4 giờ chiều, chiếc xe ba gác chở đầy thực phẩm của Phùng Ân Hưng rẽ vào con hẻm cụt trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM. Ở đây, gần 20 người khuyết tật ngồi trên những chiếc xe lắc đã xếp hàng chờ sẵn. Họ đứng thành hàng dài, giãn cách theo quy định, chờ được "đi chợ 0 đồng".
Hôm nay là buổi thứ ba, anh Hưng và những người hàng xóm của mình ở quận Gò Vấp chuẩn bị sẵn gạo, các loại rau, trái và trứng gà để mọi người đi chợ. Có người lấy mỗi món một ít, nhưng có người chỉ lấy rau, trứng bởi "nhà tôi vẫn còn gạo". Sau khi chất đầy rau trái lên giỏ xe, khuôn mặt mọi người giãn ra, vui vẻ ra về, nhường chỗ cho người sau.
"Cả tháng nay tôi thường tìm đến những chỗ phát cơm từ thiện để đỡ tiền chợ, nhưng thường phải đi rất xa, vào trung tâm thành phố. Tôi nghe người ta bảo có nhiều chợ 0 đồng nhưng không biết chỗ nào mà tìm tới, giờ thì chợ đã về đến cửa nhà trọ", chị Thân, người phụ nữ khuyết tật 54 tuổi chia sẻ.
Anh Hưng là giáo viên Vật Lý một trường cấp ba. Năm nay, từ khi bùng dịch anh và bạn bè góp tiền mua 80 tấn chuối ở Đồng Nai chuyển lên Sài Gòn tặng các khu cách ly để bổ sung vào phần ăn. Đầu tháng 7, đã hết vụ chuối nhưng tình hình dịch vẫn còn căng thẳng, anh nghĩ ngay đến người nghèo, đặc biệt là người khuyết tật.
"Việc mưu sinh của người khuyết tật dù không có dịch cũng đã rất khó khăn. Nay dịch bệnh kéo dài cả tháng rồi, chắc chắn họ đang cần giúp đỡ. Dù thành phố có nhiều điểm tặng quà, chợ 0 đồng nhưng hầu hết được đặt ở trung tâm. Các quận lân cận thì rất hiếm, mà người khuyết tật thì đâu có thể đi xa", thầy giáo 35 tuổi cho nghĩ.
Anh quyết định làm chợ 0 đồng nhưng không đặt cố định một chỗ mà dùng xe ba gác để vận chuyển, đưa chợ đến tận nơi ở của những người khuyết tật trong thành phố.
Ban đầu, Hưng có ý định làm chợ 0 đồng với khả năng tài chính của mình. Nhưng sau hôm đầu tiên trở về, nhiều bạn bè, người thân trong gia đình đã tiếp thêm kinh phí để làm đầy chiếc ba gác. Ba hôm nay, hơn một tấn gạo, 1.000 quả trứng gà và hàng trăm bó rau tươi đã theo chiếc ba gác đi khắp Sài Gòn.
Mỗi ngày, ngoài đến những khu trọ tập trung người khuyết tật, người mù thì dọc đường, hễ thấy những người lao động nghèo anh đều dừng xe mời họ đi chợ 0 đồng.
"Tôi gọi vui là 'mời mọi người đi chợ', vì muốn họ thoải mái chọn lựa những thứ mình cần như việc đi chợ thường ngày vậy thôi", anh Hưng nói.
Cách Sài Gòn gần 200 km, ở Cần Thơ những ngày này cũng tăng thêm các biện pháp mạnh hơn để phòng dịch, khiến đời sống người lao động nghèo càng gặp khó khăn. Thấy vậy, Ngôn Đức Thắng nghĩ ngay đến việc làm một chợ 0 đồng để hỗ trợ đồ ăn cho công nhân, người nghèo.
Tuy nhiên, Thắng thấy mô hình chợ 0 đồng cố định đã được kích hoạt nhiều nơi trong trung tâm . Ở những vùng ngoại ô, người nghèo chưa được hỗ trợ nhiều nên Thắng quyết định mang chợ 0 đồng đến với họ.
Sáng 6/7 anh tự bỏ ra hai triệu đồng, mua ít gạo, rau củ, gia vị. Những cuốn vở, balo học sinh được mạnh thường quân ủng hộ từ trước cho năm học mới cũng được mang lên xe. Gần 10 giờ, chiếc xe tải nhỏ chở được gần một tấn thực phẩm đến một khu tái định cư ở xã Long Điền, huyện Phong Điền, cách trung tâm Cần Thơ gần 20 km, bắt đầu họp chợ.
Đậu xe ở một góc đường, thấy bà cụ hay đứa con nít nào ngang qua anh đều gọi lại hỏi xem họ có cần gì không thì mời đi chợ. Anh nhờ họ đi một vòng, thông báo người dân trong khu đến. Hai tiếng sau, gần một tấn thực phẩm đã hết sạch. Vở, balo cũng đến tay đám trẻ trong khu vực.
Giữa trưa, Thắng trở về định mua thêm hàng hóa, chiều sẽ đi thêm một chuyến đến khu có nhiều công nhân ở Trà Nóc, quận Bình Thủy. Cũng lúc này, những người bạn, những mạnh thường quân vừa thấy việc làm của Thắng đã lập tức chung tay.
"Người chuyển tiền, người chở gạo đến. Có người hái trong vườn vài ký chanh, ớt, chôm chôm cũng mang đến chất lên xe tải. 3 giờ chiều, phiên chợ thứ hai xuất phát với đủ loại các mặt hàng thiết yếu. Ai cho cái gì mình đi cho lại cái ấy", Thắng chia sẻ.
Hôm qua, có người phụ nữ bán vé số thấy chiếc xe tải của Thắng nhưng không vội đi chợ mà về chở thêm một bà cụ đến. Nhưng cũng lúc này, Thắng vừa đóng cửa xe chuẩn bị về. Cố "vét" thêm trên xe, Thắng gửi tặng bà 5 ký gạo và những bó rau cuối cùng. Bà cụ nói: "May nhờ có cậu, nếu không hôm nay lại đi mượn gạo hàng xóm nữa thì ngại quá".
Gần 8h giờ tối, chiếc ba gác của thầy giáo Hưng vượt một đoạn đường đất sình lầy để đến khu trọ của những người nhặt ve chai, bán vé số ở quận 12. Khi đến nơi, hàng chục người đã ra đứng trước cửa chờ sẵn. Nhưng thấy trên xe chỉ còn ít phần gạo, vài bó rau nên không ai chủ động bước đến lấy.
"Họ nói với tôi, sợ lấy trước thì người sau không có. Vậy là tôi nói giờ mọi người cứ nhận hết chỗ này rồi chia lại cho nhau mỗi người một ít. Vài hôm nữa ăn hết phần gạo này em lại đến", thầy Hưng nói.
Diệp Phan