâm đi hâm lại, và ra một đống chén bát để rửa dọn. Thành ra, những đứa con gái như tôi ít có dịp nghỉ ngơi mỗi khi về nhà, cứ quanh quẩn lau chùi, dọn dẹp xong là ê ẩm mình mẩy, chỉ muốn nằm nghỉ.
Quay lại vấn đề đám tiệc, tôi cảm thấy chính lối sống bày vẽ, phô trương ở Việt Nam hiện nay đã làm mất đi giá trị truyền thống của văn hóa thờ cúng, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Đám tiệc giờ thành nơi để tiền nong qua lại, trả nợ nhau là chính, nay tôi đi nhà anh, mai anh phải đi lại bằng hoặc hơn, ai đi ít hơn thì không còn nhìn mặt nhau, nặng hơn là bị bêu rếu khắp xóm. Cho nên, nhiều người dù không có tiền cũng chạy vạy, mượn tạm vài trăm nghìn để đi đám cho đủ.
Không chỉ vậy, những nhà có đám tiệc đều nhạc sống, loa đài đùng đùng, những bài hát nghe đến chói tai, đau đầu. Các ông bợm nhậu cũng toàn la hét ầm ĩ khiến tôi kinh hãi mỗi khi về quê. Nhiều bạn, kể cả tôi, cũng cho rằng ở quê thanh bình, yên tĩnh và mộc mạc hơn trên thị thành rất nhiều. Nhưng trên thực tế, có những mặt trái mà chỉ những người sống ở quê mới hiểu. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại văn hóa sinh hoạt làng xã để cải thiện, trả lại một hồn quê chân phương, giản dị như lối sống ông bà ta từng có.
Tôi không rõ quê các bạn có giống như những gì xảy ra ở quê hương tôi không, và bài viết này liệu có thay đổi được cách suy nghĩ, cách sống của những người giống như gia đình tôi hay không, nhưng hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé để chúng ta thay đổi lại từ từ từng chút một. Chúng ta nên giữ gìn, tôn trọng những phong tục, những văn hóa truyền thống tốt đẹp, chứ không nên biến tấu, lai căng, làm mất đi giá trị cốt lõi của nó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.