Khi số ca nCoV bắt đầu gia tăng ở Thượng Hải đầu tháng 3, chính quyền thành phố gần 26 triệu dân lập tức triển khai các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã được áp dụng nhiều lần trong chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc, như xét nghiệm hàng loạt, cách ly và phong tỏa, với mục tiêu xóa sổ ổ dịch.
Thượng Hải ban đầu áp dụng chính sách phong tỏa từng phần nhằm tránh để thành phố bị tê liệt hoàn toàn. Nhưng đến 4/4, chính quyền Thượng Hải quyết định áp lệnh phong tỏa toàn thành phố, khi nỗ lực trước đó không cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm.
Sau gần hai tuần áp dụng các chính sách phong tỏa khác nhau, Thượng Hải vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục trong 7 ngày liên tiếp. Thành phố đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 114.000 ca nhiễm kể từ ngày 1/3, khiến chiến lược "Không Covid" đối mặt thách thức ngày càng lớn.
Giới chức chưa công bố số ca tử vong vì Covid-19 trong đợt dịch này, nhưng cuộc sống giữa vòng phong tỏa với những thiếu thốn về nhu yếu phẩm hàng ngày và dịch vụ chăm sóc y tế tại Thượng Hải đã khiến nhiều người tỏ ra thất vọng.
"Không phải virus khiến chúng tôi sợ hãi, mà là các biện pháp chống Covid-19 hỗn loạn đã gây rủi ro cho sức khỏe của người già, trẻ em và thú cưng". Lily Chen, một cư dân Thượng Hải, chia sẻ.
Regina Li, một cư dân khác ở Thượng Hải, nói cô từ lâu đã ủng hộ các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của chính quyền khi thành phố bắt đầu áp lệnh phong tỏa. Nhưng cô thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến nhiều người chật vật với cuộc sống trong vòng phong tỏa và đã bật khóc khi thấy các bài đăng trên mạng xã hội về nhân viên kiểm soát dịch đánh chết thú cưng.
"Tôi cảm thấy thành phố không còn như trước nữa", Li nói, thêm rằng cô lo sợ những con chó cưng của mình sẽ bị đánh chết nếu một ngày cô phải đi cách ly tập trung.
Trung Quốc dường như chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi chiến lược chống dịch. Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan khi tới thăm Thượng Hải đã yêu cầu giới chức địa phương tập trung dập dịch "không do dự". Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo Trung Quốc chưa sẵn sàng để sống chung với Covid-19, khi chỉ 50% người trên 80 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 3.
Giới chức Trung Quốc nhiều lần ca ngợi tính ưu việt của chiến lược "Không Covid" trong bảo vệ mạng sống của người dân, so với chính sách chống dịch mà họ coi là "hỗn loạn" ở các nước phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay ca ngợi chính sách "Không Covid", cho biết cách Trung Quốc xử lý tốt Olympic Bắc Kinh gần đây là minh chứng cho thấy chính sách chống dịch của nước này "một lần nữa vượt qua được bài kiểm nghiệm".
"Một số vận động viên nước ngoài đã nói với chúng ta rằng nếu có huy chương vàng về ứng phó dịch bệnh, nó nên được trao cho Trung Quốc", ông Tập phát biểu tại sự kiện tôn vinh các vận động viên Olympic ở Bắc Kinh hôm nay.
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng ngày đăng bài viết nhấn mạnh chiến lược "Không Covid" vẫn là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc, thêm rằng nước này nên duy trì thái độ "không bao giờ mệt mỏi vì chiến đấu và không bao giờ chùng xuống".
Tuy nhiên, phong tỏa Thượng Hải đồng nghĩa đóng cửa trung tâm kinh tế đóng góp 4% GDP cho Trung Quốc. Điều này đã làm dấy lên những câu hỏi về cái giá phải trả cho cách tiếp cận mà Trung Quốc đang theo đuổi, đặc biệt khi đối mặt với biến chủng Omicron được cho là ít gây biến chứng hơn nhưng rất dễ lây lan.
Lynette Ong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Toronto, Canada, cho rằng với việc phong tỏa cả trung tâm tài chính Thượng Hải, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm làm bất cứ điều gì để thực hiện chiến lược "Không Covid".
