Trưa nay cũng không phải ngoại lệ. Cuối con hẻm ngoằn ngoèo ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, anh Trương Văn Phi đưa tay chỉnh lại cặp kính, cố căng mắt tìm thêm vài lá cải đủ già để nấu bát canh "cho dễ nuốt cơm".
Suốt một tháng nay, vợ chồng anh không làm gì ra tiền. Có chút tích cóp được từ trước lúc thành phố giãn cách, cặp vợ chồng mua một ký thịt heo, kho mặn để dành cho cậu con trai 9 tuổi. Thức ăn chính của đôi vợ chồng trông đợi cả vào bãi đất hoang lởm chởm đất đá.
"Nửa tháng trước vợ tôi có ra Gian hàng 0 đồng để xin thức ăn. Đi hai lần, vợ tôi xin được ít gạo, mì gói và rau nhưng sau đó nghe bảo có người nhiễm bệnh cũng đến đó. Xung quanh, cứ vài trăm mét lại có một hẻm bị phỏng tỏa nên chúng tôi sợ, chẳng dám đi đâu nữa", người đàn ông 53 tuổi nói.
Anh Phi là người khuyết tật bẩm sinh, cơ thể chỉ hơn 30 kg. Trước đây, anh làm thợ cắt may cho một công ty ở quận 1. Năm ngoái, khi dịch bệnh xuất hiện, công ty không có đơn hàng nên anh Phi được cho nghỉ việc. Anh chuyển sang làm nghề shipper trên chiếc xe ba bánh để nuôi vợ con.
Vợ anh cũng là người khuyết tật, làm nghề may gia công tại nhà. Trước dịch, thu nhập của hai người mỗi tháng chưa tới 7 triệu đồng nên hầu như không có một khoản tích lũy nào.
Những ngày dịch bắt đầu bùng phát, nghề shipper của anh Phi vẫn túc tắc được nhưng đơn hàng cứ giảm dần do thành phố liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách mạnh hơn. Để có thu nhập, người đàn ông thân thể bé nhỏ đành phải nhận những đơn cồng kềnh, nặng cả tạ, đi quãng đường xa mà những shipper khác chê.
Oái oăm là đúng giai đoạn này chiếc xe ba bánh cũ rích của anh lại thường trở chứng. Mang ra tiệm sửa thì tốn nhiều tiền vì xe đã hỏng nặng, anh Phi cầm cự bằng cách mày mò tự sửa xe tại nhà. Mỗi tối đi làm về, hễ thấy có dấu hiệu trục trặc ở đâu, người đàn ông lại hì hục ngồi sửa để kịp sáng mai đi.
Khi biết tin thành phố chuẩn bị giãn cách theo Chỉ thị 16, vợ chồng anh Phi vét hết số tiền trong túi, mua hẳn 50 ký gạo, loại gạo tấm rẻ tiền nhất với suy nghĩ: Miễn không đói là được. Thay vì để những dây rau lang, mồng tơi bò hoang trên mảnh đất như trước, anh vun gốc, nhổ cỏ và gieo thêm ít hạt giống cây cải. Một tháng qua, bữa cơm của vợ chồng anh chỉ quanh quẩn với vài loại rau cầm cự qua ngày.
Là người khuyết tật, lại có bệnh trong người, sức đề kháng kém hơn người bình thường nên dù shipper những ngày này vẫn có thể giao hàng nhưng anh vẫn quyết định ở nhà. Anh sợ chẳng may mình nhiễm bệnh, có mệnh hệ gì không còn ai lo cho vợ con.
Buổi tối cách đây hai hôm, anh Phi đọc báo thấy thành phố có gần 5.000 ca nhiễm bệnh. Người đàn ông quay sang nhìn chiếc xe máy ba bánh ở góc nhà, nghĩ: "Dịch bệnh thì sợ nhưng nếu hết gạo thì cũng buộc phải ra đường, không chở hàng thì đi xin".
Cũng với suy nghĩ "miễn là không bị đói" giống anh Phi nhưng vợ chồng anh Trần Văn Quý ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân lại không có tiền mua gạo. Trước ngày thành phố thực hiện giãn cách, hai vợ chồng này dành 10 ngày rõng rã chở nhau trên chiếc xe lắc đi đến ATM gạo cách nhà hơn 5 km để xin gạo từ thiện. Mỗi lần đi, hai người được khoảng 3 kg. Thứ duy nhất họ đủ tiền mua để tích trữ là một ký thịt heo.
