'Tại sao lại là con tôi?', người phụ nữ ôm chặt đứa trẻ hơn một tuổi, khóc nấc lên khiến Võ Phi Thành Đạt nghẹn đắng cổ. Chàng thanh niên 21 tuổi cũng chạy vội đến một góc kín tại Trung tâm y tế quận Bình Tân đứng cho nước mắt tuôn ra.
Cả ngày hôm đó, Đạt đã chứng kiến rất nhiều cảnh chia ly của những F0. Họ khóc mếu, đôi mắt thất thần, lắp bắp nói lời từ biệt gia đình trước khi lên xe đi cách ly. Kết quả dương tính của cháu bé một tuổi khiến cảm xúc kìm nén bấy lâu vỡ òa.
Lắc nhẹ đầu cho nước mắt rơi xuống, Đạt đi đến bên các thành viên khác, những người đã mệt nhoài sau cả ngày làm việc dưới nắng nóng như thiêu đốt. Anh giơ loa, hít một hơi thật dài trước khi tiếp tục gọi người vào xét nghiệm. "Mọi người hãy bình tĩnh, mọi việc sẽ ổn thôi", Đạt nói, nhưng thực ra cậu cũng đang tự trấn an chính mình.
Võ Phi Thành Đạt là một tình nguyện viên trong Đội phản ứng nhanh Covid-19 của Thành đoàn TP HCM. Nhóm của anh có 17 người, hai tháng qua đã đi khắp các tâm dịch như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân... lấy mẫu xét nghiệm, điều phối người dân, nhập liệu, truy vết F0. "Không ai là người ngoài cuộc khi thành phố trở thành tâm dịch. Chúng tôi là thanh niên càng không thể", Đạt nói.
Đêm 28/5, nghe tin thành đoàn tuyển tình nguyện viên vào vùng dịch, Đạt có mặt tại trụ sở nhà thiếu nhi quận Gò Vấp - điểm nóng dịch bệnh 2 tháng trước - cùng lá đơn tình nguyện viết tay. "Nếu trước đây ba mẹ đi bộ đội phụng sự Tổ quốc thì nay tôi sẽ cống hiến sức trẻ của mình cho thành phố", một đoạn thư viết. Trong số những thanh niên có mặt đêm hôm đó, Đạt được lựa chọn.
11 giờ đêm, lần đầu tiên trong đời chàng sinh viên 21 tuổi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, vào tâm dịch, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho đến tận 4h sáng. Hai tháng qua, Đạt gần như không còn chú ý đến khái niệm ngày đêm bởi lệnh lên đường có thể đến bất cứ lúc nào. Thời gian nghỉ ngơi của cậu là vài chục phút ngồi trên xe di chuyển đến các điểm lấy mẫu trong thành phố.
Là tình nguyện viên, cứ ba ngày một lần thanh niên này phải xét nghiệm Covid-19. Cậu thường ăn cơm từ thiện và ở lại các trung tâm y tế tự cách ly, một là phòng lây nhiễm chéo, hai là trực chiến khi được điều động khẩn cấp. Ngay tại phòng nghỉ, mỗi tình nguyện viên được bố trí một góc riêng xa nhau, đeo khẩu trang ngay cả lúc ngủ.
Những ngày phơi mình hàng chục tiếng giữa cái nóng 40 độ, mồ hôi bám đầy kính, nhiều lúc Đạt chỉ muốn nằm xuống vì không còn thấy đường. Rồi những cơn mưa như trút bất chợt, cậu cùng đồng đội lại lê những đôi ủng bảo hộ đen ngòm vượt qua các khu chợ, khu công nghiệp, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người dân. Có những lúc mệt quá không thở nổi, tay chân run lẩy bẩy, nhiều tình nguyện viên bật khóc ... Nhưng rồi, họ vẫn quyết bám trụ, không ai buông bỏ.
Mệt mỏi về thể chất không phải là khó khăn duy nhất. Nửa tháng trước, Đội phản ứng nhanh của Đạt được cử đến lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân tại một khu công nghiệp vùng ngoại thành. Do khâu chuẩn bị chưa tốt nên dù tập trung đầy đủ vẫn chưa có dụng cụ xét nghiệm. Nắng nóng, căng thẳng khiến nhiều người nổi xung, quát mắng thậm chí xông lên đòi đánh tình nguyện viên.
"Chúng tôi làm nhiệm vụ ở đây vì sự an toàn của mọi người. Dù không cảm ơn sự cố gắng của chúng tôi thì cũng nên có sự hiểu biết và tôn trọng", Đạt nói lạc giọng trước nguy cơ xảy ra ẩu đả. Mỗi khi nhắc lại chuyện này, anh vẫn cảm thấy chạnh lòng.