"Thực tế Thượng Hải bị phong tỏa cho thấy chúng ta đang khá gần lằn ranh đỏ, giới hạn có thể chấp nhận về mức độ của Không Covid", giáo sư Ong nói. "Đây là thành phố lớn với gần 26 triệu người và đang gặp rất nhiều khó khăn với lệnh phong tỏa. Nó đã gần tới ngưỡng của nhiều người".
Trong hầu hết thời gian đại dịch, Thượng Hải được ca ngợi nhờ duy trì cách chống dịch của mình. Trong khi những thành phố khác thường phong tỏa diện rộng dù chỉ phát hiện vài ca nhiễm, Thượng Hải chọn phong tỏa cục bộ ở nơi phát hiện ca nhiễm. Global Times cũng đã đăng bài ca ngợi chiến lược kiểm soát dịch "chính xác và có mục tiêu" của thành phố.
Ngay cả khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng trước, giới chức Thượng Hải vẫn khẳng định không thể phong tỏa hoàn toàn thành phố vì tầm quan trọng về kinh tế của nó. Nhưng số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh trong thời gian "phong tỏa từng phần" đã khiến chính quyền trung ương trở nên lo lắng, theo Hoàng Nghiêm Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, Mỹ.
"Họ lo ngại rằng nếu tình hình này không thể kiểm soát trong thời gian ngắn, nó sẽ đe dọa ổn định kinh tế, xã hội", tiến sĩ Hoàng nói.
Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch mạnh tay hơn đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại thành phố được đánh giá là có dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu Trung Quốc. Các cơ sở y tế quá tải khiến nhiều người mắc bệnh nan y không được điều trị kịp thời, trong khi các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cũng trở nên căng thẳng. Quy định tách trẻ em nhiễm nCoV khỏi bố mẹ cũng làm dấy lên nhiều bất bình.
Trước nỗi bức xúc của công chúng, Bí thư thành ủy Thượng Hải Mã Xuân Lôi thừa nhận một số biện pháp kiểm soát, phòng ngừa đã không được triển khai kịp thời, cũng như giới chức thành phố đã không "chu đáo" trong đảm bảo người dân tại các khu vực phong tỏa được tiếp cận nhu yếu phẩm.
"Chúng tôi chân thành chấp nhận lời chỉ trích của mọi người và đang nỗ lực để cải thiện tình hình", ông Mã nói hôm 31/3. Giới chức địa phương tuần này cũng đưa ra một số nhượng bộ, trong đó cho phép trẻ bị nhiễm virus có thể ở cùng bố mẹ và tài xế giao hàng được làm việc trở lại.
Mã Đông Diên, một nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho rằng nhiều người Thượng Hải đang ngày càng hoài nghi về hiệu quả của chiến lược "Không Covid", đặc biệt khi Omicron được đánh giá là biến chủng ít nguy hiểm hơn. "Họ không nghĩ cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ hiệu quả trước biến chủng này", tiến sĩ Mã nói.
Jeremy Wu, một người gốc Thượng Hải 26 tuổi, hiện học tập ở Australia, phân vân liệu anh có nên trở lại Trung Quốc hay không. Wu đã quay về Thượng Hải vào mùa thu năm 2020 và tin rằng thành phố là một trong số ít những nơi ở Trung Quốc theo đuổi chính sách tránh các biện pháp hạn chế quá mức.
Khi bạn bè của anh ở Tây An bị phong tỏa ở hồi đầu năm nay, Wu thầm nghĩ "điều này sẽ không bao giờ xảy ra với Thượng Hải". Nhưng giờ Wu biết anh đã sai.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác của Trung Quốc, chiến lược "Không Covid" vẫn nhận được ủng hộ cao. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chỉ trích Thượng Hải "kiêu ngoại" khi theo đuổi cách tiếp cận riêng ban đầu. Thậm chí một số người ở Thượng Hải cũng cho rằng thành phố nên phong tỏa hoàn toàn ngay từ đầu tháng 3.
Chính quyền Trung Quốc dường như mong muốn Thượng Hải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, khi triển khai hơn 2.000 bác sĩ quân y và hàng nghìn nhân viên y tế từ các tỉnh đến chi viện cho thành phố này. "Thượng Hải, tiếp tục chiến đấu", những tiếng hô vẫn vang lên ở một số chung cư, khi thành phố vẫn tiếp tục bị phong tỏa mà chưa định ngày kết thúc.
Thanh Tâm (Theo NY Times, Bloomberg)