Anh Quý là người khiếm thị, vợ anh mắc bệnh tim nặng nên cơ thể ốm yếu, không có sức lao động. Hai người lấy nhau hơn chục năm nay nhưng không có con. Ngày thường, họ ngồi chung trên chiếc xe lắc đi bán vé số. Anh Quý là chỗ dựa cho người vợ ốm yếu, còn chị là đôi mắt chỉ đường cho anh. Đến những khu chợ, họ gửi xe rồi dẫn nhau đi bán, được hơn trăm tờ mỗi ngày. Từ cuối tháng 5 đến giờ vé số cũng chẳng ai mua, có ngày chỉ bán được 2 tờ.
Cùng đường, họ bắt đầu tìm đến những chỗ phát cơm từ thiện. "Người ta dặn 4h có cơm, vợ chồng tôi tranh thủ tới từ 3h mà người ta nói vừa phát hết rồi nên đành quay về. Lên Sài Gòn mấy năm nhưng chỉ đi bán ở khu vực quận Bình Tân này, tôi nghe nói mấy quận khác có nhiều chỗ phát cơm, có Siêu thị 0 đồng nhưng biết đường nào mà đi", anh Quý kể.
Đã gần hai tuần kể từ ngày giãn cách, ký thịt dè sẻn mãi cũng đã hết, chục trứng của Siêu thị 0 đồng cũng không còn. Mấy hôm nay, vợ chồng anh thường ăn cơm với nước tương, bữa ăn tươm tất nhất cũng chỉ có đĩa rau luộc được mạnh thường quân ủng hộ.
Hôm qua, nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp của thành phố, vợ chồng Quý được đang mừng vì nghĩ sẽ có ít tiền dằn túi để gắng gượng sống mòn qua đợt dịch nhưng chủ nhà đã đến thu luôn tiền trọ vì tháng này đã trễ hơn 10 ngày.
Thầy giáo Phùng Ân Hưng, người hơn nửa tháng nay đã cùng những người bạn lập Siêu thị 0 đồng trên chiếc xe ba gác, chở nhu yếu phẩm đến tận tay những người khuyết tật như anh Quý cho biết: "Ngày thường, người khuyết tật vốn đã khó khăn, khó kiếm tiền hơn người bình thường, trong mùa dịch họ càng khó khăn hơn. Người bình thường có thể dễ dàng tìm đến các điểm phát quà từ thiện nhưng người mù hay khuyết tật thì không thể".
Cũng là người khiếm thị như anh Quý, nhưng chị Quang, 40 tuổi quê An Giang đã lên thành phố được 10 năm. Cơ sở massage nơi chị và ba người bạn cùng cảnh khác đang làm việc chỉ mới mở được vài tháng nhưng đã đóng cửa từ đầu tháng 5. Cứ nghĩ cũng như những đợt dịch trước, chỉ ít bữa sẽ lại được làm việc nên nhóm bạn của chị Quang trụ lại mà không về quê. Nhưng chị không ngờ, đợt dịch này kéo dài quá lâu. Thất nghiệp gần hai tháng, khi tiền ăn đã cạn, một vị khách quen của chị chủ động đăng bài lên Facebook để cầu cứu giúp chị và nhóm bạn. Sau khi nhận được đủ gạo, mì, trứng đủ dùng, chị nhờ người ta xóa bài đăng.
"Tôi định khi nào dùng hết thì lại nhờ xin tiếp. Bây giờ, trong túi của tôi chỉ còn 127 nghìn. Tiền này tôi ráng giữ chứ không dám ăn xài, vì lỡ bệnh còn có tiền mua thuốc, phụ nữ tới kỳ cũng cần mua băng vệ sinh. May mắn là tôi được chủ cơ sở massage cho ở miễn phí", chị nói.
Chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch" mở rộng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi sự chia sẻ lúc này đều rất quý báu với những người nghèo, người lao động mất kế sinh nhai, trẻ em, người khuyết tật trong các mái ấm, nhà mở. Mọi đóng góp xin gửi về tại đây.
Diệp Phan