Đó là chuyến xe vào một buổi chiều cuối tháng 6 mà chàng trai 27 tuổi không thể nào quên. Nó cũng phần nào cho anh thấy dịch bệnh đang ở giai đoạn khốc liệt đến như thế nào.
Hôm đó, nhận được điện thoại của nhóm Thiện Nguyện Nhất Tâm, điều phối xe cấp cứu đưa ca bệnh mới nhập viện, Trí lập tức nhận nhiệm vụ. Xe đậu tại điểm tập kết ở quận 2 nên anh phải chạy xe máy từ nhà ở quận 8 sang. Làm tài xế miễn phí cho chuyến xe 0 đồng, Trí sẵn sàng lên đường ngay bất cứ khi nào được gọi. Anh nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, phun khử khuẩn rồi lên đường.
Dừng lại trước căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Trí bất ngờ khi bước ra xe là một người phụ nữ trung niên, ẵm trên tay một bé sơ sinh mới 8 ngày tuổi. Trí hỏi nhân viên y tế đi cùng thì nhận được câu trả lời: "Ba mẹ của em bé nhiễm Covid-19, đã được đưa đi cách ly từ trước. Hôm nay em bé cũng có kết quả dương tính, bà sẽ đưa cháu vào bệnh viện cùng mẹ". Nghe xong, cổ họng anh nghẹn lại, không biết nói gì thêm. Trí tiến về phía xe, anh cố gắng đóng cửa một cách nhẹ nhàng nhất, sợ tiếng động mạnh sẽ làm em bé tỉnh ngủ.
"Tôi đã chở hàng trăm ca F0 đi nhập viện nhưng có lẽ, em bé này là ca bệnh khiến tôi đau lòng nhất", chàng trai hồi tưởng.
Sau khi hai bà cháu đã lên xe, Trí chở họ đến bệnh viện Trưng Vương, nơi mẹ em đang điều trị. Với anh, quãng đường hơn 10 km trong thành phố chưa bao giờ dài đến thế. Thay vì tăng tốc để chuyển bệnh, lần này Trí chẳng dám phóng nhanh. Anh cố chạy chậm, không cả dám bật còi hú sợ sẽ làm em bé tỉnh giấc trên tay bà.
"Tôi nghe nói những người bị nhiễm bệnh sẽ phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn, đau đớn. Em bé nhỏ xíu, mong manh thế này làm sao vượt qua được?", Trí nghĩ rồi thấy tim mình như thắt lại cho dù chưa một lần làm bố.
Nguyễn Trí vốn là một tài xế lái xe du lịch, dịch vụ nhưng cũng thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện. Năm ngoái, khi miền Tây xuất hiện hạn mặn, anh và nhóm bạn của mình đã lái xe chở nước ngọt từ Sài Gòn về với bà con ở Tiền Giang, Bến Tre. Hồi đầu tháng 5, Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, anh định xin ra làm tình nguyện thì Sài Gòn xuất hiện ca bệnh. Lúc này, anh nghĩ mình nên ở lại để giúp thành phố.
Thấy nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm có đội xe cấp cứu 0 đồng, chuyên chở F0 đi cách ly nhưng lại thiếu tài xế nên Trí đăng ký ngay. "Nghề của tôi mùa dịch này cũng không làm ăn được, mình không đủ điều kiện để hỗ trợ về tiền bạc thì có sức khỏe và nghề lái xe. Cộng đồng cần thì mình phải giúp", Trí nói và cho biết, khi nhận việc anh quên hẳn những cảnh báo của gia đình về việc mình có thể bị nhiễm bệnh.
Tham gia đội lái xe chở F0, mỗi ngày Trí thường nhận nhiệm vụ trực vào buổi chiều tối. Khi có ca bệnh mới cần đưa đi nhập viện hoặc cách ly, cán bộ y tế địa phương sẽ liên hệ với người đại diện nhóm để điều phối xe và tài xế đi đón.
Ông Trần Thanh Long, trưởng nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm cho biết, ông bắt đầu dùng hai chiếc xe cứu thương của nhóm tình nguyện chở F0 đi cách ly từ đầu mua dịch. Gần hai tháng nay, xe của nhóm đã lên đến 10 chiếc, thêm một chiếc đi mượn nữa nên đã đáp ứng được khoảng 95% nhu cầu chở F0 khi được y tế địa phương nhờ hỗ trợ.
"Ngoài lái xe cứu thương, chúng tôi còn nấu cả nghìn suất cơm, tài xế còn có nhiệm vụ chở đến các khu trọ, khu cách ly tặng người dân mỗi ngày. Hiện nay, dù đã có hơn 30 tài xế nhưng chúng tôi vẫn kêu gọi thêm để giảm tải công việc cho mọi người", ông Long nói.
Một lần, khi đang chở một gia đình gồm 7 người F1 ở quận 1 về Thủ Đức. Khi đi đến ngã tư MK trên xa lộ Hà Nội, xe cấp cứu của Trí đâm phải một người đàn ông lái xe máy, vượt đèn đỏ. Lao xuống đỡ người đàn ông, anh thấy ông đã ngà ngà say. Thấy thế, Trí càng bực bội, muốn gọi công an làm cho ra nhẽ. Nhưng nghĩ lại mình còn nhiệm vụ. Ngước lên xe, qua tấm kính anh thấy những đôi mặt mệt mỏi, lo lắng đang chờ mình, Trí biết mình cần đưa họ đi ngay.
"Dù xe có hỏng ở phần đầu và dù rằng mình muốn công an đến để xử phạt người đang ông say xỉn ấy nhưng cũng lúc đó, mình biết việc chuyển bệnh là quan trọng hơn", Trí chia sẻ.
Dù không có thời gian để theo dõi tin tức trên truyền thông, nhưng những chuyến xe cứ tăng dần mỗi ngày, Trí ngầm hiểu, dịch bệnh đang rất căng thẳng. Có những ngày, những tài xế như Trí phải hoạt động hết công suất, có hôm anh chạy liên tục với khoảng 60 ca F0.
"Mong rằng mọi người hãy ý thức, tự bảo vệ mình theo khuyến cáo 5K bởi một người bệnh, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người", chàng trai nói.
Buổi chiều chở bệnh nhi 8 tuổi là F0 đó, khi xe của Trí đến bệnh viện, trong lúc chờ làm thủ tục, tất cả những người ngồi trên xe không được phép xuống để hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Em bé ngủ say cũng đã đến lúc khát sữa, khóc ngằn ngặt trên tay bà. Ngồi phía trước, Trí chẳng còn cách nào khác ngoài việc ngoái nhìn, trong lòng cầu nguyện mọi việc được xử lý nhanh để em bé sớm được gặp mẹ. Sau đó, các y bác sĩ đã kịp thời ra xe để kiểm tra, chăm sóc em bé trong lúc chờ đợi làm thủ tục.
Sau một tiếng chờ đợi, đến khi bóng hai bà cháu khuất hẳn trong bệnh viện, Trí mới dám nổ máy quay xe trở ra.
"Tôi không thể và cũng không biết phải làm gì ngay lúc đó để giúp hai bà cháu. Chưa bao giờ thấy mình bất lực đến thế. Dù tâm trạng có chùng xuống và thấy mệt mỏi, nhưng khi vừa nhận được cuộc gọi của nhóm thông báo vị trí của ca bệnh mới cần xe đến, tôi hít một hơi dài rồi nhủ lòng phải cố gắng.", Trí tâm sự.
Diệp Phan