Rồi những lần truy vết F0, có người vì quá hoảng loạn, trốn biệt trong nhà, phải đến tận nơi đưa đi cách ly. Hay những hôm càng truy vết, càng nhiều ca dương tính khiến Đạt tức ngực đến nghẹt thở. "Thương nhất là những em nhỏ, lũn cũn mặc đồ bảo hộ đi cách ly một mình. Nhìn bóng dáng ấy, ai mà kìm nổi nước mắt".
Nhiệt thành là vậy, nhưng có lúc chàng trai này tưởng mình không thể tiếp tục đứng trong đội tình nguyện do bất ngờ bị sổ mũi, đau họng. Những ngày chờ kết quả xét nghiệm, anh tự cách ly trong phòng. "Tôi chỉ sợ chưa đóng góp được gì lại trở thành gánh nặng cho mọi người", Đạt nói. Dù mấy đêm thức trắng không ngủ, nhưng khi nhận kết quả âm tính, ngay lập tức anh trở lại tuyến đầu, sát cánh cùng đồng đội.
"Đạt là một tình nguyện viên xuất sắc, nghiêm túc và có trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn", Nguyễn Bảo Minh, điều phối tình nguyện viên của Thành đoàn nói rằng anh không ngạc nhiên trước sự trở lại của Đạt sau thời gian cách ly tại nhà. Minh cho biết, khi đối mặt với dịch bệnh, những tình nguyện viên thành phố luôn xông pha tuyến đầu, không ai lùi bước.
Mất gần nửa tiếng để cởi ra và mặc lại quần áo bảo hộ, Ái Thoại lo lắng sẽ làm chậm quá trình lấy mẫu xét nghiệm cho người dân nên cố gắng giảm tần suất uống nước nhiều nhất có thể. Nữ sinh viên năm nhất Khoa Xét nghiệm học Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, mặc quần áo bảo hộ trong thời gian dài là một nỗi khổ từ thể xác đến tâm lý. "Có những buổi khi cởi đồ bảo hộ ra, mồ hôi tích tụ đổ dồn xuống, chân lõng bõng nước". Ái Thoại cùng nhóm với Đạt, khác là vì học ngành y nên được lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp.
Hai tháng trước, nghe tin Thành đoàn tuyển tình nguyện viên, Thoại khi đó đang nghỉ hè ở Bến Tre, trốn gia đình bắt xe lên thành phố từ sáng sớm. Dù là con gái, những ngày đầu tham gia tình nguyện, cô được giao nhiệm vụ trực chốt và khu cách ly ở quận Gò Vấp, thường làm việc xuyên đêm. Thời gian đó, Thoại vừa học online, vừa làm nhiệm vụ. Môn thi cuối, có lịch lúc 14h, 13h30 nhận được lệnh khẩn cấp. Ngồi trên xe bạn chở đến điểm trực, Thoại cầm điện thoại làm bài thi trắc nghiệm.
Mỗi buổi làm việc của Thoại thường kéo dài 6-7 tiếng, lấy mẫu 200-300 người, không ngưng nghỉ. "Nhiều hôm nóng quá, lại làm việc ở nơi không thoáng khí, tôi ngất xỉu vì mệt. Nhưng khi tỉnh, lại tiếp tục vào hỗ trợ cho kịp tiến độ, không để mọi người phải chờ lâu".
Mệt mỏi, sút cân, nhưng thứ cô gái này nhận được là tình cảm của người dân thành phố dành cho đội tình nguyện. Họ rối rít cảm ơn khi nhận được kết quả âm tính, vỗ tay mỗi khi đoàn đi qua. Có những buổi, xe gửi ở nhà dân, lúc về trong giỏ lại lúc lỉu trái cây, kèm theo lời động viên: "Luôn cười vui như hiện tại và sống tới trăm tuổi, cháu nhé".
Lời chúc "trăm tuổi" với Thoại là liều thuốc an thần giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, khi tình nguyện viên luôn ở trong tâm thế có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Mỗi buổi tối trở về đơn vị, trên gương mặt cô gái vừa bước qua tuổi 19 hằn đỏ ở vị trí dây đeo. Ngày đầu Thoại còn buồn vì sợ để lại sẹo, nhưng lâu dần thành quen, cô động viên mọi người: "Thà có vết hằn này còn hơn vết hằn trên mặt người dân do bình oxi".
Sáng nay, Thoại dậy thật sớm đón bình minh. Từ phòng mình nhìn ra, cô thấy thành phố thật đẹp, giống như một năm trước lần đầu bước chân tới nơi này. "Em luôn thấy Sài Gòn tràn ngập sức sống", Thoại nói với Đạt qua lớp khẩu trang.
"Thành phố đang bệnh, cần sự giúp đỡ của mọi người để lấy lại sức sống. Chúng ta nhất định sẽ thắng trong trận chiến này", Đạt nói.
Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp